Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những cử chỉ của trẻ khiến mẹ cảm thấy cực kỳ phiền phức nhưng lại chứng tỏ bé yêu mẹ nhất nhà


 

Dù chưa biết nói nhưng bé lại biết cách thể hiện tình cảm với mẹ thông qua hành động của mình.

Trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ vẫn chưa biết nói nhưng con đã có thể bộc lộ cảm xúc qua tiếng khóc, biểu cảm khuôn mặt hay hành động của mình. Có những cử chỉ khiến mẹ bỉm đôi khi cảm thấy khó chịu nhưng thực ra lại cho thấy sự quan tâm của bé dành cho mẹ, như muốn nói là "con yêu mẹ rất nhiều". Mẹ hiểu rồi thì hãy thông cảm, đừng chê con phiền phức nữa nhé.

1. Bé chạm vào mặt mẹ, cho tay vào miệng mẹ lúc bú
Khi mẹ cho trẻ bú, thường bé sẽ vừa ăn vừa nhìn mẹ chăm chú, thi thoảng còn đưa bàn tay nhỏ xinh lên sờ mặt mẹ và cho ngón tay vào mũi, miệng của mẹ. Hành động này khiến mẹ cảm thấy hơi buồn cười nhưng thực ra là trẻ đang khám phá mọi thứ xung quanh, bao gồm cả khuôn mặt của mẹ.

Bằng cách này, con đang dần học cách nhớ mọi thứ liên quan đến mẹ, mùi sữa, ánh mắt, đôi môi... Khi con làm vậy, bé sẽ cảm thấy vô cùng thích thú, dường như được gắn kết với mẹ nhiều hơn. Thế nên, mỗi khi con bú kèm theo một vài động tác nghịch ngợm đáng yêu như thế thì mẹ cũng hãy mỉm cười lại với bé nhé.

2. Bé chỉ nín khóc trong vòng tay mẹ
Nhiều gia đình tỏ ra khó hiểu khi bé khóc, ai trong nhà ra sức dỗ cũng không được. Chỉ đến khi mẹ đến và ôm bé vào lòng thì con mới nín. Thực ra, đó là vì con đã quen và bện hơi của mẹ, chỉ khi ngửi được mùi quen thuộc, bé mới an tâm và không còn lo sợ nữa. Thế nên, nhiều ông bà vẫn hay dặn phải bế trẻ ít thôi, cho nhiều người bế... là vì sợ bé bện hơi mẹ.

Những cử chỉ của trẻ khiến mẹ cảm thấy cực kỳ phiền phức nhưng lại chứng tỏ bé yêu mẹ nhất nhà - Ảnh 2.
Ở một số giai đoạn nhất định, hầu hết trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi sẽ thể hiện sự lo lắng thực sự và trở nên khó chịu trước viễn cảnh - hoặc thực tế - bị xa cách cha mẹ. Nếu bố mẹ nghĩ về sự lo lắng chia ly như một phần của sự trưởng thành, điều đó hoàn toàn hợp lý: Một đứa trẻ không có khả năng tự vệ sẽ tự nhiên cảm thấy buồn khi bị lấy đi khỏi người bảo vệ và chăm sóc mình.

Mẹ nuông chiều con hơn những người khác, mẹ là người yêu thương con vô điều kiện, nên không có gì là khó hiểu nếu mẹ nuông chiều bé hơn những người khác trong gia đình. Trẻ hoàn toàn có thể cảm nhận được điều này nên đôi khi con ''hư'' hơn khi ở bên mẹ. Rõ ràng, ở trên lớp các thầy cô sẽ nghiêm túc hơn, còn ở nhà ông bà hay người giúp việc cũng không thể chiều con bằng mẹ, chính vì vậy mà trẻ có cảm giác thoải mái hơn, thích nhõng nhẽo với mẹ hơn.

3. Bé quấy hơn, khóc nhiều hơn khi có mẹ
Ngược lại với tình huống trên, nhiều người phải công nhận rõ ràng rằng khi vắng bố mẹ, con chơi rất ngoan mà chẳng 1 lần mè nheo. Song, cứ thấy mẹ là bé lao vào bám, không được thì khóc ăn vạ, giãy đành đạch. Với một người mẹ vừa đi làm về, lại thêm loạt việc nhà đang chờ đợi thì việc này thực sự quá sức. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ đều có chung hành động như vậy thực ra là có lý do đằng sau.

