Trẻ phát triển trí tuệ, cảm xúc từ vui chơi Thông qua trò chơi bé học cách tư duy sáng tạo, tương tác xã hội, điều chỉnh cảm xúc, xử lý tình huống. Chơi là hoạt động quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ. Tiến sĩ Tiff Jumaily, bác sĩ nhi khoa tại Los Angeles cho biết: "vui chơi giúp trẻ em học hỏi, giảm căng thẳng", theo Healthline. Lợi ích về nhận thức: Vui chơi thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, kỹ năng tư duy phản biện. Điều này giúp trẻ khám phá thế giới, củng cố trí nhớ, sử dụng giác quan. Chơi cũng tạo cảm hứng để bé sáng tạo, tưởng tượng, rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện. Những kỹ năng này là nền tảng phát triển trí tuệ, nhận thức. Lợi ích thể chất: Tham gia các trò chơi có lợi giúp bé phát triển kỹ năng vận động, hiểu biết về không gian, thúc đẩy kỹ năng lập kế hoạch vận động, sự khéo léo. Điều này giúp trẻ tăng sức chịu đựng, sự linh hoạt, nhận thức về cơ thể. Khi cha mẹ cho con hoạt động thể chất như chạy, nhảy, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe cần đảm bảo sự an toàn. Cha mẹ chuẩn bị mũ bảo hiểm, quan sát bé tại hồ bơi. Lợi ích xã hội: Vui chơi giúp trẻ học cách tương tác với những người khác. Thông qua hoạt động giải trí, bé phát triển hiểu biết về quy tắc xã hội, cung cấp cơ hội để chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng, lắng nghe, thỏa hiệp. Lợi ích tình cảm: Trẻ em xử lý cảm xúc, học các khái niệm mới thông qua vui chơi. Ví dụ, khi một đứa trẻ thua một trò chơi, chúng học cách kiểm soát nỗi buồn, tức giận. Vui chơi cũng giúp bé xây dựng sự tự tin, khuyến khích sự phát triển kỹ năng mềm, bảo vệ lòng tự trọng.
Vui chơi giúp trẻ phát triển thành những cá nhân khỏe mạnh và độc lập, phát triển tình cảm, giảm căng thẳng. Ngược lại, việc không tham gia hoạt động giải trí có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Các nghiên cứu cho thấy, bé không có cơ hội chơi ngoài thiên nhiên tăng nguy cơ mắc vấn đề về chú ý. Sau này, các em không có cơ hội để mở rộng trí tưởng tượng, xây dựng kỹ năng cần thiết để thành công ở nơi làm việc, trong cuộc sống. Điều này có thể cản trở sự phát triển xã hội, cảm xúc của một cá nhân. Một nghiên cứu năm 2018 của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) cho thấy, không vui chơi có thể làm tăng căng thẳng, gián đoạn sự phát triển ở trẻ. Tham gia chơi trò chơi không phải là phù phiếm... mà giúp xây dựng trí não. Tùy độ tuổi, các lựa chọn vui chơi của trẻ khác nhau. Cụ thể, bé mới biết đi thích những đồ vật màu sắc rực rỡ, như bóng bay, ô tô... Cha mẹ nên khuyến khích trẻ gọi tên đồ vật thông thường trong gia đình. Phụ huynh thường xuyên đọc cho trẻ nghe và khuyến khích bé tô màu hoặc vẽ. Bởi lẽ những hoạt động này sẽ giúp phát triển sự hiểu biết, nhận thức, kỹ năng vận động. Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo dần dần hình thành tính độc lập. Chúng có sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Độ tuổi thích hợp để giới thiệu các hoạt động đơn lẻ, như xếp hình, Lego, xây tháp. Nguồn VNE |