Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Không 'bỏ rơi' nhà giáo ngoài công lập


Dịch Covid-19 khiến đội ngũ giáo viên ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong công việc và đời sống. 

 

Giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được sự quan tâm tinh thần, vật chất từ nhà trường sau đại dịch. Ảnh: NTCC

Trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều trường học đã thực hiện chế độ đãi ngộ, động viên để thầy cô yên tâm công tác, cống hiến.

Tăng cường đãi ngộ

Thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, trường đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo khi bước vào năm học mới dù vừa trải qua ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trước hết, Hội đồng nhà trường không cắt giảm mà tiếp tục nâng lương cho giáo viên trước thời hạn nếu có thành tích và kết quả công tác xuất sắc. Đặc biệt tất cả giáo viên THCS, THPT dạy Chương trình GDPT mới (lớp 6, 7, 10) đều được cử tham gia lớp bồi dưỡng có chứng chỉ với sự hỗ trợ kinh phí của trường.

Bên cạnh đó, các tiết dạy theo Chương trình, sách giáo khoa mới đều được tăng 10% kinh phí giảng dạy. “Hội đồng nhà trường quyết định để giáo viên được thụ hưởng chính sách này bởi muốn đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình mới đồng nghĩa giáo viên phải đầu tư nhiều hơn về thời gian cho bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu bài giảng, tự học nâng cao trình độ…”, thầy Nam trao đổi.

Không những thế, theo thầy Nam sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19, dù thời gian dạy học online phần lớn, song nhiều thầy cô vẫn mắc bệnh. Do đó, Ban giám hiệu, Công đoàn trường đặc biệt quan tâm, chú trọng tới công tác chăm sóc sức khỏe khi xây dựng kế hoạch và đề xuất Hội đồng trường sớm triển khai khám sức khỏe miễn phí cho hơn 300 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mức kinh phí dự trù tối thiểu cho mỗi người là 800 nghìn đồng.

Trường Liên cấp Newton (Hà Nội) khi hoạt động dạy học quay trở lại trạng thái bình thường mới cũng thực hiện tăng lương cho toàn bộ đội ngũ giáo viên (theo xếp hạng, bình bầu a, b, c… và giáo viên là người tự xếp hạng). Chế độ thưởng cho cá nhân có thành tích trước khi diễn ra dịch bệnh tiếp tục được duy trì chứ không vì tăng lương mà cắt thưởng.

Bà Lê Thị Bích Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Liên cấp Newton (Hà Nội), cho hay, đi liền với đãi ngộ vật chất là sự quan tâm đầu tư trong chuyên môn để tạo tâm thế vững vàng cho giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT mới ngay khi bước vào năm học.

Nhà trường đã đầu tư kinh phí để mời các chuyên gia giáo dục, chủ biên sách giáo khoa… tập huấn, bồi dưỡng cho toàn bộ cán bộ, giáo viên. “Với số lượng cán bộ quản lý, giáo viên đông thì triển khai hoạt động này tại trường sẽ giúp thầy cô không mất thời gian di chuyển; tăng cơ hội trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia để tháo gỡ hoàn toàn khó khăn chuyên môn nói chung và trong đặc thù của trường nói riêng.

Qua hoạt động này, thầy cô đã trút bỏ hoàn toàn những lo lắng, áp lực khi bước vào năm học mới. Việc soạn giáo án đã đáp ứng được yêu cầu, học sinh được thụ hưởng những bài giảng đổi mới, phương pháp dạy học sáng tạo nhất, chất lượng giáo dục nâng lên đáng kể…”, bà Dung trao đổi.

Đáng chú ý, việc khám sức khỏe miễn phí cho toàn trường nếu ở những năm học trước thường diễn ra vào tháng 11, 12 thì năm nay “đẩy” sớm hơn vào tháng 9 để giúp người lao động yên tâm về sức khỏe. Quyết định này được thay đổi bởi theo bà Dung “nếu những đãi ngộ bảo đảm cả vật chất, tinh thần thì người thầy sẽ yên tâm hơn về cuộc sống, tâm thế… từ đó dành hết tâm huyết cho công việc, học trò, nhà trường…”.

