Trao quyền quyết định cho trẻ: Vấp ngã để trưởng thành
Nhiều cha mẹ cho rằng, chỉ phụ huynh mới biết đâu là điều tốt đẹp nhất dành cho con. Họ không tin tưởng vào sự lựa chọn, quyết định của con. Tuy nhiên, thực tế, theo các chuyên gia, việc có cơ hội tự quyết định, lựa chọn sẽ giúp trẻ biết chịu trách nhiệm. Đồng thời, học được kỹ năng giải quyết vấn đề, trưởng thành hơn, sáng tạo cũng như tự tin. Trẻ có thể sẽ buồn vì đưa ra quyết định tồi. Song, đổi lại, trẻ nhận được bài học kinh nghiệm. Nhờ đó, trẻ có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai. Sự hài lòng lớn nhất Một minh chứng cụ thể cho lợi ích của sự tự quyết là tỷ phú Bill Gates. Bố mẹ của tỷ phú này chia sẻ, họ không giới hạn sự độc lập của con ngay từ khi còn nhỏ. Họ để con được quyết định những gì mình muốn. Thậm chí, khi Bill Gates quyết định bỏ học tại ngôi trường danh giá bậc nhất Harvard, bố mẹ ông vẫn tôn trọng quyết định của con trai. Bố ông đã chia sẻ: "Tôi không thể định đoạt cuộc đời của con trai mình. Bill có những ý tưởng riêng về cách đạt được mục tiêu cá nhân và biết được mình đang làm gì". Với quan niệm cho rằng, chỉ cha mẹ mới biết đâu là điều phù hợp với trẻ, không ít phụ huynh quyết định mọi chuyện thay con. Họ quyết định hộ con từ những việc đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. Thậm chí, những cha mẹ này không cho con cơ hội chọn món ăn bé coi là ngon, mặc những gì trẻ cho là đẹp. Thay vào đó, trẻ chỉ được ăn những gì cha mẹ cho là hợp lý, mặc những thứ phụ huynh coi là phù hợp... Bởi, họ không tin vào sự lựa chọn của con. Song, họ không biết rằng, hành động đó đã vô tình tước đi quyền tự quyết của trẻ. Trong khi đó, đây là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và thành công của trẻ trong tương lai. Các chuyên gia cho biết, khi đưa ra một lựa chọn tốt, trẻ có thể đạt được sự hài lòng và thỏa mãn lớn nhất. Bởi, đó là lựa chọn do con tự quyết định. Tuy nhiên, khi đối mặt với kết quả tồi, các phụ huynh cũng không nên lo lắng. Trẻ có thể sẽ buồn vì quyết định của bản thân. Song, đổi lại, trẻ đã nhận được bài học kinh nghiệm. Nhờ đó, trẻ cũng sẽ có khả năng đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai. Với mỗi độ tuổi, cha mẹ có thể rèn luyện con để trẻ dần học được kỹ năng tự quyết định. Chắc chắn là, cha mẹ không thể trao cho con trách nhiệm hoàn toàn trước một vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, thay vì như vậy, cha mẹ có thể dần dạy trẻ cách đưa ra quyết định phức tạp hơn khi con lớn lên. "Ngày bé, mẹ tôi quyết định tất cả mọi thứ xung quanh tôi. Quần áo tôi mặc, đồ dùng tôi sử dụng, kiểu tóc tôi để, cách đi đứng, nói năng, trò chuyện. Tất cả đều không được trái ý mẹ. Khi tôi lớn, mẹ vẫn làm vậy. Chuyện chọn trường, chọn lớp, hay thậm chí là người yêu, mẹ đều tham gia. Mẹ nói với mọi người: ‘Trông nó thế thôi chứ vụng về lắm, chẳng biết gì đâu. Việc gì cũng đến tay mẹ cả'. Tôi không buồn phân bua. Con người tôi chia làm hai nửa. Một nửa mẹ muốn, nửa kia là mong muốn của tôi. Hai nửa đó chẳng bao giờ ngừng tranh cãi. Điều đó khiến tôi bị rối trí và luôn sống trong mệt mỏi, chán chường", Nguyễn Kiều Nhung - nữ sinh đại học năm thứ hai tại Hà Nội chia sẻ.
Đẩy con ra xa TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đôi khi, các phụ huynh không thể hiểu cũng như làm bạn cùng con. Tuy nhiên, họ tìm mọi cách để khống chế con. "Sự khống chế con đến từ nỗi lo lắng, sợ con có chuyện, sợ con bị lôi kéo, sợ con bị bạn bè hại... Nhưng sự khống chế đó là cách nhanh nhất để đẩy các con ra xa mình, ngắt kết nối với các con. Cũng sự khống chế đó khiến các con ức chế, ghét bố mẹ, muốn làm những trò tiêu cực", chuyên gia nhận định. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần tự kiểm điểm xem có đang khống chế con mình không. Các phụ huynh có thể tự trả lời những câu hỏi như: Cha mẹ có giám sát tuyệt đối mọi hành động của con? Phụ huynh có cho con tự quản lý một việc gì đó trong gia đình? Quản lý việc gia đình có thể là tự xây dựng thực đơn, đi chợ, nấu cơm... Hoặc là lên kế hoạch sửa nhà, thiết kế lại hoàn toàn các phòng trong gia đình. Quản lý việc gia đình là thiết kế tour đi nghỉ, làm hướng dẫn viên và lo toàn bộ các hoạt động trong kì nghỉ... "Chúng ta có cho con tự chọn ngành học, nghề nghiệp, môn ngoại khóa để học hay không? Chúng ta có bắt ép con phải chơi với bạn này, không chơi với bạn khác? Chúng ta có bắt con phải mặc quần áo, để đầu tóc như chúng ta mong muốn không? Chúng ta có để con tự mình xử lý các khó khăn của con không hay nhảy vào giải quyết hộ? Chúng ta có cho phép con tự đi bộ đến trường (nhà gần) không?", TS Vũ Thu Hương nêu. Thạc sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh - Chủ tịch Học viện Minh Trí Thành cho rằng, khi cha mẹ không tin tưởng con, trẻ cũng sẽ không tin vào bản thân. Bởi, thông thường, cha mẹ là người trẻ thần tượng cũng như kính trọng nhất. Vì vậy, khi không nhận được niềm tin từ người mình kính trọng, trẻ cũng sẽ không dám tin vào bản thân.
