Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bệnh cúm cà chua chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị


Bệnh cúm cà chua có thể lây lan qua giọt bắn tiết ra từ đường hô hấp, qua nước bọt, dịch tiết mũi họng, phân của người mắc.

 

Người mắc cúm cà chua có thể tự khỏi.

Căn bệnh tấn công trẻ dưới 5 tuổi

Vừa qua, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ đã ban bố cảnh báo trên toàn lãnh thổ về loại bệnh cúm mới xuất hiện trên trẻ em gọi là “cúm cà chua”. Cái tên cúm cà chua xuất phát từ việc bệnh nhân nhiễm sẽ xuất hiện những vết phồng rộp.

Đến nay, có khoảng 82 trẻ em dưới 5 tuổi ở bang Kerala nhiễm bệnh. Kerala cũng là nơi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 6/5. Các bệnh nhân có triệu chứng như những bệnh do virus khác như sốt, mất vị giác, đau họng. Đặc biệt, bệnh nhân mắc cúm cà chua nổi nhiều mụn nước đỏ trên da tay và chân như trái cà chua, nhưng có kích thước nhỏ.

Chia sẻ về căn bệnh này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dẫn chứng, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine Journal, các ca bệnh cúm cà chua trong đợt bùng phát mới đây được ghi nhận ở Ấn Độ đều là trẻ em dưới 5 tuổi.

Lý giải về nguyên nhân trẻ em là nhóm có nguy cơ cao nhiễm bệnh cúm cà chua, chuyên gia này cho biết: “Tạp chí Lancet Respiratory Medicine Journal chỉ ra, trong bối cảnh thế giới ứng phó với làn sóng thứ tư của dịch Covid-19, loại virus mới được gọi là cúm cà chua đã xuất hiện ở bang Kerala của Ấn Độ với các ca bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi.

Trẻ em có nhiều nguy cơ tiếp xúc với bệnh cúm cà chua vì các bệnh nhiễm virus phổ biến ở nhóm tuổi này, khả năng lây lan qua tiếp xúc gần”. Bên cạnh đó, theo PGS Nga, lứa tuổi nhỏ có cũng nguy cơ nhiễm đặc biệt cao khi sử dụng tã lót, chạm vào bề mặt không sạch hoặc đưa đồ vật trực tiếp vào miệng. Trẻ em dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, dễ bị vi sinh vật xâm nhập.

Đường lây của bệnh

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, bệnh cúm cà chua có thể lây lan qua giọt bắn tiết ra từ đường hô hấp, lây qua nước bọt, dịch tiết mũi họng, phân của người mắc. Bệnh cũng có thể lây qua các dụng cụ người bệnh đã sử dụng như khăn, quần áo, đồ chơi, hoặc qua tay của người chăm sóc trẻ.

Hiện, chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị bệnh cúm cà chua. Các ca bệnh chủ yếu tự khỏi. Khi có các biến chứng thì điều trị theo triệu chứng. PGS Nga khuyến cáo, người bệnh không nên bôi các dung dịch sát khuẩn lên mụn nước.

Để phòng ngừa bệnh cúm cà chua cho trẻ em, PGS Nga khuyến cáo, mỗi cá nhân cần hình thành thói quen và văn hoá vệ sinh tay. Trẻ em cũng cần có thói quen vệ sinh tay đúng bằng xà phòng. Trẻ phải được nghỉ học, cách ly trẻ lành với trẻ bị bệnh để tránh lây lan. Giám sát các hoạt động của trẻ bị bệnh trong sinh hoạt hằng ngày.

Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hoá vệ sinh trong gia đình, lớp học, nhà trường, đặc biệt với người trực tiếp chăm sóc trẻ… Lưu ý lau rửa, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ sau khi sử dụng (khuyến khích sử dụng hoá chất khử khuẩn).

“Vệ sinh tay đúng cách sau khi thay tã, lót, khi có tiếp xúc với phân, nước bọt. Không xả, làm văng bắn nước bọt, phân ra ngoài môi trường. Lau vệ sinh sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn. Sử dụng nguồn nước sạch. Đối với trẻ tuổi mẫu giáo, cần vệ sinh bề mặt, đồ chơi, dụng cụ ăn uống. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch”, chuyên gia nhấn mạnh.

Một yếu tố quan trọng khác là đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu chỉ điểm biến chứng sớm. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.

Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch bằng những dung dịch sát khuẩn được ngành y tế khuyên dùng như dung dịch Cloramin B 2%, dung dịch nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn để tạo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng.

Vân Huyền

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/benh-cum-ca-chua-chua-co-vac-xin-va-thuoc-dac-tri-post606148.html