Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ cảm cúm có cho con bú được không?


Có rất nhiều bà mẹ thắc mắc rằng, khi mình bị cảm cúm hay ốm sốt có cho con bú được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho các chị em.

Cúm là một bệnh truyền nhiễm có tác nhân chủ yếu là siêu vi, gây bệnh trên đường hô hấp. Đây là bệnh thường gặp. Các triệu chứng phổ biến khi bị cúm là hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, mệt mỏi, ăn kém và đau nhức toàn thân... Bình thường, cúm có khả năng tự khỏi trong khoảng 7 - 10 ngày nhưng có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm màng não, viêm phổi, viêm não, thậm chí là nguy hiểm tính mạng... ở những người có hệ miễn dịch kém hoặc đang mắc các bệnh lý mạn tính, phụ nữ có thai.

Mẹ bị cảm cúm có cho con bú được không?

Nhiều mẹ lo ngại rằng, khi mình bị cảm cúm mà cho con bú, trẻ sẽ lây bệnh từ mẹ. Tuy nhiên các bác sĩ chỉ ra rằng, virus cúm không lây qua đường sữa mẹ.

Khi cơ thể phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh, nó sẽ tấn công thông qua các kháng thể. Các kháng thể này cũng sẽ được chuyển cho con thông qua sữa mẹ để bảo vệ bé khỏi các mầm bệnh. Vì vậy, đối với thắc mắc mẹ cho con bú bị cảm cúm phải làm sao thì câu trả lời là mẹ bị cảm vẫn nên cho con bú, không những vậy, đây còn là cách để bảo vệ trẻ.

Điều đáng lo ngại ở đây chính là trong quá trình cho con bú mẹ sẽ phải bồng bế, ôm ấp hoặc tiếp xúc với con nên có thể bé sẽ bị lây bệnh thông qua đường hô hấp. Hoặc trước đó, khi mẹ chưa có biểu hiện bệnh thì đã nhiễm siêu vi và có thể đã lây sang con.

Mẹ cần làm gì để hạn chế lây bệnh cho bé khi bị cảm cúm

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước khi cho trẻ bú hoặc bế, chăm sóc trẻ.

- Đeo khẩu trang bất cứ khi nào bạn tiếp xúc gần với con, kể cả trong thời gian chăm.

- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi bạn hắt hơi hoặc ho. Vứt khăn giấy ngay lập tức, sau đó rửa tay hoặc dùng nước rửa tay khô.

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của bé.

- Thường xuyên khử trùng các bề mặt trong nhà như bàn, tay nắm cửa và vòi nước.


- Đặt một tấm chăn vải khô và sạch giữa bạn và con mỗi khi bạn bế hoặc cho con ăn.

- Vệ sinh vú trước khi cho con bú bằng xà phòng nhẹ và nước ấm. Tuy nhiên, đừng vệ sinh xung quanh núm vú trước mỗi lần cho con bú vì vú có thể bị khô và nứt.

- Không dùng chung dụng cụ ăn uống, ly uống nước, khăn mặt, khăn tắm, giường, gối hoặc chăn cho đến khi bạn không còn triệu chứng bệnh trong ít nhất năm ngày.

- Nếu bạn bị cúm, hãy hỏi bác sĩ của bạn về thuốc kháng vi-rút. Nếu sử các loại thuốc này, chúng có thể làm dịu các triệu chứng của bạn và rút ngắn thời gian bệnh, nhưng đồng nghĩa với việc bạn có ít cơ hội tiếp xúc với con hơn.

Ngoài ra, hãy bảo vệ trẻ bằng cách thực hiện đủ và đúng lịch tiêm chủng cho trẻ.

+ Tiêm phòng: Đảm bảo trẻ được nhận đủ tất cả các loại vắc xin cần thiết, ví dụ, nếu trẻ không được tiêm loại vắc-xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, trẻ có thể bị ốm nặng nếu tiếp xúc với vi khuẩn phế cầu từ nhiễm trùng xoang của bạn.

+ Tiêm phòng cúm: Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn hãy đưa trẻ đến địa điểm tiêm chủng để tiêm phòng cúm cho trẻ.

7 loại thuốc cảm cúm phụ nữ cho con bú có thể dùng

1. Acetaminophen/Paracetamol

Acetaminophen là hợp chất làm giảm đau và hạ sốt. Acetaminophen có thể đi vào sữa mẹ nhưng không làm hại trẻ sơ sinh. Đây là một loại thuốc trị cảm cúm không kê toa cho các bà mẹ đang cho con bú.

2. Ibuprofen

Đây là loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS), giúp giảm đau và hạ sốt. Thuốc cảm cúm cho phụ nữ cho con bú này được dùng để điều trị nhức đầu, cảm lạnh, nhiễm trùng xoang và cúm. Ibuprofen có thể đi vào sữa mẹ nhưng không ảnh hưởng đến con nhưng lại không được khuyến cáo cho những người bị loét dạ dày và hen suyễn.

3. Thuốc trị cảm cúm có thành phần Dextromethorphan

Thuốc trị cảm cúm dextromethorphan an toàn cho những bà mẹ đang cho con bú. Tuy nhiên, nếu bạn bị hen suyễn, tiểu đường, bệnh gan hoặc viêm phế quản mãn tính thì nên tránh dùng thuốc trị cảm cúm này.

4. Bromhexine và guaifenesin

Bromhexine và guaifenesin là thuốc được lựa chọn để điều trị triệu chứng ho khan trong cảm cúm và cho tác dụng an toàn với cả mẹ và bé. Thuốc cảm cho mẹ cho con bú này giúp điều trị ho cũng như hạ huyết áp.

5. Amoxicillin

Amoxicillin là thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị trong trường hợp cảm lạnh và xoang. Các tác dụng phụ của loại thuốc cảm cho phụ nữ cho con bú này rất hiếm và tự biến mất mà không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, vì là kháng sinh nên bạn không nên tùy tiện sử dụng mà phải có sự chỉ định của bác sĩ.

6. Thuốc trị cảm cúm chứa Kẽm gluconat

Đây là hợp chất được sử dụng trong nhiều loại thuốc điều trị cảm lạnh và cảm cúm và thường được tìm thấy ở các chai xịt thông mũi hoặc viên uống dạng nén. Bạn chỉ nên sử dụng 12 mg/ngày và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

7. Chlorpheniramine và hydroxyzine

Đây là thuốc được dùng để điều trị sổ mũi, nghẹt mũi hoặc viêm mũi dị ứng. Chlorpheniramine và hydroxyzine đều an toàn cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, mẹ và bé có thể bị các tác dụng phụ như đau bụng, khó chịu và buồn ngủ.

Theo phunuvietnam.vn