Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách làm 7 món ngon cho trẻ biếng ăn


Súp sữa bí đỏ, cháo thịt bò khoai tây, canh sườn cải chua… là những món ngon bổ dưỡng phù hợp cho trẻ biếng ăn, đơn giản dễ làm.

Trẻ biếng ăn là một trong những vấn đề mẹ nuôi con nhỏ thường gặp phải. Khi gặp tình trạng này, bé dễ có xu hướng ăn ít, tổng nguồn năng lượng, dưỡng chất hấp thu mỗi ngày không đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Hậu quả là trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm tăng cân, tăng cao.

Chia sẻ về nguyên tắc xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn, theo BS.CKI Phạm Đỗ Uyên - Bác sĩ Trưởng Nutrihome Hoàng Văn Thụ, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, ba mẹ cần lưu ý đảm bảo theo tháp dinh dưỡng, cân đối nhóm thực phẩm. Phụ huynh không nên quan niệm rằng thực đơn cần gồm nhiều thịt cá hoặc đồ bổ dưỡng, quan trọng nhất vẫn là phải đủ chất, cân bằng các nhóm dưỡng chất.

Ngoài ra, cha mẹ cần chế biến món ăn đa dạng. Phụ huynh không nên giữ mãi một cách chế biến băm nhỏ, nghiền nát thức ăn thành hỗn hợp cháo, cơm xay loãng. Mẹ nên tham khảo để có thêm những cách cách nấu ăn cho trẻ biếng ăn phong phú hơn như: áp chảo, xé, hấp, nấu súp, làm thành bánh, cơm nát,... Trang trí món ăn đẹp mắt, dành thời gian chế biến thêm nhiều món ăn mới lạ về mùi vị, màu sắc cũng là cách có thể kích thích trẻ háo hức thưởng thức thực phẩm.

Bác sĩ Uyên gợi ý 7 món ngon mẹ có thể tham khảo để làm đa dạng thêm thực đơn hàng ngày cho trẻ biếng ăn.

Cháo cà rốt nghiền

Nguyên liệu: Một ly gạo (ly nhỏ uống rượu); 10 ly nước lọc; cà rốt nghiền; rây lọc.

Cách làm: Vo sơ qua gạo để có thể loại bỏ hết các bụi bẩn còn tồn đọng; cho gạo vào trong nồi và đổ thêm 10 ly nước vào, sau đó đun đến khi gạo sôi thì giảm nhỏ lửa hết cỡ rồi đun tiếp khoảng 15-20 phút; tắt bếp và ủ trong khoảng 15-20 phút tiếp theo; đổ cháo vào rây để lọc cháo, dùng thìa bản to miết cháo sao cho cháo đi qua các lưới lọc; trộn cháo cùng cà rốt nghiền rồi khuấy đều.

Súp sữa bí đỏ

Nguyên liệu: Cần tây (20 g, thái nhỏ), 3 củ khoai tây (gọt vỏ, thái thành từng khối vuông), bơ (20 g), bí đỏ (900 g), 355 ml sữa tươi, một muỗng cà phê muối, bột nghệ (một muỗng cà phê), 1/2 muỗng cà phê đường trắng, một củ gừng (cắt sợi mỏng), nước dùng gà (một hộp), một củ hành tây (thái nhỏ).

Cách làm: Gọt vỏ bí đỏ, cắt miếng nhỏ, sau đó đun chín tới trong 5 phút; nếu dùng sữa bột trẻ em thì cha mẹ nên pha chế thêm để có 60 ml sữa; xào hành tây, cần tây cùng bơ đến khi chín mềm; cho nước cốt gà, muối, đường, gừng vào và khuấy đều; tiếp đó, cha mẹ bỏ bí đỏ, khoai tây vào, đun sôi rồi giảm nhiệt, hầm khoảng 15-20 phút đến khi bí và khoai mềm; giảm nhiệt bếp, cho hỗn hợp vào máy xay nhuyễn rồi đổ lại nồi; cho sữa tươi vào, khuấy đều, đun cho nóng trở lại.

 

Súp sữa bí đỏ chứa nhiều vitamin A, màu sắc bắt mắt đi kèm hương vị béo bùi, kích thích vị giác. Ảnh: Freepik

Cháo dinh dưỡng cá lóc

Nguyên liệu: Gạo tẻ, 200 g gạo nếp, 50 g hành lá, 200 g hành khô, 3 củ tỏi khô, 2 quả ớt tươi, nước mắm, hạt nêm, muối, mì chính và dầu ăn, 200 g nấm rơm (rửa sạch, cắt làm đôi), rau thì là, rau tía tô, hành lá rửa sạch, thái nhỏ, một cân cá lóc.