Nguyên nhân của việc này là do não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Trẻ luôn suy nghĩ rằng mình cần phải cư xử tốt trước mặt những người lạ hơn là những người thân thiết. Từ đó, con sẽ có những hành vi khác nhau giữa mọi người và mẹ. Đây chính lý do vì sao trẻ có thể rất ngoan khi ở cùng ông bà, bố... nhưng cứ hễ thấy mẹ thì lại ỉ ôi, khóc lóc, la hét và ăn vạ.


Những cử chỉ của trẻ khiến mẹ cảm thấy cực kỳ phiền phức nhưng lại chứng tỏ bé yêu mẹ nhất nhà - Ảnh 3.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng liệt kê thêm một số nguyên nhân khiến trẻ không bao giờ cư xử lịch sự khi đứng trước mẹ. Chẳng hạn như:

- Mẹ là người cho con cảm giác an toàn, thoải mái nhất: Không có ai có thể thay thế mẹ trong mắt của con, và với con mẹ luôn là nơi bình yên và an toàn nhất. Khi ở bên mẹ, trẻ không còn cảm giác đề phòng hay dè chừng, con cũng không phải sợ sệt như khi gặp người lạ. Bé bắt đầu thể hiện tính cách thật của bản thân mà không lo lắng điều gì cả, như trước đây mà trẻ vẫn làm.

- Mẹ là nơi con chọn lựa để "xả cảm xúc": Biểu cảm thường thấy nhất mỗi khi nhìn thấy mẹ sau giờ học đó là con sẽ oà lên khóc, chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Trẻ luôn là như vậy, với người mà con yêu thương, tin tưởng, bé sẽ tự giải toả mọi cảm xúc ra ngoài mà không kìm nén như khi ở bên người lạ. Nếu như ở lớp cùng cô giáo, ở nhà với ông bà, con thể hiện ra mình là một đứa trẻ rất ngoan thì khi ở bên mẹ lại trái ngược.

- Con đang tìm kiếm sự quan tâm từ mẹ: Đó là khi con cảm thấy mẹ quan tâm con chưa thực sự đủ. Sau một ngày đi làm về, mẹ phải nấu ăn, dọn dẹp, làm đủ các công việc không tên trên đời nên thời gian dành cho con nghiễm nhiên bị rút ngắn lại. Con trở nên hư vì mẹ đã phân tán sự quan tâm của mình cho các anh chị em, những người lớn khác trong nhà, vật nuôi hay công việc của mẹ.

4. Bé sẽ gào lên nếu ai đó chạm vào mẹ
Đôi khi, bố hoặc anh chị của bé thử chạm vào mẹ và bé sẽ gào khóc, đẩy tay của người đó ra rồi ngồi vào lòng mẹ như thể "đánh dấu chủ quyền". Có một giai đoạn con sẽ giữ khư khư mọi thứ mà bé cho rằng chỉ thuộc về mình, và mẹ là một trong những điều đó. Ngoài ra, con cũng có thể giữ đồ chơi, đồ ăn... và tất cả đều chứng minh rằng bé đang muốn bảo vệ những điều bé cho là quý giá nhất.

Nhiều lúc, hành động này của con khiến mẹ cảm thấy hơi khó chịu, cho rằng bé ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình, nhưng thực ra là con sợ mẹ sẽ bị người khác "cướp" đi mất nên muốn bảo vệ bằng mọi cách. Thế nên, khi thấy con làm vậy, mẹ hãy khéo léo ôm con vào lòng, trấn an để bé không sợ hãi, rồi cùng nhau gắn kết bằng cách đánh lạc hướng hoặc tất cả cùng nhau tiếp tục trò chơi...

Trẻ sẽ chỉ thể hiện quyền sở hữu này trong một giai đoạn nhất định mà thôi, đặc biệt khi con lớn lên một chút là bé sẽ hiểu ra và không còn hành động như vậy nữa.

Mỗi giai đoạn, trẻ lại có một sự phát triển nhất định. Bố mẹ hãy cố gắng dành thời gian chăm sóc và ở bên con, đặc biệt là thấu hiểu những hành động, cử chỉ của con nhé.

Nguồn Phụ nữ Việt Nam