Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cô giáo mầm non hơn 20 năm gắn bó với điểm trường lẻ


Hơn 20 năm trong nghề, cô Lương Thị Bé đã đi hết mọi điểm lẻ của Trường Mầm non Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), bản xa nhất cách điểm chính 65km.

Khi cô Lương Thị Bé (SN 1979) tốt nghiệp sư phạm, lên huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An nhận công tác thì Trường Mầm non Bảo Nam cũng vừa thành lập. Ngày đầu tiên đặt chân đến Bảo Nam, ngôi trường mới đang đào móng, dựng cột, rồi sau đó mấy gian nhà gỗ lợp tranh tre cũng hoàn thành. Từ đó đến nay, cô Bé “dần quen với cái khổ”, kiên trì bám bản, bám trường, kéo những em bé người Khơ Mú, người Thái đến lớp.

 

Giáo viên Trường Mầm non Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vượt suối đến trường sau lũ.

Vượt lũ vào trường với trẻ

Hơn 20 năm là giáo viên cắm bản, nhưng chưa năm học nào bắt đầu vất vả, cực nhọc và cả nguy hiểm đối với cô Lương Thị Bé như những ngày vừa qua. Khi cô và đồng nghiệp đã chuẩn bị trường lớp sạch đẹp cho ngày hội đưa trẻ tới trường, thì trận mưa lũ đêm trước khai giảng chia cắt hoàn toàn con đường vào xã Bảo Nam cũng như bản Huồi Hốc.

Nhà cô ở thị trấn Mường Xén, cách xã Bảo Nam hơn 20km, nhưng qua đoạn sạt lở, cầu tràn nước chảy xiết đành để xe máy lại. Nhất là qua cầu Xốp Thặp ở xã Hữu Lập (giáp Bảo Nam), cô và đồng nghiệp phải đợi và nhờ lực lượng địa phương dắt lội qua nước lũ đang chảy mạnh.

Vào được điểm trường chính, thì nghe tin đường vào bản lẻ sạt lở nặng. Năm nay, cô Lương Thị Bé cùng với cô Lô Thị Mai nhận nhiệm vụ phụ trách điểm bản Huồi Hốc – một trong những điểm khó khăn nhất xã. Những ngày sau đó, mưa vẫn tiếp tục, lũ về cuồn cuộn, khiến các cô không tiếp cận được điểm lẻ. Sau đó 1 tuần, ngày 11/9, cô Bé và các giáo viên điểm lẻ khác mới chia nhau lên đường vào bản.

Gắn bó với vùng cao lâu năm, cô Bé biết đến trường vào mùa mưa phải xác định ở lại trong bản rất lâu mới ra ngoài thị trấn được. Vì vậy, khi lên đường, hành trang của cô mang theo là cá khô, mắm, muối, mì tôm...

 

Cô Lương Thị Bé cùng giáo viên điểm lẻ mang theo gạo, thực phẩm vượt rừng vào bản với học trò.

Từ điểm trường chính ở bản Nam Tiến 1 lên bản Huồi Hốc khoảng 10km, ngày thường vốn đã rất khó đi vì đường đất, dốc đá, đầy ổ voi, ổ gà. “Mưa lũ khiến con đường bị sạt lở hầu hết. Có đoạn trơn trượt, bùn đất nhão nhoét lún sâu tới nửa bắp chân. Có đoạn bị đất đá vùi lấp không còn đường nữa, sườn núi cũng bị toác xuống mảng lớn. Tôi cùng cô Mai bám nhau trèo lên cao để đi qua đoạn sạt lở. Lối đi sát sườn núi cheo leo, bên dưới vực sâu hun hút. Nhưng chỉ còn cách tiến về phía trước”, cô Bé kể.

 

Phút dừng chân bên đường của cô Lương Thị Bé trong hành trình băng rừng vào điểm bản Huồi Hốc.

Sau 7 tiếng leo bộ vượt rừng, cô Bé và đồng nghiệp vào tới Huồi Hốc. Không dám nghỉ lâu, cô và cô Lô Thị Mai bắt tay vào quét dọn, đẩy bùn đất ra khỏi sân trường, lau chùi bàn ghế, đồ dùng đồ chơi để đón trẻ. Già làng Ven Phò Vên bảo, từ năm 1999 đến nay mới thấy trận lũ, sạt lở lớn như vậy.

