Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng nhầm giữa tự trọng và tự ái ở trẻ


ThS Nguyễn Thị Huyền, giảng viên Trường Đại học Văn hóa chia sẻ quan điểm để có cái nhìn đúng hơn về lòng tự trọng và tính tự ái. 

 

Nhiều cha mẹ nhầm lẫn giữa tự trọng và tự ái sẽ ảnh hưởng lớn tới thành công của trẻ.

Ảnh minh hoạ.

Tự trọng và tự ái trong cuộc sống

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa lòng tự trọng và tính tự ái. Chính điều này đã làm cho trẻ học theo mà có suy nghĩ lệch lạc.

Lòng tự trọng có cơ sở từ tư tưởng nhân nghĩa, coi trọng phẩm cách và giá trị con người của mình nhưng mục đích là vì người khác, tôn trọng người khác. Họ nhằm làm đẹp cho xã hội, làm tốt cho cộng đồng. Nói cách khác, lòng tự trọng có bản chất văn hóa và tinh thần nhân văn.

Trái lại, tính tự ái là chỉ biết yêu chính bản thân mình, coi mình là trên hết, chỉ cốt được lợi cho riêng mình, bất chấp danh dự và quyền lợi chính đáng của người khác. Vì thế, lòng tự trọng thường được biểu hiện bằng những lời nói, cử chỉ, hành vi lịch thiệp, nhã nhặn, từ tốn, biết tự kiềm chế. Còn tính tự ái lại sinh ra những thói xấu, hẹp hòi, ích kỷ.

Người có lòng tự trọng bởi tiếp thu được sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp trước hết từ ngay trong gia đình mình. Cùng với đó là nhà trường và xã hội. Ba môi trường giáo dục này có trong sáng, lành mạnh và có phương pháp tốt thì mỗi người mới có lòng tự trọng, mới có những phẩm cách tốt đẹp.

Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng phải biết tự giáo dục, tự điều chỉnh hành vi của mình theo truyền thống đạo lý dân tộc và lối sống có văn hóa, mới có thể trở thành con người lương thiện, tử tế.

Chính vì thế, người ta luôn khuyến khích và giáo dục con người trở thành những cá nhân có lòng tự trọng. Người lớn nên khuyên trẻ từ nhỏ cần biết bỏ qua sự tự ái để không ngừng phát triển vươn lên.

Lòng tự trọng là thứ vô cùng quan trọng với mỗi con người. Mỗi đứa trẻ đều không được sinh ra với lòng tự trọng sẵn có. Trẻ học hỏi về lòng tự trong thông qua những việc chúng có thể làm và qua suy nghĩ của bố mẹ về chúng.

Trong việc xây dựng lòng tự trọng cho trẻ, bố mẹ cần gửi các thông điệp thông qua việc dành thời gian cho con, ôm con và cười với con, điều này là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cần thường xuyên mỉm cười với con. Người lớn cần hiểu rằng, lòng tự trọng là thứ được học hỏi và có thể thay đổi được.

Nhiều trẻ nhỏ vì sống trong môi trường có người lớn chưa hiểu đúng về tự trọng và tự ái. Từ đó, trẻ lớn lên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự thành công sau này.

Lấy ví dụ về sự nhầm lẫn giữa tự trọng và tự ái, khi xin việc, nhiều người trẻ cho rằng họ có tự trọng nên không muốn bắt đầu từ những công việc bình thường, thu nhập thấp trong khi sở hữu tấm bằng danh giá. Nhưng điều này thực sự sai lầm. Đó chính là sự tự ái riêng trong chính bản thân, không hề nghĩ đến việc họ chưa có kinh nghiệm gì cả và thị trường việc làm cực kỳ cạnh tranh.

Nên thực tế có nhiều bạn trẻ ra trường đã nhiều năm, cầm trong tay tấm bằng loại giỏi nhưng vẫn không thể có được một công việc tốt. Bởi ngay từ đầu họ đã bị sự tự ái của bản thân làm lu mờ đi nhìn nhận, đánh giá. Còn những người trẻ có lòng tự trọng, họ sẽ nhận thức được giá trị của bản thân nằm ở đâu. Từ đó đưa ra quyết định lựa chọn và tìm kiếm công việc, vị trí phù hợp tùy vào từng thời điểm.

Xây dựng thông qua giáo dục

Biểu hiện về mặt xã hội cũng cho thấy được tầm quan trọng của lòng tự trọng và tác hại của sự tự ái đối với giới trẻ đó chính là tệ nạn xã hội. Đây là những thứ có sức cám dỗ khủng khiếp.

Nếu như người tự trọng có khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi của họ tốt thì có thể vượt qua nó, không bị lôi kéo và trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Còn người tự ái thì lại hay thường quá tự cao, dễ nổi nóng nên bị kẻ xấu lợi dụng khích bác và lâu dần dễ bị sa ngã vào nó.

Do đó, đức tính tự trọng có thể được xây dựng thông qua giáo dục tốt, đúng cách. Vì thế, ở trên lớp, giáo viên hãy cho học sinh thấy được tầm quan trọng của lòng tự trọng đối với cuộc sống, công việc và mối quan hệ sau này. Từ đó, hình thành nên một thái độ sống tích cực, luôn biết nỗ lực vươn lên, học hỏi những điều tốt từ người khác. Cha mẹ cũng như thầy cô cần làm gương để các em noi theo.

Cùng với đó, việc giáo dục các em không nên có tính tự ái là cực kỳ cần thiết. Cần phải cho các em học sinh thấy được đây là đức tính xấu, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, xã hội và công việc.

Cha mẹ dạy con đúng cách chính là phải biết khiêm nhường, luôn giữ lòng tự trọng của bản thân để làm điều tốt và giữ được năng lượng tích cực. Đừng bao giờ quát mắng, nóng nảy và gia trưởng trong việc giáo dục con cái bởi chúng sẽ học theo rất nhanh. Cũng đừng so sánh con mình với con người khác, việc này lâu dần tạo nên áp lực đối với chúng, đẩy chúng ra xa hơn. Đôi lúc, tự ái trong các con trỗi dậy khiến chúng hành động sai lầm, hậu quả trở nên đáng tiếc.

Đã có rất nhiều câu chuyện về cách giáo dục con cái và việc đặt kỳ vọng quá lớn vào chúng. Một số bậc cha mẹ vì sự tự ái của bản thân, sợ con mình không bằng con người khác nên đã ép chúng học hành với cường độ quá lớn.

Một trong những cách xây dựng lòng tự trọng cho trẻ tốt nhất là để chúng thấy được sự tôn trọng bằng cách nói chuyện với trẻ theo cách mà bạn cho là tốt nhất. Lắng nghe trẻ một cách nghiêm túc. Điều này không có nghĩa là bạn đồng ý với mọi điều trẻ nói.


Tùng Bách (ghi)

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dung-nham-giua-tu-trong-va-tu-ai-o-tre-post611151.html