Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bảo vệ sức khoẻ khi trẻ tới trường


Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, trước hết, phải có sự quan tâm từ nhà trường.

 

Trẻ nhập viện do Adenovirs tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, phải có sự chuẩn bị, phối hợp với CDC địa phương, dựa theo dự đoán dịch để có kế hoạch phòng chống.

Thời gian dịch bùng phát

Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm gia tăng và có diễn biến phức tạp. Tình trạng đó khiến nhiều cha mẹ lo lắng, đặc biệt là khi trẻ trở lại trường trong năm học mới. Tháng 5 vừa qua, Norovirus đã được gọi tên là nguyên nhân hàng loạt khiến trẻ em bị tiêu chảy, sốt, nôn ói khu vực phía Bắc. Tháng 6 và 7, cúm A ở trẻ tăng bất thường vào mùa hè, trong khi đây là bệnh lý thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác như Covid-19, sốt xuất huyết, chân tay miệng và các vấn đề do Adenovirus gây ra cũng khiến số trẻ phải nhập viện tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm giao mùa chuyển từ hè sang thu – đông, thời tiết thay đổi, cơ thể, sức đề kháng của trẻ cũng thay đổi nên các em dễ bị bệnh. Vào mùa mưa, muỗi phát triển và sẽ làm lây truyền mạnh bệnh sốt xuất huyết.

Covid-19 không có biến động lớn, nhưng nhiều trẻ chưa tiêm chủng nên có nguy cơ nhiễm virus.

Chuyên gia này cho biết, khi đi học, trẻ tập trung đông người, tiếp xúc nhiều, nên tình trạng lây nhiễm các bệnh có thể nhiều hơn. Trong lớp, một trẻ bị bệnh có thể lây sang các bạn khác vì hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng yếu. Trong đó, đặc biệt là trẻ lớp 1, lần đầu tiên đến trường, sức đề kháng kém, càng dễ lây bệnh.. Tuy nhiên, nhìn chung, số ca mắc các bệnh như hiện nay là bình thường. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời gian này là dịch bùng phát.

“Sau thời gian chủ yếu ở nhà do đại dịch Covid-19, giờ là thời điểm các em quay lại trường. Khi đi học, trẻ tiếp xúc nhiều với nhau, với cộng đồng. Điều đó khiến trẻ có thể nhiễm cúm mùa, các loại virus, viêm họng, hoặc mắc một số bệnh do vi khuẩn gây ra. Đặc biệt, nhiều trẻ không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng khiến sức đề kháng kém. Ngoài ra, trong thời gian Covid-19 bùng phát, nhiều em đã không được tiêm các loại vắc-xin trong chương tình tiêm chủng mở rộng”, PGS Nga cho biết.

 

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

“Chìa khoá” bảo vệ trẻ

Theo chuyên gia này, trường học là môi trường khiến trẻ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, trước hết là phải có sự quan tâm từ nhà trường. Y tế nhà trường phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Nhà trường cần liên hệ với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) địa phương. Sau đó, dựa theo dự đoán dịch của CDC địa phương xem sắp tới bùng phát bệnh gì để có kế hoạch phòng chống.

Đồng thời, nhà trường cũng nên mời chuyên gia của CDC địa phương đến nói chuyện với phụ huynh, học sinh. Mỗi khu vực sẽ có nguy cơ bệnh khác nhau, vùng thì bùng phát sốt xuất huyết, vùng có thể là cúm mùa… hoặc bệnh khác, cũng như yếu tố nguy cơ khác nhau. Y tế nhà trường phải thường xuyên giám sát dịch bệnh, tổ chức chăm sóc sức khoẻ học sinh.

“Về phía cha mẹ học sinh, nếu trong gia đình có người bị bệnh, phụ huynh phải có biện pháp bảo vệ, phòng chống cho các em. Đồng thời, thông báo cho nhà trường nếu phát hiện các em bị bệnh truyền nhiễm. Với trẻ mầm non, các em có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao hơn.

Do đó, nhà trường phải xử lý, lau chùi sàn nhà, đồ chơi thường xuyên bằng chất diệt khuẩn. Hướng dẫn các em rửa tay xà phòng đúng cách, ăn chín, uống sôi. Bếp ăn tập thể phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em. Trong trường hợp trẻ có triệu chứng ốm, sốt đột xuất thì giáo viên cần liên hệ phòng y tế trường để có biện pháp xử trí phù hợp”, PGS Nga khuyến cáo.

Hệ miễn dịch là “chìa khoá” bảo vệ trẻ. Do đó, cha mẹ cần tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Gia đình cần cho trẻ ăn uống đủ chất, nhiều dinh dưỡng như trứng, sữa, cá. Đồng thời, cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, việc vận động cũng vô cùng quan trọng. Trẻ không nên chỉ ngồi trong nhà và sử dụng thiết bị công nghệ.

Thay vào đó, cha mẹ có thể khuyến khích các em chạy nhảy, ra ngoài trời, dạo công viên, tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp lứa tuổi. Việc thường xuyên ở trong nhà và tiếp xúc với thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính, tivi không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ, mà còn đến tâm lý trẻ, cũng như các cơ quan vận động, có thể gây còi xương,…

Tuy nhiên, PGS Nga lưu ý, trước khi cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, phụ huynh cần theo dõi về chỉ số, chất lượng không khí của địa phương, đặc biệt là tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM. Trong những ngày chất lượng không khí xấu, nguy hại, cha mẹ cần cho trẻ ở nhà, thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời.

 

Vân Huyền

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/bao-ve-suc-khoe-khi-tre-toi-truong-post610824.html