“Từ khi vào được Huồi Hốc đến nay, mưa vẫn tiếp tục. Cứ dọn dẹp sạch sẽ xong, bùn đất trên núi lại theo mưa lũ trôi xuống đầy sân trường. Chúng tôi phải cho trẻ nghỉ, rồi lại quét dọn. Cả tuần bị cô lập không thể ra ngoài, tôi và cô Mai chỉ còn mì tôm, hái thêm rau rừng làm thức ăn. Rồi xin mua gạo dùng nấu rượu của bà con để nấu cơm”, cô Bé kể.

Gắn bó với trẻ bản xa

“Đến giờ, tôi là người có thâm niên nhất của Trường Mầm non Bảo Nam, cũng đã đi khắp 10 bản lẻ, từ Huồi Hốc, Khe Nạp, Khe Khoáng, Khe Lau… rồi lần lượt quay vòng. Ở lại trong điểm trường, với dân bản, với các cháu hàng tuần mới về nhà, là chuyện bình thường suốt hơn 20 năm qua”, cô Bé nói.

Cô Lương Thị Bé là người Thái, học Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, chuyên ngành Sư phạm mầm non theo diện cử tuyển. Tốt nghiệp năm 2001, cô được phân công nhận công tác về xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) cho đến giờ. “Năm học đầu tiên trong nghề của tôi cũng bắt đầu vào mùa mưa.

Tuy không sạt lở nặng, nhưng nước khe suối dâng cao, chỉ có thể đi bộ vào trường. Vào đến nơi mới biết, trường mầm non chỉ vừa thành lập, vẫn chưa có phòng học, chính quyền địa phương và người dân đang đào đất, dựng cột để làm trường”, cô Bé nhớ lại.

 

Cô Lương Thị Bé và cô Lô Thị Mai vệ sinh dọn dẹp điểm Trường Mầm non bản Huồi Hốc, xã Bảo Nam.

Sau thời gian ở nhờ trong nhà dân, trường mầm non Bảo Nam với mấy phòng học tạm cũng đã dựng xong, đón trẻ đi học. Áp lực chuyên môn thời điểm ấy không lớn, vì đặc thù trẻ dân tộc thiểu số khác so với trường lớp ở xuôi. Nhưng vất vả nhất chính là huy động trẻ ra lớp thay vì theo bố mẹ lên rẫy hoặc ở nhà chơi, vì bà con cho rằng các cháu tuổi còn nhỏ quá, chưa cần đi học. Cái khó nữa là tập cho trẻ làm quen với Tiếng Việt, vì độ tuổi mầm non, các cháu chỉ quen với tiếng mẹ đẻ (dân tộc Khơ mú), và sinh sống trong bản, ít tiếp xúc với bên ngoài.

Còn vất vả của giáo viên thì không biết kể từ đâu. Riêng đường đi đã nhọc nhằn, nơi ăn chốn ở tạm bợ, thiếu thốn. Mùa mưa không thể ra ngoài, ở lại trong bản, kể cả có tiền cũng không mua được thực phẩm, bà con cũng khó khăn.

 

Các cháu điểm bản Huồi Hốc, Trường Mầm non Bảo Nam, nơi cô Lương Thị Bé phụ trách năm học 2022-2023.

Trong số 10 bản mà cô từng dạy học, thì Khe Nạp là điểm bản đặc biệt, cách trường chính đến 65km. Từ trung tâm xã Bảo Nam, phải đi vòng ra thị trấn Mường Xén, rồi qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống… mới vào tới Khe Nạp. Cô Bé kể: “Tôi có 5 năm cắm bản Khe Nạp, đầu tuần đi, cuối tuần về. Cũng vì khoảng cách quá xa, nên chỉ những dịp họp hành quan trọng mới về trường chính. Còn lại tôi từ nhà vào thẳng nơi dạy học”.

 

Trong hơn 20 năm nghề giáo, cô Lương Thị Bé (ngoài cùng bên phải) đã dạy học qua hết 10 bản của Trường Mầm non Bảo Nam.

Cô Bé quê ở xã Hữu Dương, huyện Tương Dương, nhưng nay đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Người thân chuyển về tái định cư ở huyện Thanh Chương cách quê cũ hơn 150km. Còn cô lại lập gia đình, ở tại thị trấn của huyện biên giới Kỳ Sơn. Những năm đi dạy xa cả nhà lẫn quê, vất vả, nhớ con, nhưng cô vẫn chưa khi nào có ý định từ bỏ nghề. Vẫn bám bản, bám trẻ, huy động và duy trì sỹ số trẻ đến lớp. Và để giữ một lời hẹn với với phụ huynh, bà con dân bản, rằng mỗi năm học mới đến, sẽ luôn có cô giáo đến trường chào đón lũ trẻ.

 

Hồ Lài

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-mam-non-hon-20-nam-gan-bo-voi-diem-truong-le-post608741.html