Theo Thạc sĩ Lanh, thực tế, không có tuổi nào là tuổi nổi loạn, khó bảo, bướng bỉnh. Chuyên gia cho rằng, quá trình phát triển của trẻ cũng giống như cái cây. Cây phải trải qua các giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn phát triển cần loại dinh dưỡng và phân bón khác nhau. Nếu cha mẹ vẫn mãi áp dụng một cách chăm sóc, điều đó sẽ không phù hợp. Thực tế, "tuổi nổi loạn" có thể do cha mẹ chọn "phân bón", "dinh dưỡng" sai. Mỗi giai đoạn phát triển, trẻ cần được quan tâm, yêu thương theo cách khác nhau cũng như nhận được niềm tin khác nhau. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết điều đó. Ví dụ, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường soạn sách vở, hoặc kiểm tra cặp sách của con. Tuy nhiên, phụ huynh cần đặt ra câu hỏi rằng, liệu khi con lớn hơn, cha mẹ có nên tiếp tục làm vậy? Thạc sĩ Lanh nhấn mạnh, cha mẹ cần cho con bản lĩnh, kỹ năng để có thể đối phó với các vấn đề trong cuộc sống. Tự quyết từ những việc nhỏ Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, phụ huynh có thể vô tình tước đi những kỹ năng tự đưa ra quyết định của trẻ, dù đó là điều quan trọng con cần có khi trưởng thành. Chuyên gia này đã nêu một tình huống mà cha mẹ nào hầu như cũng gặp phải. "Bạn của mẹ: Cu Bin ơi mang kẹo này về nhà để ăn nhé, bác cho này! - Cu Bin: Vâng ạ! (và cầm túi kẹo) - Mẹ cu Bin lấy túi kẹo đưa lại cho bạn và nói: Không cần đâu bác ơi, kẹo này nhà cháu cũng có mà bác, đúng không cu Bin? - Cu Bin: Nhà mình có đâu mẹ! - Mẹ cu Bin: Có mà, con không nhớ à? - Cu Bin: Không phải, chỉ có kẹo khác thôi. Kẹo này chưa có! - Mẹ cu Bin: Có mà. Về mẹ lấy cho. Mẹ kéo nhanh con để chào bạn đi về. Trên đường về, cu Bin khóc ấm ức và nói: Sao mẹ không cho con lấy kẹo của bác? Con thích ăn kẹo đó mà. Mẹ cu Bin đáp: Con không được lấy. Như thế là hư, vì đấy đâu phải kẹo của mình. Cu Bin trả lời mẹ: Nhưng bác tự cho mà, con có lấy trộm đâu. Nhà mình làm gì có kẹo đó mà mẹ bảo là có. Mẹ nói dối còn xấu hơn ấy!". Theo chuyên gia Phạm Hiền đôi khi, chỉ là những ứng xử rất nhỏ trong cuộc sống nhưng đó lại là một bài học lớn. Đồng thời, là một sự rèn luyện lớn về chia sẻ, tính độc lập, cách tự giải quyết vấn đề, cách đưa ra chủ kiến, cũng như cách đưa ra quyết định đối với con. Thay bằng ngăn chặn chủ kiến, hành động của con, cha mẹ hãy để trẻ tự học cách ra quyết định từ những việc nhỏ, những gì liên quan đến chúng. Nếu vô hại, cha mẹ nên để trẻ tự trải nghiệm đúng - sai. Cha mẹ hãy luôn đứng sau để phân tích cho con tự rút kinh nghiệm nếu thấy chưa đúng. Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) nhận định, việc để trẻ tự ra quyết định có thể giúp con phát triển sự tự tin. Ví dụ, cha mẹ có thể cho phép trẻ độc lập lên kế hoạch, tổ chức và ứng biến vào những khoảng thời gian như giờ giải lao hay giờ ăn trưa. "Trẻ em và thanh thiếu niên cần tự do đưa ra quyết định, đối phó với những kết quả không mong muốn, thực hành các kỹ năng xã hội. Một phần của thực hành là làm rối tung lên và tìm ra những gì cần làm với vấn đề đó. Điều này giúp trẻ hiểu biết và tự tin rằng, mình có thể tự đối phó với những sai lầm hoặc kết quả không mong muốn trong tương lai", chuyên gia chia sẻ. Theo Giáo dục và Thời đại
|