Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nghiên cứu của Mỹ: Tập thể dục tác động đáng kể tới sự phát triển não bộ của trẻ


Ngoài điểm số, thể lực tốt cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ.

Có một blogger nổi tiếng trên Douyin (Trung Quốc) tên Huân Ca. Anh từng là thí sinh đứng đầu trong kỳ tuyển sinh đại học ở tỉnh Giang Tô năm 1999. Hiện tại anh đã tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, trở thành một chuyên gia nghiên cứu về khoa học não bộ và tâm lý giáo dục.

Trong một video gần đây anh có chia sẻ: “Sở dĩ tôi có thể được nhận vào Thanh Hoa là nhờ công sức của thầy hiệu trưởng năm cấp 3. Tôi biết ơn ông ấy rất nhiều”.

Hóa ra là khi vào cấp 3, thầy hiệu trưởng của anh thường đưa cả nhóm học sinh đi tập thể dục và chơi bóng đá mỗi ngày.

Sau này, khi thực hiện những nghiên cứu về não bộ, anh nhận ra mục đích đằng sau của việc này.

“Điều quan trọng nhất đối với thanh thiếu niên là quản lý cảm xúc của mình. Vận động nhiều có thể giải phóng tất cả nội lực, sự khó chịu trong cơ thể, tác động tới nội tiết tố, từ đó con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Đồng thời, ý thức về mục đích, sức bền, sự tập trung và kiên trì theo đuổi mục tiêu khi chơi một môn thể thao nào đó của vận động viên rất mạnh mẽ. Tất cả những phẩm chất này có thể được chuyển sang học tập”.

Trẻ tập thể dục làm thay đổi não bộ

Phần lớn những người xuất sắc trong học tập đều yêu thích thể thao. Điều này không phải ngẫu nhiên mà có.

Theo kết quả khảo sát, trong số 63 nhà vô địch quốc gia năm 2016 ở Trung Quốc có 34 người thích thể thao. Trong số 42 nhà vô địch trong cuộc khảo sát năm 2017 có 24 người thích thể thao.

 

Năm 2015, nhà vô địch khoa học tỉnh Phúc Kiến Jiang Linkun là một vận động viên điền kinh nổi tiếng trong trường. Cậu thậm chí còn đòi chạy vào 1 ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học.

Năm 2016, Li Yichen, nhà vô địch khoa học tỉnh Quảng Đông khẳng định tập thể dục vừa phải trong thời gian dài, đặc biệt là môn bơi lội và cầu lông giúp ích cho mình rất nhiều. Mỗi khi học hành căng thẳng, cậu sẽ chạy vài vòng quanh sân trường.

Giáo sư Li Meijin (Trung Quốc) cho biết: “Những đứa trẻ năng nổ trên sân tập thường học rất xuất sắc”.

Tất cả những điều này khiến cho mọi người thắc mắc thể thao có thể ảnh hưởng tới thành tích của trẻ hay không?

Trên thực tế, dopamine, serotonin và norepinephrine được tạo ra khi con người tập thể dục. 3 chất dẫn truyền thần kinh này đều liên quan đến việc học tập.

- Dopamine làm cho con người cảm thấy vui vẻ và duy trì trạng thái hứng thú học tập.

- Serotonin có thể giải phóng căng thẳng và cải thiện trí nhớ.

- Adrenaline có thể cải thiện sự tập trung hơn trong lớp học.

Một dự án nghiên cứu và não bộ được khởi xướng bởi Viện Y tế Quốc gia và dẫn đầu bởi Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học California, Đại học Cornell, có những phát hiện quan trọng về não bộ. Theo đó, việc tập thể dục liên tục có thể làm tăng đáng kể số lượng sợi thần kinh, khớp thần kinh trong não, thúc đẩy sự phát triển của não và cải thiện trí nhớ.

Việc tập thể dục sẽ kích thích tạo ra môi trường thuận lợi để não hoạt động và học tập tốt hơn. Điều này có nghĩa trẻ càng vận động nhiều sẽ càng thông minh hơn.

