Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé từ chối bú mẹ có phải bệnh?


 

Gần đây, bé nhà tôi bú kém, vẫn ngậm ti nhưng bú ít hơn trước, xin hỏi bác sĩ có phải con bị ốm hay đau ở đâu?(Thu, 29 tuổi, Hà Nội)

Trả lời:

Thông thường trẻ ốm vẫn bú mẹ nhưng bú yếu hơn trước. Một số trẻ bị nghẹt mũi, không thể thực hiện động tác bú hay miệng bị đau do tưa lưỡi (nhiễm nấm Candida) cũng từ chối bú mẹ.

Bé có thể từ chối bú mẹ khi không nhận được nhiều sữa do ngậm bắt vú kém hoặc vú bị cương tức. Khi tư thế bú sai, mẹ sẽ vô tình ép mạnh đầu con vào ngực gây phản xạ "chống lại" khiến trẻ bỏ bú.

Trẻ từ chối bú có thể do chưa có nhu cầu, chưa đói, hoặc sữa xuống quá nhanh do sự tạo sữa quá mức khiến bé không kịp nuốt.

Một số nguyên nhân khác như mẹ bị ốm hoặc nhiễm trùng vú, thay đổi mùi của sữa mẹ (mẹ dùng metronidazole, gia vị có mùi mạnh...), thay đổi mùi của mẹ như dùng loại xà phòng mới, nước hoa mới, thức ăn lạ... dẫn đến trẻ từ chối bú.

Giải pháp

Nếu trẻ ốm, mẹ có thể hút sữa ra cho ăn theo đường ống cho đến khi bé bú trở lại. Trường hợp bé nghẹt mũi, mẹ nhỏ mũi cho con bằng dung dịch NaCl 0.9% và dùng dụng cụ hút mũi. Cho trẻ bú ngắn hạn và thường xuyên hơn trong vài ngày.

Trẻ bị đau, khi bế cố gắng tránh chỗ đau để không tác động vào càng thêm đau. Trẻ bị nấm lưỡi, mẹ có thể điều trị bằng kem Nystatin bôi núm vú 4 lần mỗi ngày và nhũ tương Nystatin 100.000 IU/mL nhỏ vào miệng bé 1 ml x 4 lần/ngày.

Cho bé bú đúng cách, đúng tư thế, miệng ngậm vú đúng. Mỗi bữa chỉ nên cho trẻ bú một bên vú (nếu như thế là đủ nhu cầu) để tránh tạo sữa quá nhiều thay vì cố gắng cho bú cả hai vú trong mỗi lần. Cho bú theo nhu cầu.

Chủ động xử lý các mùi lạ khiến bé khó chịu. Mẹ cũng lưu ý tránh ăn những thức ăn gây mùi cơ thể hay uống thuốc có tạo mùi mạnh cho sữa mẹ.

Thạc sĩ, bác sĩ Trương Thị Mỹ Hà
Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Nguồn VNE