Để phòng ngừa trẻ béo phì, cha mẹ điều chỉnh chế độ ăn, thay đổi lối sống cho bé. Gần một tháng nữa là năm học mới bắt đầu, chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (Hà Nội) lo lắng vì con tăng gần 7 kg kể từ khi nghỉ hè đến nay. Bé 8 tuổi nhưng nặng 42 kg. Hàng ngày bé ăn ở quán, sức ăn tốt, có thể ăn 2 tô phở người lớn cùng một lúc, dung nạp nhiều thức ăn nhanh như: khoai tây chiên, gà rán, nước ngọt có ga... Mới đây, chị đưa con đến Nutrihome Trường Chinh (Hà Nội) khám dinh dưỡng, nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn, vận động phù hợp. Mẹ trẻ quyết tâm giảm cân cho bé trước khi bước vào năm học mới. Qua kiểm tra, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết cân nặng 42 kg theo tiêu chuẩn phải là cân nặng của bé khoảng 12 tuổi trở lên. Bé 8 tuổi nặng 42 kg là thừa cân, béo phì. Qua công tác thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em tại Nutrihome, các bác sĩ ghi nhận tỷ lệ trẻ được ba mẹ đưa đến khám vì lý do thừa cân béo phì chiếm khoảng 25%. Theo bác sĩ, trẻ em béo phì có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ, thậm chí ung thư... Ngoài ra, béo phì còn gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe tinh thần như chậm chạp hơn, phản xạ kém, dễ buồn ngủ, mệt mỏi... Với trẻ lớn, tình trạng khiến các em có tâm lý mặc cảm, kém tự tin, trầm cảm, nguy cơ dậy thì sớm làm kìm hãm sự phát triển chiều cao. Thực tế, cân nặng có thể điều chỉnh bằng lối sống khoa học. Tập thói quen ăn uống lành mạnh Bác sĩ Hương khuyến cáo, đa số trẻ thừa cân, béo phì có thói quen hấp thu vượt chuẩn chất đạm, béo, ngọt nhưng lại thiếu vitamin, khoáng chất. Theo đó, khi thấy con thừa cân, béo phì, ba mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn khoa học. Trẻ cần giảm ngay các thức ăn giàu đường, đạm, béo, thay bằng hải sản, trứng, cá, rau củ quả. Nguyên tắc là hấp thu cân đối các nhóm dưỡng chất (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất) chứ không loại bỏ hẳn nhóm nào.
Tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tăng nhanh tại Việt Nam. Ảnh: Shutterstock Để trẻ ăn ít năng lượng, trước bữa ăn, ba mẹ nên cho trẻ uống một ly nước, ăn một bát canh hay đĩa rau củ luộc... để tạo cảm giác no, giảm lượng thức ăn vào. Cha mẹ cho trẻ ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều, hạn chế ăn tối khuya trước khi ngủ. Để trẻ no lâu, không tăng cân, ba mẹ nên dùng thực phẩm còn nguyên cám, nhiều vitamin, chất xơ như: gạo lứt, khoai, bắp, rau xanh các loại và trái cây tươi ít ngọt (như mận, củ sắn, thanh long, bưởi, táo ta, đu đủ, cam, quýt...). Những thực phẩm này giúp giảm cung cấp năng lượng, bổ sung thêm lượng vitamin, muối khoáng, dễ tiêu hóa hấp thu, ngăn ngừa táo bón. Ba mẹ cố gắng nấu ăn ở nhà để kiểm soát lượng chất béo, đường mà trẻ nạp trong mỗi bữa ăn. Gia đình nên cắt nhỏ trái cây ra ăn thay vì ép lấy nước, đậu đỗ thì ăn cả vỏ để tận dụng chất xơ. Khi ăn thịt động vật nên bỏ da, hạn chế ăn nội tạng, hạn chế chiên xào. Bé nên ăn các món luộc, hấp, giảm bớt lượng tinh bột, đường, giàu năng lượng mỗi bữa ăn như: cơm, mì, dầu, mỡ, bơ, bánh ngọt, kẹo, chè ngọt, chocolat, đường, tránh uống nước ngọt. Người lớn vẫn cho trẻ uống sữa đều đặn nhưng cần chọn sữa tách béo, không đường. Nếu thỉnh thoảng đưa trẻ ra ngoài ăn, gia đình nên tránh gọi món có nước sốt, bỏ qua món tráng miệng, ưu tiên gọi salad...
Trẻ khám dinh dưỡng với bác sĩ tại Nutrihome. Ảnh: Nutrihome Khuyến khích trẻ vận động Muốn con giảm cân, khỏe mạnh, điều không kém phần quan trọng là tạo cho trẻ thói quen vận động mỗi ngày. Ba mẹ cũng có thể tham gia cùng con. Thay vì ngồi nhiều xem tivi, chơi game, lướt internet..., cả nhà cùng chơi, cùng vận động bằng nhiều hình thức khác nhau như: bơi, đi bộ, chạy bộ, đánh cầu lông, đi du lịch, leo núi... Gia đình nên cho trẻ vận động ít nhất 30 phút mỗi lần, 5 lần một tuần. Với những trẻ đang thừa cân béo phì nhiều, trẻ có thể cần phải vận động nhiều hơn với sự tư vấn của chuyên gia. Việc trẻ tập luyện đều đặn giúp bé tăng sức tổng thể, hỗ trợ giảm cân, tăng chiều cao tối ưu. "Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng là việc cần thiết khi áp dụng chế độ ăn hay vận động. Mỗi trẻ sẽ có tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe riêng. Điều cần nhất là cho bé ăn kiêng nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất để không kìm hãm tốc độ tăng trưởng", bác sĩ Hương cho biết. Chuyên gia thông tin thêm, số lượng trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua, đặc biệt tại khu vực thành thị. Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP HCM vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%. Đặc biệt, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế. Bảo Anh Nguồn: https://vnexpress.net/cach-ngan-ngua-tre-beo-phi-4496698.html |