Viêm kết mạc ở trẻ em phòng và phát hiện như thế nào? SKĐS - Viêm kết mạc ở trẻ hay còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh phổ biến. Tuy là bệnh lành tính nhưng có tỷ lệ biến chứng khoảng 20%, chủ yếu là viêm giác mạc. Trẻ rất dễ bị biến chứng do dụi mắt và vệ sinh mắt không triệt để. Nếu không điều trị kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực. Viêm kết mạc ở trẻ em là một trong những tình trạng bệnh lý gây đỏ mắt do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm: vi khuẩn, virut, Chlamydia và viêm dị ứng. Nguyên nhân viêm kết mạc ở trẻ em Viêm kết mạc cấp do nhiều nguyên nhân như dị ứng, kích thích với khói, bụi, một số loại hóa chất... Đặc biệt, viêm kết mạc cấp do nhiễm trùng vi khuẩn, virus Adeno và Entero là rất phổ biến, mức độ lây lan nhanh, bùng phát mạnh. Theo nghiên cứu, người ta đã ghi nhận viêm kết mạc nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn hoặc virus, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần tiếp theo. Chính vì vậy, viêm kết mạc cấp chủ yếu lây lan bằng đường tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch tiết ở mắt. Đường lây nhiễm cần kể đến là qua hơi thở và nước bọt ở trẻ bị bệnh, nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi không che miệng hoặc không mang khẩu trang, hôn và thơm trẻ. Biểu hiện viêm kết mạc ở trẻ em Khi mắc viêm kết mạc trẻ có cảm giác mắt bị cộm, bị rát như có bụi ở trong mắt, do kết mạc bị viêm và phù. Viêm kết mạc ở trẻ hay còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh phổ biến. Chăm sóc trẻ bị viêm kết mạc đúng cách Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ nên thường xuyên rửa mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%, mỗi ngày nên rửa mắt từ 5 - 6 lần. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo, không xông lá trầu cho trẻ, bởi có thể gây sưng đau mắt nhiều hơn, thậm chí gây bỏng giác mạc. Điều đáng lưu ý khi trẻ bị đau mắt đỏ cần phải cho trẻ nghỉ học, vừa để tránh lây lan cho trẻ khác, vừa để cho mắt được nghỉ ngơi. Viêm kết mạc ở trẻ bao lâu thì khỏi? Viêm kết mạc tuy lây lan nhanh và có tỷ lệ biến chứng, nhưng đa phần lành tính. Cha mẹ không nên quá lo lắng. Nếu viêm kết mạc do virus, chăm sóc vệ sinh mắt đúng cách, các biểu hiện của bệnh có thể tự giảm đi trong vòng 7 đến 14 ngày mà không cần sử dụng các biện pháp điều trị cụ thể. Nhưng đối với các bệnh do vi khuẩn, thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, thời điểm khởi phát và hiệu quả của thuốc được bác sĩ kê đơn. Việc dùng thuốc sẽ giúp nhanh lành các tổn thương và ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang người khác. Nếu viêm kết mạc do dị ứng, trẻ cần tránh tiếp xúc với các yếu tố dị ứng và sử dụng thêm các loại thuốc chống dị ứng, thuốc nhỏ mắt do bác sĩ kê đơn. Bởi vậy, việc xác định nguyên nhân gây viêm kết mạc ở trẻ để đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp là vô cùng quan trọng. Để phòng bệnh viêm kết mạc, cha mẹ phải vệ sinh cho trẻ thường xuyên. Lời khuyên thầy thuốc Viêm kết mạc ở trẻ em chủ yếu do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn, bệnh thường gặp khi giao mùa, khi mưa nhiều, thời tiết ẩm thấp. Do sức đề kháng của trẻ còn non yếu và khi cơ thể mệt mỏi, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, rất dễ khiến bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ chưa có ý thức phòng bệnh nên rất hay có thói quen dụi mắt, khi tiếp xúc với đồ vật không đảm bảo vệ sinh, sau đó đưa tay dụi mắt cũng rất dễ khiến trẻ lây bệnh. Vì thế, để phòng bệnh cha mẹ phải thường xuyên để ý trẻ, hướng dẫn vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ thường xuyên. Cần dùng riêng vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm... Giặt sạch khăn bằng xà phòng, phơi khô dưới ánh nắng hàng ngày. Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho trẻ, cách ly tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Khi ra đường nhiều khói bụi cần đeo kính và về nhà cần tra nước muối sinh lý để rửa mắt. Kết mạc là một màng mỏng, trong, bóng che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt, đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu, đồng thời để có thể trượt dễ dàng trên bề mặt đó mà không gây tổn thương cho giác mạc. Kết mạc rất dễ viêm do tác động của các nhân tố bên ngoài. BS. Đinh Thị Phương (suckhoedoisong.vn)
|