Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những đức tính cần thiết trong cuộc sống giúp trẻ thành công


Đây là những đức tính bố mẹ có thể vun đắp cho con từ bây giờ để trẻ thành công trong tương lai.

1. Tính kiên nhẫn

Đối với một đứa trẻ, kiên nhẫn chờ đợi hay phải kìm nén bản thân là một điều vô cùng khó khăn, nhất là trong thời kì công nghệ số phát triển như vũ bão ngày nay, trẻ có thể tìm kiếm và có ngay thứ mình muốn chỉ trong nháy mắt mà không phải chờ đợi quá lâu. Mẹ phải biết rằng kiên nhẫn là một đức tính cần thiết, vô cùng quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc của trẻ sau này.

Sự kiên trì, nhẫn nại được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện lâu dài và không dễ gì có được. Chính vì vậy kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân là những đức tính mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Nếu kịp thời hướng dẫn, dạy trẻ tính kiên nhẫn sẽ giúp bé ngày càng hoàn thiện nhân cách và phát triển tốt hơn cho tương lai về sau.

Dạy con đức tính kiên nhẫn cũng là dạy con cách tôn trọng người khác, tập trung vào bản thân và học cách hiểu mình - hiểu người, biết suy nghĩ không chỉ dựa trên quan điểm của mình mà còn của người khác, đồng cảm hơn, thấu hiểu hơn.

Những lợi ích của đức tính kiên nhẫn sẽ mang lại cho trẻ cụ thể như sau:

- Giúp xây dựng các mối quan hệ xã hội thông qua khả năng chịu đựng khuyết điểm, sai sót của người khác, lắng nghe và đồng cảm hơn với họ.

- Là chìa khóa để đạt được một mục tiêu trong tương lai. Sự kiên trì, nhẫn nại cho phép trẻ biết chấp nhận thất bại, tiếp tục kiên trì và cố gắng hơn để đạt mục tiêu.

- Hạn chế việc trẻ đưa ra những quyết định kém hiệu quả, bốc đồng dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

- Giảm căng thẳng, lo lắng: Tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ hạn chế phàn nàn, kêu ca hay bực bội gây ảnh hưởng tới tâm lý, tâm trạng.

2. Tính trung thực

Giáo dục trẻ đức tính trung thực là việc mẹ cần làm ngay từ khi con còn nhỏ, bởi đó chính là chìa khóa cho trẻ bước vào cuộc đời trong tâm thế của con người biết sống chân thành, tôn trọng bản thân, tôn trọng lẽ phải thay vì sự dối trá.

Đức tính thật thà, trung thực là một trong những đức tính quan trọng và cốt lõi giúp hình thành nhân cách, tính cách, quyết định tới cuộc sống sau này của trẻ. Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dạy những đứa trẻ trung thực, thật thà là một thách thức bởi trẻ rất khó phân biệt giữa sự thật và lời nói dối, đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi. Vậy nên việc dạy con sống trung thực là việc mà ai cũng cảm thấy vô cùng cần thiết nhưng lại luôn có nhiều lý do để không thực hiện.

Tiến sĩ Lim Boon Leng, nhà tâm lý học thuộc Trung tâm Tâm lý Sức khỏe Tâm thần BL Lim (Singapore) giải thích: "Trẻ nói dối vì chúng nghĩ rằng mình có thể đạt được điều gì đó bằng cách này. Ví dụ, bằng cách nói dối về việc đã hoàn thành công việc, trẻ có thể đi xem tivi. Trẻ cũng nói dối để tránh bị cha mẹ, thầy cô phạt hoặc để thoát khỏi những tình huống khó khăn".

3. Tính độc lập

Sự tự chủ đầu tiên thể hiện ở việc trẻ có thể tự biết cách chăm sóc bản thân từ những kĩ năng cơ bản nhất như đi tất, cài cúc áo, buộc dây giày, mặc quần có khóa kéo và cúc bấm, tự lau chùi sau khi đi vệ sinh, rửa tay đúng cách... sau đó là việc trẻ biết nói ra và thể hiện rõ ràng các nhu cầu cá nhân của mình như mệt mỏi, khát nước, đau bụng, cần được hỗ trợ. Đây là điều rất cần thiết cho con, không chỉ giúp trẻ cảm thấy tự tin và còn giúp trẻ hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào người khác để phòng tránh các nguy cơ bị lợi dụng và xâm hại.