Cách làm: Cá lóc làm sạch vảy, rửa sạch nhớt, khử mùi tanh của cá, dùng muối, chanh hay gừng xát lên thân con cá, sau đó rửa sạch với nước, để ráo, lọc phần thịt, phần đầu, xương để riêng. Phần xương, đuôi, đầu cá đổ nước vào hầm từ 20-40 phút. Sau đó, cha mẹ sử dụng nước hầm để nấu cháo. Tùy vào khẩu phần ăn, bạn thêm lượng nước hầm cho phù hợp.

Phần thịt cá lọc riêng đem thái thành những lát mỏng, sau đó ướp với hỗn hợp gồm: một muỗng canh nước mắm, một muỗng cà phê hạt nêm, muỗng cà phê tiêu, 1/2 số hành, tỏi đã băm nhuyễn, ướp khoảng 40-50 phút cho cá ngấm đều gia vị. Phần đầu, xương cá đem đi hầm rồi lọc lấy nước dùng. Phụ huynh trộn lẫn gạo tẻ, gạo nếp, đem vo sạch, để ráo nước sau đó cho vào nồi nước dùng, ninh cháo với lửa nhỏ.

Sau đó, cha mẹ bỏ một muỗng dầu vào chảo, dầu sôi thì cho hành tỏi băm còn lại vào phi thơm. Sau đó cho phần thịt cá lóc đã ướp sẵn gia vị vào đảo nhanh tay cho đều trên lửa to đến khi thịt cá chín vàng, săn lại, dậy hương thơm thì tắt bếp. Cháo sau khi được ninh nhừ, bạn nêm gia vị gồm: muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu sao cho vừa khẩu vị của gia đình. Cuối cùng, đầu bếp cho thịt cá đã xào chín cùng nấm rơm vào nồi nấu cháo, đun thêm khoảng 2-3 phút rồi cho hạt tiêu, hành lá, thì là, tía tô vào đảo đều, tắt bếp và hoàn thành.

Cháo thịt bò, khoai tây, cà rốt

Nguyên liệu: 2/3 bát cháo trắng, 20 g cà rốt băm nhuyễn; 30 g thịt bò băm nhuyễn, 1/3 bát nước.

Cách làm: Thịt bò rửa sạch, băm nhỏ; cà rốt gọt sạch vỏ, rửa sạch và băm nhỏ như thịt bò; trộn cà rốt với thịt bò cùng với khoảng ⅓ bát nước cho chúng được hòa đều vào với nhau; vo gạo; cho hỗn hợp cà rốt với thịt bò vào trong cháo rồi đun sôi, thêm ít dầu ăn; khi thấy cháo đã sôi thì nhấc nồi khỏi bếp để đó cho cháo nguội bớt là bé có thể ăn được.

Canh sườn cải chua

Nguyên liệu: 300 g sườn, 2 quả cà chua, 300 g dưa muối chua, tỏi băm, một hành khô và gia vị

Cách làm: Sườn rửa sạch, chần qua nước sôi và để ráo; cà chua xào chín với hành khô, tỏi băm; cho dưa vào xào cùng từ 5-10 phút; cho sườn đã chần, thêm nước và om từ 20-30 phút.

Củ cải hầm thịt bò

Nguyên liệu: Củ cải trắng, cà rốt, thịt bò, tỏi, hành lá, nước sốt cà chua, gia vị.

Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch, cà rốt và củ cải thái thành hình vuông, hành lá và tỏi thái nhỏ; thịt bò cắt thành miếng vuông rồi ướp gia vị; thịt bò xào tới khi săn lại rồi cho ra đĩa; cho tỏi, hành vào phi vàng, thêm nước sốt cà chua, thêm thịt bò; đun nhỏ lửa khoảng 70 phút, nước sôi thì thêm củ cải, cà rốt vào hầm mềm.

 

Trứng chiên dễ làm, cung cấp đủ protein, chất béo omega-3 cần thiết cho trẻ. Ảnh: Freepik

Trứng chiên rau củ

Nguyên liệu: Trứng gà; khoai tây, cà rốt.

Cách làm: Khoai tây cắt rồi bào thành sợi nhỏ, ngâm trong nước 5 phút; cắt nhuyễn cà rốt; đập trứng trộn với khoai tây, cà rốt, thêm gia vị và đánh đều; cho hỗn hợp vào chảo, chiên vàng 2 mặt.

Bác sĩ Uyên lưu ý thêm, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt, thực phẩm đóng hộp, đồ rán, đồ chiên sẵn nhiều dầu mỡ... Các món ăn này ít dinh dưỡng, không tốt cho tiêu hóa, tạo cảm giác no, khiến bé thêm chán ăn. Mẹ có thể cho bé ăn vặt với đồ ăn dễ tiêu, tốt cho sức khỏe như sữa chua hay trái cây, cách xa bữa chính từ 2-3 tiếng.

Lại Giang

Nguồn: https://vnexpress.net/cach-lam-7-mon-ngon-cho-tre-bieng-an-4518952.html