Phòng, chống dịch bệnh trong trường học: Không chủ quan, lơ là
Từ đầu năm học 2022 - 2023, các trường học đã chủ động xây dựng kế hoạch, phòng chống các loại dịch bệnh.
Giáo viên mầm non ở Cần Thơ hướng dẫn trẻ vệ sinh tay trước khi vào lớp. Việc tiêm vắc-xin, đeo khẩu trang, khử khuẩn… được chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục chú trọng, nhằm bảo đảm một năm học mới an toàn, hiệu quả. Chủ động các giải pháp Trường mầm non là nơi học tập vui chơi của trẻ nhỏ. Đây là nhóm dễ lây nhiễm các loại bệnh do sức đề kháng còn yếu, chưa có ý thức phòng bệnh cũng như kỹ năng tự bảo vệ trước dịch bệnh. Vì vậy trước khi bước vào năm học mới, Trường Mẫu giáo Thới Long (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã xây dựng phương án và kế hoạch chủ động trong công tác phòng ngừa bệnh trong học đường. Cô Phạm Thị Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác y tế, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên thực hiện công tác phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trong học đường. Đồng thời, chỉ đạo y tế của trường trang bị thêm khẩu trang, thuốc, dung dịch sát khuẩn, xà bông..., phòng cách ly y tế để theo dõi trẻ có biểu hiện bệnh. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh học sinh chăm sóc trẻ ở nhà và dạy bé những kỹ năng vệ sinh cá nhân như rửa tay, lau mặt, chải răng… ăn sạch, uống chín và đủ nước. Tương tự, tại Trường Mầm non Thiên Ân (TP Thủ Đức, TPHCM), những ngày qua, nhà trường luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức. Hàng tuần, nhà trường tiến hành vệ sinh, khử khuẩn lớp học, đồ dùng học tập, các bề mặt tiếp xúc với trẻ. Cô Hiệu trưởng Thái Thị Hồng Nhung cho hay, là người trực tiếp chăm sóc trẻ nên Ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên phải tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các cô thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để nắm tình hình sức khỏe của trẻ. Trong chương trình giảng dạy, tăng cường nội dung hướng dẫn về vệ sinh cá nhân, cách đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người lạ. “Bên cạnh việc giữ vệ sinh chung, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh. Chúng tôi luôn quan tâm đến bữa ăn của các bé để có đầy đủ nhóm chất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian học, các bé sinh hoạt và ăn uống phần lớn tại trường, chế độ dinh dưỡng đúng và phù hợp mới đảm bảo sự phát triển cũng như phòng, chống các loại dịch bệnh. Món ăn đa dạng, thực phẩm sạch và an toàn luôn là tiêu chí hàng đầu trong bếp ăn của nhà trường. Ngoài ra, việc giữ vệ sinh trong khu vực nấu ăn cũng luôn được chú trọng”, cô Nhung nói.
Giáo viên Trường THCS Lương Định Của biểu diễn tại buổi phát động Hội thi đồng diễn thể dục ngày 30/9. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Ngọc Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học 2022 - 2023, địa phương có 171 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 135 trường công lập, 36 trường ngoài công lập. Qua rà soát, thành phố chỉ có 145 đơn vị có nhân viên y tế, thiếu 26 người trong trường mầm non. Các quận, huyện thiếu nhân viên y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Trong thời gian chờ tuyển dụng, các đơn vị phân công giáo viên kiêm nhiệm. Bà Huệ cũng cho biết, hằng năm, ngành Giáo dục thành phố đều phối hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, nhân viên về chăm sóc dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe trẻ em nhằm triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, dự phòng bệnh trong các cơ sở giáo dục mầm non. “Trong thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức hoạt động phòng, chống bệnh Covid-19, đậu mùa khỉ, bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy… và các dịch bệnh khác tại các cơ sở giáo dục mầm non bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp”, bà Huệ nhấn mạnh. Nâng cao nhận thức Các trường học đều xác định, công tác vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp, đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa bệnh. Theo cô Lê Ngọc Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhà trường luôn lưu ý đội ngũ cán bộ, nhân viên thường xuyên vệ sinh môi trường bên ngoài lớp học, phát hoang bụi rậm, kiểm tra các nơi có thể chứa nước mưa ứ đọng để tiêu diệt muỗi…
