Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nên cho trẻ uống vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy cấp


 
Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Tiêu chảy cấp thể nặng  hiện nay tiếp tục là một gánh nặng cho trẻ, mỗi gia đình và toàn xã hội. Đối với trẻ, bệnh có thể gây tử vong nếu không bù nước kịp thời, sẽ tạo nguy cơ suy dinh dưỡng nếu không được chăm sóc đúng.

Siêu vi Rotavirus, nguyên nhân gây bệnh

Trên thế giới 95% trẻ em bất kể chủng tộc và tình trạng kinh tế đều bị nhiễm rotavirus một lần trong giai đoạn trước 3-5 tuổi. Điều quan trọng là nhiễm Rotavirus không thể dự phòng được bằng các biện pháp vệ sinh, chuẩn mực đơn lẻ nhằm giảm sự lan truyền và tỷ suất nhiễm rota thể hiện qua số mới mắc nhiễm siêu vi  rota đều tương tự nhau ở các nước phát triển và đang phát triển.

Rotavirus lây phổ biến qua đường tiêu hóa, qua lan truyền siêu vi từ phân người bệnh lên các đồ vật trong môi trường như, đồ dùng, đồ chơi bàn tay... Siêu vi sống lâu trong môi trường nên có thể lây lan mạnh từ người sang người. Nhiễm siêu vi rota sẽ gây viêm dạ dày ruột cấp với biểu hiện nôn ói, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, sốt, đau bụng với hậu quả là mất nước cơ thể nhanh và khó bù dịch đủ qua đường uống. So với tiêu chảy thông thường, tiêu chảy cấp do nhiễm Rotavirus gây mất nước nghiêm trọng hơn nên trẻ dễ mất nước nặng và đe dọa tử vong, thời gian nằm viện phải kéo dài, và nếu tái phát nhiều lần có thể gây suy dinh dưỡng cho trẻ.

Điều trị và phòng ngừa Rotavisus

Tại các quốc gia khí hậu nhiệt đới như Malaxia, Thái Lan, Việt Nam bệnh không có tính chất theo tháng rõ rệt. Trước 5 tuổi hầu như trẻ đều bị ít nhất một lần tiêu chảy do nhiễm Rota. Cứ 293 trẻ nhiễm siêu vi Rota thì có 1 trẻ tử vong. Đa số tử vong do nhiễm Rotavirus xảy ra ở các nước đang phát triển. Nhiễm khuẩn do siêu vi Rota là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng và ói mửa ở trẻ 6-24 tháng trên toàn thế giới, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ càng lớn. Tại Việt Nam tỷ lệ nhiễm siêu vi Rota theo các nghiên cứu gần đây chiếm khoảng 56% các ca tiêu chảy cấp nhập viện và là nguyên nhân của khoảng 6,4% ca tiêu chảy  cấp trong cộng đồng lưu vực sông Mê Kông.

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho Rotavirus. Hiện nay chỉ có những phương pháp làm dịu các triệu chứng gây ra bởi Rotavirus như bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch và hạ sốt. Về phòng ngừa, hiện ở một số nước trên thế giới đã có thể sử dụng vaccine để bảo vệ cho trẻ và cộng đồng khỏi bị nhiễm Rotavisrus. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định việc phát triển vaccine ngừa Rotavirus là ưu tiên hàng đầu cho y tế cộng đồng. Vaccine dạng uống là loại vaccine mới nhất phòng chống viêm đường tiêu hóa do Rotavirus. Loại vaccine mới này đã được chứng minh hiệu quả bảo vệ lên đến 90% cho trẻ em khỏi bệnh viêm đường tiêu hóa do Rotavirus.

TS- BS Phạm Lê An

Bộ môn Nhi -Trường Đại học Y Dược  TP. HCM