Sai lầm cần tránh khi chăm trẻ cảm lạnh
Không cho trẻ bị ho ăn tôm, cua, không cho uống sữa vì sợ đờm, sử dụng máy lạnh sai cách, lạm dụng thuốc khiến tình trạng của trẻ nặng hơn. Ngày 20/8, tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết giai đoạn chuyển mùa, khoảng tháng 8 đến tháng 10, các bệnh lý về đường hô hấp thường gia tăng ở trẻ em, nhất là bệnh cảm lạnh. Trẻ cảm lạnh thường ho, hắt hơi, chảy nước mũi, có thể sốt nhẹ. Trong đó, ho là một phản xạ bảo vệ có lợi cho cơ thể trẻ. Nhờ có phản xạ ho mà cơ thể có thể tống xuất đờm ra ngoài, làm đường thở thông thoáng, dễ thở hơn. Ngoài ra, việc ho còn giúp tống xuất mầm bệnh ra ngoài. Trong một số trường hợp, trẻ ho quá nhiều sẽ nôn ói, đau họng, ăn uống khó khăn, tức ngực, khó ngủ, khó sinh hoạt hoặc nghiêm trọng hơn là chảy máu mắt. Cảm lạnh do Rhinovirus gây ra. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ khỏi trong vòng 10-14 ngày. Trong một số trường hợp, cảm lạnh vẫn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, chảy mủ tai, viêm mũi xoang, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng rắc rối hơn ở nội sọ. Khoảng 20-25% trẻ bị cảm lạnh thông thường có khả năng diễn tiến thành viêm phổi. Trẻ hen suyễn cảm lạnh có thể khởi phát cơn hen. Theo bác sĩ Tuấn, khi trẻ bệnh, phụ huynh thường có tâm lý lo lắng, tìm đủ mọi cách với hy vọng trẻ sẽ khỏe hơn. Tuy nhiên, một số sai lầm trong việc chăm sóc khiến bệnh có thể trở nên nguy hiểm. Khi trẻ bị ho, phụ huynh không cho ăn tôm, cua hay những loại động vật có vỏ cứng vì nghĩ rằng sẽ bị kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà. Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo uống đủ nước. Nhiều người không cho bé uống sữa khi bị ho có đờm, cho rằng điều này khiến trẻ nôn ói. Tuy nhiên, khi vào dạ dày, sữa sẽ bị vón cục lại nên không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây nôn ói. Trong trường hợp này, nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn, tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ. Một sai lầm thường gặp là phụ huynh sử dụng các phương tiện giải nhiệt (máy lạnh, quạt) như bình thường, nhất là khi trẻ ho trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường. Điều này không làm trẻ dễ chịu hơn mà ngược lại còn khiến bệnh kéo dài và dễ trở nặng hơn. Lưu ý không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh quá ba giờ, không bật nhiệt độ dưới 27 độ C. Trong sử dụng thuốc, không nên lạm dụng kháng sinh. Trẻ bị cảm lạnh thông thường không cần kháng sinh vì kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn. "Dùng kháng sinh không đúng mục đích không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí là dị ứng ứng thuốc, vi khuẩn đề kháng kháng sinh", bác sĩ phân tích. Ngoài ra, không lạm dụng paracetamol. Thuốc này chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Việc dùng thuốc hạ sốt như thuốc cảm là không cần thiết, sẽ làm trẻ dễ toát mồ hôi và cảm lạnh hơn. Với thuốc ho, sổ mũi, việc sử dụng là cần thiết khi tình trạng này khiến trẻ khó chịu, biếng ăn, khó ngủ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại có thói quen dùng thuốc của người lớn chia 4, chia 5, tự ước lượng theo tình trạng của chính mình mà không biết rằng thuốc không chỉ phụ thuộc vào cân nặng mà còn liên quan đến lứa tuổi. Có nhiều loại thuốc ho rất tốt cho người lớn nhưng chứa các hoạt chất có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Vì vậy, khi sử dụng thuốc ho cho trẻ, cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn và phù hợp với độ tuổi. "Việc sử dụng thuốc các bậc phụ huynh cần lưu ý sử dụng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc làm bệnh nặng hơn", bác sĩ khuyến cáo.