Trẻ tập thể dục sẽ có tâm lý vững vàng hơn

Có một cô bé lúc nào cũng đạt điểm cao trong học tập. Trong khi những đứa trẻ khác chơi đùa, cô bé này lại ngoan ngoãn học bài. Có thể nói rằng, cô bé luôn là tấm gương sáng mà bất kỳ cha mẹ nào cũng đều muốn con mình noi theo.

 

Sau đó, khi vào trung học, cô bé bị ốm phải nghỉ học 1 tháng. Khi đi học trở lại, bài kiểm tra giữa kỳ rất thấp điểm. Sự phàn nàn của cha mẹ và sự thất bại đột ngột phá hủy hoàn toàn sự tự tin bấy lâu nay của cô bé.

Kể từ đó, cô bé này rơi vào trạng thái trầm cảm, chán học, phải bỏ học vì lo lắng quá mức, thậm chí còn không thi vào đại học.

Một cơ thể yếu ớt và tâm lý kém cỏi không thể tạo nghị lực để một người vượt qua thất bại. Giáo sư Zheng Yi, một chuyên gia về rối loạn tâm thần ở trẻ em ở Trung Quốc từng nói:“1/3 học sinh cấp tiểu học và trung học, 1/4 sinh viên đại học có những bất ổn về tâm lý. Con số này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng”.

Thực tế cho thấy, trẻ em ngày nay thường xuyên có vấn đề về tâm lý, trở nên mỏng manh, nhạy cảm và dễ gục ngã khi bị thất bại. Trẻ cũng có xu hướng bị cha mẹ bắt ép học quá nhiều, từ trường tới nhà, áp lực bài vở nặng nề, thiếu vận động và nơi để giải tỏa căng thẳng.

Những thanh thiếu niên không ổn định cảm xúc, thường có những hành vi dại dột. Tập thể dục là phương pháp tốt nhất để trút bỏ những cảm xúc tồi tệ. Trẻ em yêu thích thể thao sẽ lạc quan hơn, có khả năng chịu áp lực và tinh thần thoải mái.

Trẻ không có thể lực tương lai khó làm nên việc lớn

Tiểu An (Trung Quốc) là một cậu bé có thể lực yếu ớt từ nhỏ. Bản thân cậu cũng không thích thể thao, cứ tới tiết thể dục là thường viện cớ trốn học, thà tự học trong nhà còn hơn ra ngoài vận động.

 

Trong việc học, điểm số của cậu rất cao, luôn nằm trong top của lớp. Vào một ngày trước kỳ thi đại học, cậu không may bị cảm, điều này ảnh hưởng tới việc tập trung nên điểm số bị ảnh hưởng. Sau cùng, cậu chỉ đậu vào một trường cao đẳng bình thường.

Sau khi đi làm, vì thế trạng kém nên cậu thường xuyên xin nghỉ vì đau ốm. Cậu khó nỗ lực hết trong công việc, bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến. Giờ đây khi đã trưởng thành, cậu luôn hối hận vì lúc nhỏ đã không chịu tập thể dục, rèn luyện cơ thể mình tốt hơn.

Trong cuộc sống, những người yếu đuối thường ít được giao phó nhiệm vụ quan trọng, trong khi những người năng nổ, khỏe mạnh luôn nổi bật, làm việc gì cũng thuận lợi hơn.

Xã hội ngày nay rất cạnh tranh, nếu không có thể lực tốt, rất dễ bị xã hội đào thải một cách tàn nhẫn. Suy cho cùng, những đứa trẻ sẽ có tương lai tươi sáng thường là người rất chịu khó vận động, tập thể thao ngay từ nhỏ.

Phan Hằng

(Theo Aboluowang)

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nghien-cuu-cua-my-tap-the-duc-tac-dong-dang-ke-toi-su-phat-trien-nao-bo-cua-tre-d571477.html