Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phòng dậy thì sớm ở trẻ


 

Có thể phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ nhờ xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống đủ chất, khoa học để phát triển đúng lứa tuổi.

Tình trạng dậy thì sớm được dự báo tăng trong các năm tới, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý, thể chất, gây trở ngại cho sự phát triển của thế hệ tương lai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước. Khoảng năm 1980, tuổi trung bình có kinh nguyệt từ 15-16, nay giảm xuống 11-12 tuổi.

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ dậy thì sớm có thể bị ảnh hưởng nhiều đến vấn đề tâm lý. Nhiều bé trở nên mặc cảm, tự ti, xấu hổ khi có sự khác biệt với bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó, các em chưa thể tự làm tốt việc vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, bé có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, quan hệ sớm, hệ lụy mang thai sớm.

Ngoài ra, việc phát triển chiều cao bị hạn chế. Lúc đầu các em có thể phát triển nhanh, cao so với các bạn cùng lứa tuổi nhưng vì xương trưởng thành nhanh hơn bình thường nên chấm dứt kỳ phát triển sớm.

Ở bé gái, dậy thì sớm có dấu hiệu như phát triển vú, thường là phát triển một bên, đôi khi cả 2 bên tuyến vú. Sau đó là quá trình mọc lông mu, lông nách. Khi tuyến vú phát triển khoảng 2-3 năm, bé có hiện tượng xuất hiện kinh nguyệt. Mụn trứng cá mọc với số lượng ít, trong trường hợp trẻ có nhiều mụn trứng cá kèm theo phì đại âm vật thì có thể liên quan đến rối loạn bài tiết androgen.

 


Dậy thì sớm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý trẻ. Ảnh: shutterstock

Đối với bé trai, dấu hiệu dậy thì sớm biểu hiện bằng kích thước của tinh hoàn to lên, dương vật và bìu phát triển. Sau đó trẻ mọc lông mu, lông nách, xuất hiện mụn trứng cá, giọng nói trầm hơn. Ở cả hai giới có sự tăng lên đáng kể về chiều cao, cân nặng.

Theo bác sĩ Kim Thoa, khi phụ huynh nhận thấy những dấu hiệu và nghi ngờ bé dậy thì sớm không nên hoang mang. Bố mẹ nên bình tĩnh, đưa bé đến chuyên khoa nhi và nội tiết để thăm khám, xác định nguyên nhân. Để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ thì phụ huynh cần xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống đủ chất, khoa học.

Bố mẹ nên chuẩn bị thực đơn dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng các nhóm chất giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên. Phụ huynh lựa chọn thực phẩm, ưu tiên nguồn thức ăn tươi mới, không chứa chất biến đổi gene, hạn chế đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh, thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, chất béo cùng hàm lượng đường cao. Bên cạnh đó, phụ huynh nên ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc uy tín, được kiểm nghiệm bởi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, không chứa hormone tăng trưởng.

Phụ huynh cần tạo thói quen vận động, tham gia hoạt động thể thao cho trẻ từ sớm. Việc luyện tập thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày cùng với những bộ môn như đá bóng, bơi lội, nhảy dây, chạy... giúp bé cải thiện thể lực, giải phóng năng lượng, hỗ trợ phát triển tầm vóc, sức khỏe xương.

Cuối cùng, phụ huynh cần thận trọng trong việc cho trẻ tiếp xúc với sản phẩm kem, mỹ phẩm hoặc thuốc có estrogen và testosterone, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone sinh dục.

Nguồn VNE