Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đặt hàng đào tạo giáo viên: Rào cản từ đâu?


Thực trạng thiếu giáo viên vào đầu mỗi năm học luôn khiến ngành Giáo dục các địa phương đau đầu tìm giải pháp.

 

Các địa phương cần xây dựng phương án đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu thực tế cơ sở. Ảnh minh họa: Hồ Lài

Trong các hướng tháo gỡ thì việc đặt hàng các trường đại học đào tạo theo nhu cầu được xem giải pháp có tính bền vững. Tuy vậy, hiện công tác đặt hàng theo địa chỉ này lại chưa thật sự hiệu quả.

Chưa hiệu quả

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Một trong những điểm nhấn của nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Để giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là giáo viên cho Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội, nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa triển khai…

Là cơ sở đào tạo giáo viên lớn nhất khu vực phía Nam, nhưng đến thời điểm này Trường ĐH Sư phạm TPHCM vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo nào từ các địa phương. Đây là điều hết sức bất ngờ. Bởi theo ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại khu vực phía Nam khá lớn, nhất là TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.

ThS Quốc cho biết năm nay, nhà trường được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên là 1.760. Năm 2021, trường nhận được đơn đặt hàng đào tạo giáo viên từ 2 tỉnh là Ninh Thuận và Long An, mỗi tỉnh 8 giáo viên.

 

Tân cử nhân phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tại Ninh Thuận trong ngày vui tốt nghiệp.

Một số sở GD&ĐT có nhu cầu đặt hàng giáo viên như TPHCM (177 chỉ tiêu), Vĩnh Long (3), Trà Vinh (1) chưa thực hiện được vì sở còn vướng thủ tục. Năm 2021, tỷ lệ thí sinh đăng ký học sư phạm theo nhu cầu cá nhân là 217 em (tự đóng tiền). Số sinh viên này theo học các nhóm ngành như Toán, Tin, Tiếng Anh. Tuy vậy, nếu xét trên tổng thể quy mô đặt hàng đào tạo giáo viên và số lượng giáo viên thiếu, giáo viên nghỉ việc thì quá chênh lệch”, ThS Quốc chia sẻ.

Nhìn nhận, nhu cầu tuyển dụng và đặt hàng đào tạo giáo viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng ít đi, TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho hay, hai năm nay đơn đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương gần như không có. Chỉ tiêu đào tạo sư phạm của trường cũng rất ít với nhiều ngành chỉ có 15 chỉ tiêu (Sư phạm Vật lý, Lịch sử).

Theo các nhà quản lý giáo dục, trong bối cảnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ thì việc “đặt hàng đào tạo” là giải pháp cung cấp nguồn tuyển phù hợp. Tuy vậy, nếu không có những tháo gỡ cụ thể, trực diện khúc mắc thì cơ chế mở của Nghị định 116 vẫn khó phát huy tác dụng.

Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo sư phạm là 90. Trong đó, chỉ tiêu cho Sư phạm Ngữ văn là 60, Sư phạm Lịch sử là 30 (năm 2022). Riêng chỉ tiêu cho 2 ngành giáo dục Mầm non và Tiểu học là 150 …. Cộng chung quy mô tuyển sinh và đào tạo chỉ khoảng 240 chỉ tiêu.

Đặt trường hợp 1/2 số chỉ tiêu hàng năm này ra trường và phục vụ tại địa phương thì so với nhu cầu thiếu hụt lên tới hơn 3.000 giáo viên các cấp của tỉnh hiện nay, con số trên như muối bỏ biển. Trong hai năm qua, Sở GD&ĐT Bình Dương cũng chỉ đặt hàng đào tạo với Trường ĐH Thủ Dầu Một số lượng khá ít.

Nguyên nhân do đâu?

Thực trạng thiếu giáo viên đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, chính sách đào tạo chưa cân đối với nhu cầu có thực ở từng bậc học, ngành học là một trong nguyên nhân chính khiến việc giải quyết “bài toán” thiếu hụt giáo viên cục bộ bao năm nay chưa thể dứt điểm.

 

TPHCM đang thiếu nhiều giáo viên mầm non.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Giám đốc phân hiệu Ninh Thuận cho hay, để cân bằng được bài toán đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng thì các địa phương phải có được thống kê một cách đầy đủ, chi tiết bức tranh tổng thể về nhu cầu giáo viên, qua đó đặt hàng với các trường sư phạm hoặc giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân thực sự khiến nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, TS Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nhìn nhận có nguyên nhân đến từ chính sách và trách nhiệm theo dõi quản lý, thực hiện chính sách.

“Thực tế, khi xây dựng chỉ tiêu và thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm, trách nhiệm của địa phương trong vấn đề kết hợp đào tạo với trường sư phạm rất lớn. Từ việc soi chiếu đối tượng gửi đi học, kinh phí chi trả, đến theo dõi quá trình học tập của sinh viên, rồi đảm bảo cơ chế tuyển dụng. Thậm chí, phải đi thu hồi kinh phí bỏ ra đào tạo khi sinh viên ra trường không công tác trong ngành Giáo dục… Những thứ trên là rào cản lớn khiến nhiều địa phương chưa mặn mà”, TS Đinh Anh Tuấn nói.

 

Anh Tú  

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dat-hang-dao-tao-giao-vien-rao-can-tu-dau-post605325.html