Xử trí khi trẻ co giật do sốt cao
Nếu trẻ co giật do sốt cao, phụ huynh cần bình tĩnh đặt con xuống giường hoặc sàn phẳng.
Điều quan trọng đầu tiên là cha mẹ cần hạ sốt đúng cách cho trẻ. Tránh để trẻ ngã, va đập vào đồ vật xung quanh. Lưu ý, không ghì giữ, không nhét tay, đũa, khăn vào miệng trẻ. Hạ sốt đúng cách Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) chia sẻ, nếu Adenovirus làm nhiều người lớn lo lắng, thì thực tế, sốt cao và co giật ở trẻ mới là mối lo ngại cần quan tâm. Đặc biệt, khi số lượng trẻ sốt dai dẳng và sốt vì bệnh lý hô hấp tai mũi họng ngày một tăng, cũng như sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc chú trọng tới biểu hiện sốt cao co giật ở trẻ là vô cùng cần thiết. Bác sĩ Vũ chia sẻ, mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một bệnh nhi sốt cao co giật. Đáng chú ý, mẹ bệnh nhi chấp nhận chịu đau để đưa tay cho trẻ cắn lúc co giật. Song, theo bác sĩ Vũ, cách làm này là không chính xác. Theo bác sĩ, điều quan trọng đầu tiên là cần hạ sốt đúng cách cho trẻ. Bởi, khi hạ sốt đúng, trẻ sẽ đỡ mệt, ăn uống tốt, không mất nước, nhanh hồi phục và giảm nguy cơ nhập viện. Đồng thời, dự phòng co giật do sốt, cũng như đánh giá được yếu tố khác chính xác hơn (lơ mơ, li bì, mạch nhanh hoặc thở nhanh). Việc dùng thuốc hạ sốt đúng liều cũng giúp giảm hại gan, thận. Do đó, khi chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ có thể cho bé sử dụng Paracetamol. Tuy nhiên, cần lưu ý mua dạng đơn chất, tức là gói hoặc viên thuốc chỉ có Paracetamol, không kèm các dược chất khác. Liều lượng thuốc cần phù hợp với cân nặng của trẻ. Cha mẹ cũng nên mua sẵn thuốc dạng viên đạn và để vào ngăn mát tủ lạnh. Nên mua thuốc đủ dùng cho 3 - 5 ngày. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể dùng Ibuprofen. Tuy nhiên, loại thuốc này không được khuyên dùng ngay từ đầu. Cha mẹ chỉ nên mua để dự phòng khi trẻ sốt cao khó hạ trong đại dịch. Phụ huynh cũng cần mua Depakine nếu trẻ có tiền sử co giật do sốt. “Quá nửa số trẻ “sốt cao khó hạ” là do cho uống thiếu liều. Nếu trẻ nôn, quấy khó uống hoặc sốt khi đang ngủ, nhét hậu môn viên đạn với liều phù hợp. Nếu phải dùng xen kẽ, hai thuốc này sẽ cách riêng nhau giữa các liều, không liên quan đến nhau. Lần uống Paracetamol sẽ cách 4 giờ với lần sau uống Paracetamol. Lần uống Ibuprofen sẽ cách 6 giờ với lần sau uống Ibuprofen”, bác sĩ Vũ lưu ý. Trong trường hợp trẻ sốt cao khó hạ trên 38,5 độ C, hoặc 38 độ C, mệt quấy, có tiền sử co giật do sốt, cha mẹ cần cho bé uống Paracetamol. Đồng thời, chườm ấm nách, bẹn. Sau đó, chờ 30 phút - 1 tiếng và đo lại nhiệt độ. Nếu trẻ hạ sốt tốt, cha mẹ có thể theo dõi tiếp. Tuy nhiên, nếu trẻ không hạ sốt hoặc nhiệt độ tăng cao hơn, cha mẹ cần liên hệ bác sĩ. Trong trường hợp chưa liên hệ được bác sĩ, cần cho trẻ uống 1 liều Ibuprofen đúng liều. Sau đó, theo dõi thêm 1 tiếng và đo lại nhiệt độ. Sai lầm khi xử trí trẻ co giật Theo bác sĩ Vũ, nếu trẻ co giật, phụ huynh cần bình tĩnh đặt con xuống giường hoặc sàn phẳng. Tránh để trẻ ngã, va đập vào đồ vật xung quanh. Lưu ý, không ghì giữ, không nhét tay, đũa, khăn vào miệng con. Sau khi hết cơn, chú ý cho trẻ nằm nghiêng bên đề phòng nôn trớ. Nếu sờ thấy nóng hoặc hơi nóng, phụ huynh cần nhét hậu môn 1 viên đạn Efferalgan (đúng liều) ngay vì sẽ sốt tăng rất nhanh. “Phải cho trẻ uống hoặc đút thuốc hạ sốt trước khi tới viện. Nếu cơn co giật kéo dài, trẻ tím tái hoặc ngừng thở, cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim ngay. Đưa trẻ tới bệnh viện kể cả với bé đã có tiền sử co giật do sốt”, bác sĩ Vũ khuyến cáo. Theo bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, nếu trẻ đang trong cơn co giật, phụ huynh phải bình tĩnh vì các cơn co giật đều không nguy hiểm đến tính mạng. Di chứng cơ bản nhất của tình trạng này là thiếu oxy não. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần tìm cách làm cho các dịch ở mũi, họng chảy theo đường miệng ra ngoài, thông đường thở cho bé bằng cách bế nghiêng hoặc cho trẻ nằm nghiêng. Nhờ đó, tránh tình trạng thiếu oxy hoặc dịch chảy ngược vào phổi, gây tắc thở. Nhận định về sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh khi trẻ bị sốt cao co giật, bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo, phụ huynh tuyệt đối không cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ trong lúc bé sốt co giật. Bởi, hành động đó sẽ gây nguy hiểm, làm trẻ ngạt thở, sặc. Tuyệt đối không đút tay vào miệng trẻ. Không nên tập trung đông người để trẻ có không khí thở. Ngoài ra, phụ huynh không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ. Không tìm cách giữ chặt trẻ vì có thể gây tổn thương các cơ quan của trẻ. Không dùng vật cứng chặn miệng trẻ vì có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, gây gãy răng, sứt lợi. Đồng thời, không quấn chặt trẻ. Thay vào đó, nên cho trẻ mặc thoáng, nới lỏng quần áo để dễ thở. Sau cơn co giật, cha mẹ có thể cho trẻ uống oresol, sinh tố trái cây, nước ép để bổ sung vitamin, cân bằng điện giải, tăng sức đề kháng. Lưu ý nên ghi nhận thời gian co giật và kiểu giật của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ. Nếu cơn giật kéo dài đến 5 phút, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc dùng thuốc cắt cơn cho bé nếu đã được tập huấn. Vân Huyền Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/xu-tri-khi-tre-co-giat-do-sot-cao-post609063.html |