Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vai trò lớn của ‘thuyền trưởng’ trong đổi mới giáo dục mầm non


Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non có vai trò quan trọng, giúp giáo viên mầm non biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng.

 

Một lớp học của Trường mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Thực hiện Đề án của Chính phủ về "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018” (Đề án 33), hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non có vai trò quan trọng, giúp giáo viên mầm non biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, mang lại hiệu quả cao trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non.

Phải là người “truyền lửa”

Trước khi là Hiệu trưởng Trường mầm non Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô Phạm Thuý Khanh là “thuyền trưởng” của Trường Mầm non Lê Quý Đôn và Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Mai. Trải qua nhiều môi trường công tác khác nhau, cô Khanh nhận thấy, bên cạnh việc xây dựng một tập thể đoàn kết, cần tạo động lực để giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp thông qua hoạt động bồi dưỡng để làm gì?

Thấm nhuần mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 33, cô Khanh lan tỏa tinh thần tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng đến với tất cả giáo viên trong trường theo phương châm: nói đi đôi với làm. Chủ động dự giờ của giáo viên các khối lớp.

Sau đó, góp ý chi tiết với từng giáo viên về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non để ngày càng tốt hơn. Nhiều chuyên đề, cô tự soạn giáo án rồi lên lớp dạy mẫu để giáo viên cùng thảo luận và rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó áp dụng linh hoạt vào lớp học mà mình phụ trách.

Có thể nói, cô Khanh đã truyền được ngọn lửa đam mê và kích thích được khả năng sáng tạo của mỗi giáo viên bằng việc vừa làm, vừa hướng dẫn tỷ mỷ, cẩn thận. Cô cùng giáo viên xây dựng môi trường lớp học theo hướng mở, đổi mới sáng tạo. Sau đó, tổ chức cho các lớp đến kiến tập, học tập lẫn nhau.

“Tôi đã phát huy được năng lực sở trường và truyền cảm hứng đến tất cả đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực sư phạm” – cô Khanh chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định, giờ đây giáo viên trong trường đã chủ động biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Điều đó đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên. Hiện, 100% giáo viên trong trường đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Nhiều cô giáo đã chủ động tìm đến các khóa học ngắn hạn về đổi mới phương pháp giáo dục trẻ mầm non. Có những giáo viên tự tìm kiếm video, tài liệu để học tập kinh nghiệm thông qua hình thức online, từ đó áp dụng vào công việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non được tốt hơn.

Với vai trò là Hiệu trưởng, cô Bùi Thị Yên - Trường Mầm non Pú Xi (Tuần Giáo, Điện Biên) đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về chuyên môn và năng lực quản lí, quản trị theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non. Qua đó, dẫn dắt nhà trường ngày càng đi lên. Các giáo viên trong trường yên tâm công tác, bám trường, bám lớp và tâm huyết với nghề.

Cũng từ đó, giáo viên chủ động đi học để đạt chuẩn trình độ giáo viên mầm non theo Luật Giáo dục 2019; đồng thời tích cực tham gia bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực sư phạm.

Nhờ vậy mà chất lượng đội ngũ của Trường Mầm non Pú Xi được nâng lên rõ rệt. Nhiều cán bộ, giáo viên tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, đạt thành tích cao trong dạy – học, được các cấp vinh danh, khen thưởng.

Hiện, trường có hơn 300 trẻ. Các em được ăn bán trú tại trường và được nuôi dưỡng, chăm, giáo dục theo quy định trong Chương trình Giáo dục mầm non. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đạt 95,9% đảm bảo theo chỉ tiêu kế hoạch giao.

Có được kết quả trên là nhờ sự đóng góp không nhỏ của “thuyền trưởng” Bùi Thị Yên. Cô không chỉ là người chị của tập thể sư phạm Trường Mầm non Pú Xi, mà còn là người mẹ hiền của trên 300 con nhỏ.

 

Cô Bùi Thị Yên và học sinh Trường Mầm non Pú Xi. Ảnh: Internet.

Hiệu trưởng phải thay đổi

“Từ thực tiễn công tác tôi nhận thấy, hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong phát triển năng lực nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Điều đó càng đúng khi chúng ta thực hiện Đề án 33 của Chính phủ. Theo đó, hiệu trưởng phải thay đổi, xông xáo cùng với giáo viên thì mới mang lại giá trị, trên hết là chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ của nhà trường được cải thiện” – cô Yên bày tỏ.

Đồng quan điểm, cô Phạm Thuý Khanh nhận thấy, nếu hiệu trưởng không “xắn tay” cùng giáo viên, không cổ vũ, động viên, tạo môi trường, động lực cho giáo viên thì rất khó “tạo động lực, truyền cảm hứng” để các thầy, cô tự học, tự bồi dưỡng. “Nói cách khác, vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng và hiệu trưởng phải chủ động thay đổi để giáo viên cùng thay đổi” – cô Khanh bộc bạch.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hiệu trưởng, ThS Lê Văn Huy - Giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) – cho rằng, nếu hiệu trưởng không thay đổi thì giáo viên sẽ khó thay đổi và cuối cùng trẻ là người thiệt thòi.

Muốn giáo viên tự bồi dưỡng, hiệu trưởng phải là người “truyền lửa”, bắt nhịp cùng giáo viên. Hiệu trưởng cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 33 để định hướng mục tiêu và tạo môi trường cho giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Ngoài ra, các trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên cần bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho các giảng viên, cán bộ quản lý các khoa, tổ bộ môn giáo dục mầm non. Lựa chọn và cử những giảng viên sư phạm có đủ năng lực, trình độ tham gia trao đổi khoa học, học tập và giảng dạy.

“Như chuỗi dây chuyền, giảng viên chủ chốt tác động đến đến các hiệu trưởng trường mầm non cốt cán. Sau đó, các hiệu trưởng này tiếp tục lan tỏa đến đồng nghiệp và các giáo viên, tạo ra một cộng đồng học tập, tự đào tạo, bồi dưỡng lẫn nhau. Tất nhiên, chúng ta phải kiên trì và cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cơ quan quản lý giáo dục từ cấp sở GD&ĐT đến phòng GD&ĐT” - ThS Lê Văn Huy trao đổi.

 

Minh Phong

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/vai-tro-lon-cua-thuyen-truong-trong-doi-moi-giao-duc-mam-non-post612448.html