Tôi mang thai lần đầu, đang tháng thứ 4 nhưng không ăn được vì nghén, cơ thể mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài có nguy hiểm và tôi phải làm gì? (Thu, 23 tuổi, Hà Nội) Trả lời: Triệu chứng ốm nghén xuất hiện vào khoảng tuần thứ 5 của thai kỳ và thường diễn biến nặng nhất là vào khoảng tuần thứ 12, kết thúc vào khoảng tuần thứ 20. Ốm nghén khiến 80% thai phụ buồn nôn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Ốm nghén là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể bạn đang làm việc chăm chỉ để duy trì thai kỳ. Trong một số trường hợp hiếm gặp, ốm nghén nặng có thể khiến trẻ sơ sinh bị nhẹ cân do không nhận đủ chất dinh dưỡng từ mẹ. Khoảng 2% thai phụ có triệu chứng ốm nghén nặng, nôn mửa liên tục trong 24 giờ. Lúc này, bạn cần làm xét nghiệm để đảm bảo không bị nhiễm trùng, siêu âm để loại bỏ các vấn đề nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra cân nặng, nguy cơ mắc biến chứng khi mang thai. Trường hợp bị mất nước nghiêm trọng, bạn cần nhập viện điều trị. Các bác sĩ truyền dịch qua đường tĩnh mạch, thuốc chống buồn nôn và có thể bổ sung vitamin. Trong những tháng đầu thai kỳ này, nếu bạn đột ngột hết nghén, không loại trừ khả năng thai nhi đã ngừng phát triển, thai phụ cần đi khám để yên tâm hơn. Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ cũng như thai nhi. Để cải thiện tình trạng nghén, mẹ bầu nên ăn nhẹ và chia làm nhiều bữa, kể cả khi bạn chỉ ăn được bánh quy khô. Không nên ăn vặt bằng thức ăn chứa nhiều đường tinh luyện. Tránh các loại thức ăn có mùi vị nồng cũng như thức ăn có hàm lượng chất béo cao. Uống nhiều nước và nghỉ ngơi nhiều.Cố gắng ngủ hoặc nghỉ ngơi để đối phó với cảm giác mệt mỏi do buồn nôn và nôn mửa. Bác sĩ Phan Chí Thành Nguồn VNE |