Nhiều cha mẹ trẻ thường hỏi, liệu có cần thiết phải có nếp sinh hoạt cho các bé không? Để bé được quyết định giờ ăn, ngủ thì tốt hơn chứ, tự nhiên hơn chứ. Tạo nền nếp, thói quen cho trẻ quan trọng đến vậy sao?
Trẻ cần được hướng dẫn những thói quen, nền nếp tốt trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Tạo nếp sinh hoạt để cảm thấy an toàn Mình nhớ có đọc được một câu nói: Bạn nên bắt đầu thói quen, nền nếp cho con từ ngày đầu tiên của cuộc đời. Nếu bạn chưa bắt đầu thì đừng lo lắng. Những thói quen có thể thiết lập và bắt đầu bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, càng sớm càng tốt. Đó là quan điểm riêng của mỗi người, mình cũng không phải là “chuyên gia” nên cũng không dám bình luận. Tuy nhiên, đối với cá nhân mình, nếp sinh hoạt với trẻ là quan trọng, thậm chí cực kì quan trọng. Khi đi dạy học, mình thậm chí có thể “đọc” được xem em nào đã có nền nếp sinh hoạt từ ở nhà. Vì thường đó sẽ là những em dễ hòa nhập, tự tin, biết cách lên kế hoạch, ít thiếu bài về nhà, ít quên đồ dùng học tập, cẩn thận và chú ý tốt hơn. Vì sao lại có điều đó? Đơn giản mình nghĩ vì từ khi sinh ra, trẻ hiểu rằng mình sống trong một thế giới liên tục thay đổi. Và nỗi sợ hãi của trẻ bao gồm tất cả những điều chưa biết. Đó là một loại rau mới, mẹ tự nhiên đi công tác, sau khi xem tivi sẽ là như thế nào, đi học sẽ có điều gì kinh khủng... Chính việc tạo nếp sinh hoạt sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, thấy mình được biết: Sau hoạt động này sẽ là gì. Trẻ học được khái niệm về “cấu trúc”. Ví dụ cấu trúc của một buổi tối sẽ bao gồm các bước: Tắm - Soạn sách vở - Chuẩn bị quần áo - Vệ sinh răng miệng - Đọc sách - Đi ngủ. Nhiều bạn sẽ bảo: Ôi nhưng như thế trẻ sẽ bớt sáng tạo đi. Không, đối với mình, bạn vẫn có thể sáng tạo thêm vào “cấu trúc”. Ví dụ cũng là giờ ăn tối nhưng tối thứ Bảy có thể: Ăn cùng với một người bạn, ăn ở ngoài vườn, ăn tối lâu hơn mọi ngày 10 phút... Và nhiều bạn cũng nói, trẻ sơ sinh thì không cần phải theo cấu trúc. Chúng chưa hiểu gì về quy định, chúng ngủ, ăn khi cơ thể thấy cần. Và nếu cứ áp đặt thì chúng sẽ khóc, sẽ cảm thấy “chán cái thế giới này”. Cái này thì mình đồng ý một phần. Đối với mình, việc tạo ra nền nếp nhưng dựa trên thói quen của trẻ chính là kết hợp giữa nhu cầu cơ thể và quy định của bạn. Mới đây, mình có giúp một bà mẹ có hai con, một bạn 9 tuổi, một bạn 4 tuổi tạo nếp sinh hoạt vào buổi tối. Sau 3 tháng kiên nhẫn thực hiện thời gian biểu gợi ý, bạn nhắn tin cho mình: “Chị ơi, em không nghĩ mình làm được mà rồi em đã thành công. Làm theo thời gian biểu, mỗi bạn lại thấy được quan tâm hơn nên con ngoan và em thì đỡ mệt. Em vui lắm chị ạ”. Chỉ cần bạn kiên nhẫn, chỉ cần bạn thiết lập khoa học, chỉ cần bạn tin rằng nhất định sẽ có những hiệu quả với con thì thế nào cũng làm được. Trẻ cần được học các nguyên tắc Mình đi công tác, ở khách sạn cũng được coi là lớn nhất nhì của một thành