 

Để giáo viên yên tâm cống hiến, Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (Cầu Giấy, Hà Nội) quan tâm, khích lệ bằng chế độ chính sách tốt nhất. Ảnh: NTCC

Cô Lương Thị Kim Tuyến, Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai, Lào Cai) chia sẻ: Khi dịch bệnh kéo dài, học sinh nghỉ học đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế nhà trường cũng như đời sống nhà giáo bấp bênh. Trở lại trong bình thường mới việc tuyển sinh của trường chưa thể lấp đầy (thiếu khoảng 50 trẻ) so với quy mô trường lớp có thể đáp ứng…, song giáo viên đều ghi nhận, trân trọng những nỗ lực trong bảo đảm quyền lợi người lao động từ ban lãnh đạo nhà trường. Cụ thể, nhà trường đã đóng bảo hiểm duy trì suốt thời gian nghỉ dịch cho giáo viên dù không có doanh thu, giáo viên phải tạm nghỉ việc.

Bước vào năm học mới, trường thực hiện tăng lương từ 500 – 800 nghìn đồng/tháng để động viên giáo viên ổn định cuộc sống; trang bị trang phục cho đội ngũ giáo viên…

Không để nhà giáo bị “bỏ” lại

Hỗ trợ nhà giáo trong và sau dịch Covid-19 ở các trường ngoài công lập tùy vào khả năng tài chính. Dù nhiều hay ít thì việc tự chủ buộc các trường phải “cân đo đong đếm” sao cho phù hợp nhất với thực tế, cũng như bảo đảm động viên, giữ chân giáo viên tiếp tục cống hiến.

“Với quan điểm khi thầy cô có thể chất, tinh thần, điều kiện sống tốt... mới xây dựng được trường học hạnh phúc. Mặt khác, đặt giá trị yêu thương, tôn trọng, nhân ái, cách ứng xử lên hàng đầu nên việc đồng hành, hỗ trợ nhà giáo của nhà trường là điều tất yếu phải thực hiện”, thầy Đàm Tiến Nam khẳng định.

Hiện Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục cân đối quỹ lương để giúp giáo viên đạt được mức lương cơ bản nhất. Bước vào triển khai Chương trình GDPT mới (học sinh lựa chọn tổ hợp) có sự mất cân đối nhất định về số giờ, số tiết với giáo viên một số bộ môn, trường thực hiện rà soát tới từng người để thống kê mức thu nhập hụt đi so với trước. Trên cơ sở đó bố trí, bổ sung công việc để tăng thêm thu nhập lương thưởng, nâng cao đời sống.

Cô Lê Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao Nhỏ (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, dù trải qua thiệt hại, song nhà trường luôn cố gắng bảo đảm quyền lợi cho giáo viên khi trở lại công việc. Cụ thể, trước đây thời gian đóng bảo hiểm cho giáo viên là sau 6 tháng tuyển dụng thì hiện tại trường khuyến khích còn 1 tháng; cùng đó, tăng cường nhiều chế độ đãi ngộ lương, thưởng… Tất cả nhằm “kéo” giáo viên trở về với nghề trong bối cảnh khan nguồn tuyển, hoặc giáo viên bỏ, chuyển việc…

Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng cơ bản các trường ngoài công lập vẫn thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Linh An (thành phố Lào Cai, Lào Cai), cũng khẳng định: Một mặt để “giữ chân” giáo viên nhưng phần lớn để giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Với chính sách phù hợp, sau 2 năm dịch Covid, số giáo viên đã gắn bó lâu năm với trường tiếp tục trụ lại và cống hiến.

 

Minh Tùng

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/khong-bo-roi-nha-giao-ngoai-cong-lap-post613871.html