Để giúp con có tính độc lập, tự chủ, từ nhỏ bố mẹ nên tin tưởng vào khả năng của trẻ và cho trẻ thời gian để tự làm mọi việc, hoàn thiện dần kĩ năng của mình. Trẻ càng được bố mẹ tin tưởng và được học cách tự chăm sóc bản thân mình từ sớm sẽ càng độc lập và tự chủ khi lớn lên.

4. Sự tự tin

Những đứa trẻ coi điểm số của mình là do nỗ lực và điểm mạnh của bản thân sẽ thành công hơn những đứa trẻ tin chúng không kiểm soát được kết quả học tập. Sự tự tin thực sự là kết quả của việc con làm tốt, biết đối mặt với những trở ngại, tạo ra giải pháp và tự mình khắc phục. Nếu bạn khắc phục vấn đề hoặc làm bài tập, hoàn thành nhiệm vụ thay con sẽ khiến chúng nghĩ chúng chẳng làm được gì.

Những đứa trẻ có lòng tự tin biết chúng có thể thất bại nhưng sẽ vượt qua, và đó là lý do phụ huynh phải dừng việc làm thay con những việc trong khả năng của chúng.

5. Lòng đồng cảm

Sự đồng cảm có ba loại: cảm xúc, hành vi, nhận thức. Sự đồng cảm về cảm xúc là khi chúng ta chia sẻ cảm xúc với người khác, thấu hiểu họ. Sự đồng cảm về hành vi là khi mối quan tâm thúc đẩy ta hành động với lòng trắc ẩn. Cuối cùng, sự đồng cảm về nhận thức xảy ra khi chúng ta hiểu được suy nghĩ của người khác và đặt mình vào vị trí của họ. Trẻ em cần vốn từ vựng về cảm xúc để phát triển sự đồng cảm. Dưới đây là một số cách để cha mẹ giúp con phát triển sự đồng cảm:

- Dán nhãn cảm xúc: Đặt tên cảm xúc có chủ đích theo ngữ cảnh để giúp con xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc. "Con đang vui", "Con trông có vẻ buồn".

- Đặt câu hỏi: "Con cảm thấy thế nào?", "Trông con có vẻ sợ hãi. Mẹ nói đúng không con?". Bố mẹ cần giúp con nhận ra mọi cảm xúc xảy đến với con đều là điều bình thường. Còn cách mà chúng ta chọn để thể hiện cảm xúc ấy mới có thể khiến chúng ta gặp rắc rối.

- Chia sẻ cảm xúc: Trẻ em cần có cơ hội để thể hiện cảm xúc của mình an toàn. Bạn giúp con bằng cách chia sẻ cảm xúc của chính bạn. Ví dụ: "Mẹ đã không được ngủ nhiều nên cáu gắt", "Mẹ thất vọng với cuốn sách này".

- Nhận biết sắc mặt người khác: Bạn có thể cho con thực hành bài tập nhận biết biểu cảm mọi người khi đi ăn hàng hoặc tới công viên. Ví dụ, bạn đưa ra cho con các câu hỏi: "Con nghĩ người đàn ông đó có cảm xúc như thế nào?", "Con đã bao giờ cảm thấy như vậy chưa?".

6. Sự lạc quan

Những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại tạm thời có thể vượt qua được, vì vậy trẻ có nhiều khả năng thành công hơn. Ngược lại, những đứa trẻ bi quan coi những thử thách là vĩnh viễn, giống như những khối xi măng không thể di chuyển, vì vậy chúng có nhiều khả năng bỏ cuộc.

Việc dạy trẻ tinh thần lạc quan bắt đầu từ chính cha mẹ. Bố mẹ hãy điều chỉnh các thông điệp điển hình của mình tới trẻ. Hãy tự đánh giá xem bạn hay nhìn nhận mọi thứ bi quan hay lạc quan hơn? Bạn bè và gia đình có nói như vậy về bạn không? Nếu bạn thấy tinh thần của mình đang nghiêng về một phía, hãy nhớ rằng sự thay đổi bắt đầu bằng cách nhìn vào gương. Nếu bạn thấy mình quá bi quan, hãy viết lý do trở nên lạc quan hơn sẽ hữu ích. Thay đổi là khó, nhưng điều quan trọng là bạn phải là tấm gương cho những gì bạn muốn con mình học hỏi.

 

Theo Tổ Quốc