phố, nhưng rồi không thể làm được việc gì. Suốt cả ngày cho đến tận 10 giờ đêm, tiếng trẻ em chơi đùa, hò hét thình thịch khắp nơi. Mình có nhờ bạn lễ tân lên nhắc nhưng chỉ được một lát, lại đâu vào đấy. Các bố mẹ để các bạn nhỏ chạy chơi trốn tìm suốt dọc hành lang, gõ cửa các phòng ầm ầm, chen vào đó là tiếng quát con. Ở sân bay mùa này, bạn có thể gặp vô số hình ảnh trẻ em chen hàng, nằm ngả ngốn, đi giày dép nhảy trên băng ghế. Và thường bạn nào ngồi yên đều là đang xem điện thoại… Cũng khách sạn đó, mình thấy một bà mẹ mang bát cháo ở phòng ăn buffet ra bể bơi sát đó ngồi cho con ăn. Em bé chắc chừng hơn 2 tuổi, mặc mỗi cái bỉm, ngồi chơi té nước, thi thoảng lại quay ra để mẹ bón cho miếng cháo. Có hôm đi vào nhà vệ sinh, một bà mẹ bắt em bé trai chắc phải 6, 7 tuổi đi vệ sinh bên nữ để mẹ… dễ quản lý. Mình cũng hiểu dịp nghỉ hè được đi chơi nên bố mẹ cho các con thoải mái. Nhưng thoải mái, trẻ vẫn cần học các nguyên tắc. Tự do trong sự kỉ luật là như thế. Trước hết, cha mẹ hãy dạy nguyên tắc giao tiếp. Điều này có thể dạy em bé hai tuổi dễ hơn dạy một thanh niên. Vì thế, hãy bắt đầu sớm. Con cần học nói cảm ơn. Mọi người đều xứng đáng được nhận từ “cảm ơn”. Dù đó là bác giúp việc, người lao công, người phục vụ trong nhà hàng…. bất kì ai bạn yêu cầu làm gì đó và bất kì ai làm điều gì đó cho bạn. Cha mẹ cũng cần dạy con chờ đợi đến lượt bao gồm cả lượt khi trò chuyện. Người lớn cũng cần dạy trẻ phân biệt âm lượng giọng nói trong nhà và giọng nói ngoài trời. Phân biệt giữa nói và hét. Khi ở nơi công cộng, chỉ nói cho người bên cạnh đủ nghe chứ không phải toàn bộ mọi người. Trẻ em thường không nhận ra chúng có thể ồn ào tới mức nào. Tốt nhất nên bắt đầu từ những trò chơi để trẻ thử các mức giọng khác nhau ở các bối cảnh khác nhau. Hãy để trẻ học các cử chỉ kí hiệu như đưa tay ngang miệng là nhỏ giọng hoặc im lặng. Bên cạnh đó, trẻ cũng nên hiểu về không gian cá nhân. Khi đứng xếp hàng hoặc trong thang máy, con cần nhận biết về không gian cá nhân là một khoảng cánh tay. Và con không xô hoặc lấn át người trước mặt. Ngoài ra, trẻ cũng cần được hướng dẫn về ý thức môi trường xung quanh. Ví dụ, trong công viên thì mọi người được chạy và nói to nhưng trong thư viện thì không. Bất kì hành vi nào gây nguy hiểm với sự an toàn của bản thân và người khác đều không được chấp nhận và không có thương lượng. Bạn cũng nhớ, không gian cần phù hợp với trẻ. Một nhà hàng quá cao cấp không phù hợp với em bé hai tuổi. Vì em cần nơi để di chuyển, khám phá. Tương tự em cũng chưa phù hợp với rạp chiếu phim vì rất khó để ngồi yên lặng trong thời gian dài. Và điều quan trọng nhất, chính cha mẹ là người mà con sẽ nhìn để học. Việc làm mẫu là rất quan trọng nếu bạn muốn con thành người lịch sự, điềm đạm. Phan Hồ Điệp (Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội) Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giup-tre-tu-do-trong-ky-luat-post604363.html
|