Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sai lầm khi dùng nước hầm xương chế biến đồ ăn dặm cho bé


Nhiều mẹ bỉm sữa nghĩ rằng, chỉ cho con ăn cháo hoặc bột được nấu với nước hầm xương là đủ. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là sai lầm khi chế biến đồ ăn dặm cho con.

Rất nhiều bà mẹ có thói quen ninh xương để lấy nước nấu bột cho con và tin rằng nước xương hầm rất giàu canxi, chứa tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm. Vị ngọt của nước hầm xương giúp bé cảm thấy ngon miệng, dễ tiêu hóa và giúp xương chắc khỏe. Nhưng các chuyên gia dinh dưỡng thì không cho rằng như vậy.

BS CK I Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Nutifood Việt Nam) cho biết: "Đây là một sai lầm trong chăm sóc trẻ, nước hầm xương có vị ngọt thơm tạo cảm giác ngon miệng, nhiều bà mẹ cho rằng bao nhiêu tinh túy bổ dưỡng nằm ở đó nên cho trẻ ăn thường xuyên.

Tuy nhiên, nước hầm xương hầu như không có các chất dinh dưỡng như đạm, canxi mà thành phần nhiều nhất trong nước hầm là mỡ động vật. Trong xương có canxi nhưng là canxi vô cơ, cơ thể trẻ không hấp thu được và cho dù hầm kỹ đến đâu cũng không theo ra nước hầm được, đạm cũng không tan trong nước nên không có trong nước hầm".

Chỉ cho con ăn nước hầm xương và không sử dụng phần cái là 1 sai lầm.

Dưới đây là tác hại khi chỉ cho bé ăn nước hầm xương

1. Còi xương, chậm mọc răng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, xương dù có hầm lâu đến cỡ nào thì phần nước hầm vẫn chứa rất ít chất dinh dưỡng, chỉ có một lượng nhỏ vitamin, chất đạm, canxi,... Nước xương hầm có canxi nhưng lại là canxi vô cơ, cơ thể trẻ không thể hấp thu được. Do đó, chỉ cho trẻ ăn nước hầm xương có thể khiến con bị thiếu canxi, dẫn tới còi xương, chậm lớn, suy dinh dưỡng. Việc này cũng dẫn đến tình trạng chậm mọc răng ở trẻ.

2. Trẻ bị tiêu chảy, khó tiêu

Chất béo động vật có rất nhiều trong xương khiến trẻ khó tiêu hoá, gây cảm giác đầy bụng khó chịu. Nếu trẻ ăn quá nhiều và thường xuyên con sẽ dễ bị tiêu chảy.

3. Trẻ lười nhai, chán ăn

Chức năng nhai đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tiêu hóa thức ăn. Nhai không chỉ giúp làm nhỏ thức ăn, trộn lẫn thức ăn với nước bọt chứa men tiêu hóa mà còn tác động đến hệ xương hàm của trẻ nhỏ. Do đó, trẻ lười nhai sẽ dẫn đến nhiều hệ quả cho vấn đề tiêu hóa và cả cấu trúc xương. Khi mẹ chỉ nấu cháo hoặc bột với nước hầm xương, trộn cơm với nước hầm xương để cho trẻ dễ nuốt... mà không cho con ăn thêm các thành phần khác như thịt, cá, rau xanh, hoa quả... trẻ sẽ lười nhai và kén ăn.

4. Thiếu chất dinh dưỡng

Chất đạm là một trong 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu cần bổ sung vào chế độ ăn của trẻ. Đạm có nhiều trong thịt, tôm, cá, trứng,.. Dù mẹ có ninh xương lâu đến đâu thì chất đạm vẫn chỉ hòa ra một lượng nhỏ, phần còn lại chủ yếu trong bã thức ăn.


Nước hầm xương chỉ chứa một lượng nhỏ vitamin, còn lại các loại vitamin tan trong dầu như A,D,E,K sẽ không thể hòa tan vào phần nước hầm. Vì vậy, chỉ cho trẻ ăn nước hầm sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt các vitamin quan trọng này.

Dùng nước hầm xương như thế nào là đúng?

- Muốn dùng nước hầm xương cho bé, cần đảm bảo con được ăn thêm cả phần thịt. Ngoài ra mẹ nên bổ sung cá, tôm, rau xanh, hoa quả và các loại thịt khác cho trẻ... để con đủ chất.

- Lớp chất béo trong nước hầm xương không thực sự tốt cho tiêu hóa của trẻ. Vì vậy mẹ nên loại bỏ phần này ra khỏi nước hầm xương của bé. Mẹ làm bằng cách hớt bỏ phần váng mỡ nổi lên trong quá trình hầm xương; hoặc sau khi hầm xong, chị em cho nước hầm vào tủ lạnh vài tiếng để lớp mỡ nổi và đóng cục lên bề mặt, sau đó hớt bỏ nó.

- 1 tuần chỉ nên dùng cho bé 1-2 lần nước hầm xương, và nên thay đổi các loại như xương hom, xương sườn heo, xương gà,... chứ không nhất thiết là xương ống.

- Việc dùng nước hầm xương nấu cháo cho bé là không thực sự cần thiết. Các thực phẩm tự nhiên như rau củ, trái cây, thịt, cá... tự nó đã có độ ngọt và hương vị riêng. Mẹ hãy để bé trải nghiệm và thích thú với chúng. Mẹ có thể xay nhuyễn, băm nhỏ, cắt miếng các loại thực phẩm để cho bé ăn dặm thay vì để trẻ chỉ ăn nước không.

Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ cần phải chứa bốn nhóm dinh dưỡng sau:
Tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai...): Cung cấp phần lớn năng lượng, hơn 1/2 nhu cầu về đạm và vitamin mà cơ thể bé cần.

Đạm (thịt, cá, tôm, cua...): Rất cần cho sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Chất béo (dầu ăn): Rất cần cho sự phát triển của bộ não, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo, đồng thời làm bột mềm, dễ nuốt.

Các loại rau không chỉ cung cấp vitamin, sắt, các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể, mà còn cung cấp chất xơ giúp bé tránh được táo bón.

Theo phunuvietnam.vn