Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những cách cải thiện kỹ năng giao tiếp ở trẻ



Nói chuyện thường xuyên với con, lắng nghe, hỏi ý kiến của con, khuyến khích con viết nhật ký... là những cách giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ.

Trẻ 6-12 tuổi có thể cần sự giúp đỡ của cha mẹ để học cách truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình. Dưới đây là những mẹo giúp trẻ trau dồi tiềm năng ngôn ngữ, tự tin hơn khi giao tiếp.

Nói chuyện thường xuyên với trẻ

Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp có thể không muốn nói chuyện. Cha mẹ nên khuyến khích con bắt đầu hoặc tham gia vào cuộc trò chuyện càng nhiều càng tốt. Điều này giúp trẻ cởi mở hơn. Chẳng hạn, có thể trò chuyện với con về nơi sắp đến trong chuyến du lịch; mô tả các bước chuẩn bị bữa ăn; thảo luận về một bộ phim bé yêu thích... Nói về những thứ đang xảy ra xung quanh trẻ có thể giúp bé nhận biết các từ mới, khái niệm mới mọi lúc. Cha mẹ cũng có thể ứng dụng mẫu các cụm từ mà con có thể sử dụng để bắt đầu cuộc trò chuyện.

Khuyến khích trẻ mô tả trải nghiệm mỗi ngày

Khuyến khích trẻ kể cho bạn biết ngày hôm đó diễn ra như thế nào, càng chi tiết càng tốt là một trong những cách giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ. Người lớn đặt câu hỏi "Điều vui nhất và chán nhất ở trường hôm nay là gì?" có thể giúp trẻ nhớ lại, sắp xếp trình tự - hai kỹ năng mà trẻ thường gặp khó khăn trong giao tiếp. Kể lại các sự kiện trong ngày cũng là một cách chia sẻ giúp thúc đẩy sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Lắng nghe và phản ánh

Cha mẹ nên thực hành mô hình trò chuyện: lắng nghe và mở rộng những gì người đối diện nói để giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp. Sau khi bé chia sẻ với bạn điều gì đó, hãy lặp lại một phần câu chuyện, sau đó tiếp nối bằng câu hỏi mở rộng. Phương pháp này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe, đồng thời có thể phát triển góc nhìn từ gợi ý của người lớn.


Cùng con đọc sách, thảo luận về các nhân vật, tình huống trong truyện có thể giúp trẻ phát triển tư duy, ngôn ngữ. Ảnh: Freepik

Trò chuyện bằng tình huống

Cha mẹ có thể đặt ra các tình huống, khuyến khích trẻ tưởng tượng, bày tỏ quan điểm của mình. Thay phiên đóng giả từng người trong cuộc trò chuyện để bé có thể suy nghĩ về các tình huống, chủ đề trò chuyện, cách phản ứng khác nhau. Những điều này có thể thảo luận với trẻ trong khi cùng nấu ăn, đi bộ hoặc trong bữa ăn.

Dạy ngôn ngữ cơ thể

Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp có thể không nhận ra những tín hiệu phi ngôn ngữ hay ngôn ngữ cơ thể của người khác. Cha mẹ nên cân nhắc việc thể hiện, giải thích ngôn ngữ cơ thể cho trẻ. Chẳng hạn, hành động liếc mắt có thể khiến người đối diện cảm thấy không được tôn trọng, khoanh tay trước ngực có thể là biểu hiện của sự tức giận.

Đọc sách cùng trẻ

Đọc gì cho con nghe không quan trọng, điều quan trọng là cha mẹ và con làm điều đó cùng nhau. Nếu trẻ chỉ muốn nghe hoặc đọc một truyện giống nhau mỗi đêm, có nghĩa là trẻ đang phát triển sự hiểu biết về nhân vật, các tình huống, từ ngữ được sử dụng. Sau khi đọc xong một câu chuyện hoặc xem xong một chương trình truyền hình, hãy thảo luận về bối cảnh, cốt truyện, nhân vật hoặc bất kỳ từ mới nào xuất hiện trong câu chuyện.

Hỏi ý kiến của trẻ

Giao tiếp đòi hỏi trẻ phải bày tỏ cảm xúc. Do đó cha mẹ nên hỏi con về quyết định, mong muốn của chúng, chằng hạn: "Con thích ăn món nào", "Con muốn làm gì trong kỳ nghỉ hè", "Con có muốn đi siêu thị cùng bố mẹ không"... Hỏi ý kiến của con về các chủ đề đa dạng, làm mẫu việc sử dụng các cụm từ bày tỏ ý kiến như "Tôi nghĩ", "Tôi cảm thấy" là một phương pháp hữu ích để cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Khuyến khích trẻ viết nhật ký

Một số trẻ cảm thấy dễ dàng nói chuyện với người khác hơn khi chúng có thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Viết nhật ký về các hoạt động, cảm xúc hàng ngày có thể hữu ích. Quá trình này giúp trẻ hình thành suy nghĩ chia sẻ với người khác dễ dàng hơn, cảm thấy tự tin vì đã chuẩn bị đầy đủ khi giao tiếp với mọi người.

Nguồn VNE