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cùng Ban giám hiệu Trường Tiểu học Ngô Quyền kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường. Nhà trường đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức học sinh phòng bệnh bằng nhiều thức khác nhau như: Sinh hoạt dưới cờ, dán áp phích, treo băng rôn các tháng cao điểm; hướng dẫn các em giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay… Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh theo dõi tình hình sức khỏe của các em. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, môi trường… đảm bảo ngôi trường xanh - sạch - đẹp và thoáng mát. Một yếu tố quan trọng là phòng bệnh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, do đó định kỳ hằng năm, trường tổ chức 2 lần khám định kỳ cán bộ nhân viên trong trường”, cô Điệp chia sẻ thêm. Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM), ngay từ giữa tháng 8/2022, qua nhắn tin điện thoại và thông báo trong nhóm Zalo của lớp đã vận động cha mẹ đưa học sinh đến trạm y tế phường An Lạc A hoặc Bệnh viện Bình Tân để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra để nâng cao nhận thức cho giáo viên, nhân viên và học sinh, trường đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức như lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt lớp; treo băng rôn, pa nô, áp phích; tuyên truyền trên sóng phát thanh và website của nhà trường. Trong nội dung sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng lồng ghép vấn đề tiêm chủng vắc-xin, cách phòng chống bệnh. Nhà trường cũng yêu cầu tất cả học sinh thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi đến trường; bố trí vòi nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thùng đựng rác tại những nơi thích hợp; thường xuyên vệ sinh môi trường, khử khuẩn lớp học. Nhân viên y tế theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hằng ngày để kịp thời nắm bắt, phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt, ho và có biện pháp xử lý kịp thời. Theo thầy Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, từ thực tế địa bàn TPHCM đang có nhiều loại dịch bệnh phức tạp, vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đều dành thời gian tuyên truyền, phổ biến cách phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi, đậu mùa, đặc biệt là Covid-19 cho trò. Nhà trường còn thường xuyên thực hiện chương trình phát thanh học đường vào giờ ra chơi để tăng cường thông tin đến học sinh. “Các giáo viên chủ nhiệm kết nối với phụ huynh để tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và các bệnh khác. Theo thống kê, đến nay, đa số học sinh của trường đã được tiêm đầy đủ 2 liều cơ bản phòng Covid-19”, thầy Vương nói. Trường THCS An Lạc tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho học sinh toàn trường. Khỏe để chống lại dịch bệnh Trước khi bước vào năm học 2022 - 2023, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM) đã triển khai các văn bản chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục về công tác phòng chống dịch bệnh tới toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh. Chia sẻ thông tin, cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đồng thời chia sẻ: Trong năm học này, nhà trường tăng cường tuyên truyền giáo dục học sinh giữ vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, ngày 30/9, Ban giám hiệu Trường THCS Lương Định Của đã phát động Hội thi đồng diễn thể dục thu hút tất cả khối, lớp và giáo viên trong trường tham gia. Cô Hiếu cho hay, bước vào năm học 2022 - 2023, các loại dịch bệnh như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng… diễn biến phức tạp. Nhằm giúp học sinh tăng cường sức đề kháng phòng các loại dịch bệnh để học tập, thầy cô khỏe để làm việc, ngoài tập thể dục truyền thống vào các giờ ra chơi, học sinh trong trường sẽ tham gia tập thể dục nhịp điệu theo nhạc bài hát Đất nước trọn niềm vui. “Ngay sau buổi lễ phát động, các khối, lớp trong trường đã hào hứng luyện tập chuẩn bị cho hội thi. Theo kế hoạch, hội thi được tổ chức vào giờ ra chơi từ ngày 17/10 - 11/11 tại sân trường. Việc tổ chức hội thi nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa là hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng để phòng, chống dịch bệnh. Từ đó nâng cao hiệu quả học tập, giúp học sinh có thời gian thư giãn, gắn kết giữa thành viên trong lớp, giữa các lớp trong trường với nhau”, cô Hiếu nhấn mạnh. Em Thu Ngân, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Lương Định Của, phấn khởi nói: “Ngay khi nhà trường phát động, em và các bạn trong lớp đã xây dựng kế hoạch tập luyện. Hoạt động thể dục thể thao không chỉ giúp thư giãn sau những tiết học căng thẳng, tăng cường sức khỏe để chống lại các dịch bệnh hiện nay, mà còn tăng cường tinh thần đoàn kết giữa thành viên trong lớp. Lớp em sẽ phấn đấu để đoạt giải cao trong hội thi lần này”.
Trường Tiến - Hồ Phúc Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phong-chong-dich-benh-trong-truong-hoc-khong-chu-quan-lo-la-post610814.html |