Hệ hô hấp ở trẻ chưa phát triển toàn diện nên dễ bị các tác nhân lạ tấn công gây bệnh. Ảnh:Shutterstock. Khi trẻ ho có đờm, cần cho uống nhiều nước, chia thành nhiều lần trong ngày. Uống nhiều nước sẽ làm dịu họng, giảm ho, giúp đờm loãng, tống xuất đờm dễ dàng hơn. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, việc cho trẻ uống nhiều nước có hiệu quả tương đương với thuốc long đờm. Có thể cho bé sử dụng thuốc long đờm phù hợp. Đặc biệt, khi bị ho nhiều, không nên để trẻ bị nhiễm lạnh. Không cho trẻ ăn, bú no trước khi ngủ vì dễ gây trào ngược thực quản. Khi trẻ đang bệnh, cần lưu ý vệ sinh thân thể, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Nếu trẻ bị ho, phụ huynh có thể dùng khăn để lau, sẽ có lợi hơn việc tắm thường xuyên. Khi tắm, nên chọn thời điểm ấm nhất trong ngày, tránh nơi có gió lùa và mặc quần áo ngay sau khi tắm để tránh bị nhiễm lạnh. Đồng thời, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối hai lần mỗi ngày. Làm thông thoáng mũi thường xuyên cho trẻ, đặc biệt là trước khi ngủ. Tình trạng chảy nước mũi khi trẻ nằm ngủ sẽ khiến mũi bị tắc, rất khó chịu. Mặt khác nước mũi có xu hướng chảy từ tầng sau họng xuống họng làm trẻ ho nhiều vào ban đêm. Cần đưa đi cấp cứu ngay khi trẻ ngủ li bì, không thể lay gọi, đánh thức được; trẻ bệnh đến mức không thể uống nước được, uống bao nhiêu ói bấy nhiêu, lặp lại nhiều lần; trẻ bị co giật, nặng hơn là bị tím tái. Ngoài ra, vào viện khi trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C trong 2-3 ngày không giảm, ho ra máu, ho khạc đờm màu vàng hoặc xanh có mùi hôi thối hoặc mủ, ho kéo dài không thuyên giảm sau một tuần dù đã được điều trị thích hợp, trẻ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú, bú ít. Lưu ý khi trẻ thở co lõm lồng ngực (khi hít vào vào phần dưới lồng ngực bị lõm và hóp vô), trẻ thở nhanh. Phụ huynh đếm nhịp thở lúc bé nằm yên, không khóc, không bú, nhìn vào phần bụng của trẻ, mỗi lần ngực bụng nhấp nhô là một nhịp. Đếm trong vòng 60 giây, sau đó đối chiếu với ngưỡng thở nhanh. Trẻ dưới hai tháng tuổi ngưỡng thở nhanh là 60 lần một phút. Trẻ từ hai tháng đến một tuổi từ 50 lần mỗi phút trở lên là thở nhanh. Trẻ trên một tuổi, từ 40 lần mỗi phút trở lên là thở nhanh. Để phòng ngừa cảm lạnh, cần áp dụng đúng quy tắc 5K, đeo khẩu trang và rửa tay để hạn chế bị nhiễm bệnh. Tránh tiếp xúc gần gũi, giữ khoảng cách với người khác, đặc biệt là người có các triệu chứng về hô hấp. Cần giữ ấm cho trẻ một cách linh hoạt. Khi trời mưa, gió cần mặc các trang phục phù hợp tránh gió lùa, khi trời nắng nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh cho phù hợp để trẻ dễ chịu, không gây hại sức khỏe. Cần cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt trong mùa này cần cho trẻ ăn các loại hoa quả bổ sung vitamin giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Tiêm ngừa cúm có lợi trong phòng ngừa cúm nhưng không thể phòng ngừa cảm lạnh. Thế giới chưa sản xuất được vaccine phòng chống bệnh cảm lạnh thông thường. Hiện, chưa có thuốc nào chữa hết cảm lạnh, kể cả các loại vitamin. Việc sử dụng thuốc ho giúp làm suy giảm triệu chứng khi trẻ ho nhiều gây ra khó chịu. Tùy theo mức độ đáp ứng, mức độ nặng trên lâm sàng của trẻ mà sử dụng các loại thuốc ho phù hợp. Có thể cho trẻ sử dụng thuốc ho đến khi triệu chứng được cải thiện, khoảng một tuần. Trường hợp trẻ hết triệu chứng, vẫn nên cho trẻ dùng thêm 2-3 ngày nữa để đảm bảo khỏi hẳn bệnh. Thuốc ho thảo dược thường không tương tác với thuốc thông thường như paracetamol và các loại thuốc khác sử dụng trong trường hợp trẻ bị ho có đờm. Lê Phương Nguồn: https://vnexpress.net/sai-lam-can-tranh-khi-cham-tre-cam-lanh-4502047.html |