Trẻ tự ti hay tự tin phụ thuộc vào thái độ của cha mẹ đối với 4 điều này
Sự tự tin của một đứa trẻ có liên quan mật thiết tới cách dạy con và những hành động trong cuộc sống hằng ngày của cha mẹ. Nếu một đứa trẻ có sự tự tin, ngay cả khi đối mặt với những thử thách khó khăn, chúng vẫn dũng cảm, cố gắng tới cùng. Ngược lại, những đứa trẻ hay tự ti thường là người đầu tiên rút lui, không dám thực hiện bất cứ điều gì. Trên thực tế, một đứa trẻ tự ti hay tự tin phụ thuộc rất lớn vào thái độ của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt thể hiện rõ qua 4 điều dưới đây. 1. Khi con cái có sự phản kháng Khi con còn nhỏ, cha mẹ chỉ mong con được lớn lên một cách khỏe mạnh, ít ốm vặt. Nhưng khi đứa trẻ lớn dần, cha mẹ bắt đầu có thêm những yêu cầu cao hơn như điểm số xuất sắc, tính cách ngoan ngoãn. Họ thậm chí đặt ra những mục tiêu rất nghiêm ngặt cho con mình và yêu cầu con phải làm tốt. Nếu trẻ có ý muốn phản kháng lại, cha mẹ sẽ dùng những lời nói và hành động mang tính sát thương con mình. Trẻ cảm thấy bất an, lo lắng không biết lời nói của mình có khiến cha mẹ tức giận không. Chúng bắt đầu trở nên dè chừng trong mọi hành động, lời nói của mình sau này, làm gì cũng để ý tới ánh nhìn của cha mẹ, điều đó khiến chúng tự ti hơn.
2. Khi con cái yêu thích sự tự do khám phá Có một số cha mẹ can thiệp quá nhiều vào quá trình trưởng thành của con cái. Điều này khiến trẻ không có sự tự do phát triển, có cảm giác không được tôn trọng, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân… Dù cha mẹ đưa ra lý do chỉ muốn bảo vệ sự an toàn cho con mình nhưng thực tế họ không thể theo sát bên cạnh con cả đời. Cha mẹ cũng không thể ở bên con 24/24 mỗi ngày, con cái cần có không gian riêng và cơ hội tự trưởng thành. Trong quá trình trẻ tự do khám phá thế giới, được làm những gì mình muốn, điều đó sẽ khiến chúng ngày càng tự tin hơn. Bởi trẻ sẽ hiểu được rằng, dù mình làm gì cũng luôn có cha mẹ dằng sau ủng hộ và hỗ trợ khi cần, ngay cả khi chúng bị gặp rắc rối. Ngược lại, những đứa trẻ sống trong khuôn khổ do cha mẹ đặt ra sẽ khó có được trải nghiệm như vậy. Trẻ luôn chấp nhận thái độ tiêu cực của cha mẹ, lâu dần, chúng sẽ cảm thấy mình thiếu năng lực và có những khiếm khuyết rõ ràng.
3. Khi con cái làm điều tốt Cách dạy con phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay là kiểu giáo dục đàn áp. Cha mẹ lo lắng rằng, việc khen ngợi sẽ khiến con cái hình thành tính tự mãn, ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng sau này. Vì thế, họ chọn một cách dạy con cực đoan khác là thường xuyên la mắng, chỉ trích, dán nhãn cho con mình. Một đứa trẻ làm được việc tốt nhưng chẳng bao giờ được cha mẹ khen ngợi, khiến chúng gặp nhiều vấn đề trong việc định vị bản thân và ngày càng tự ti hơn. Dưới những lời nhận xét của cha mẹ, chúng dễ dàng tin bản thân mình như vậy. Chẳng hạn như “tôi là một kẻ thất bại, tôi không thể làm được việc gì tốt cả, tôi thật đáng thất vọng”. 4. Khi con cái đưa ra các quyết định Một số cha mẹ giáo dục con cái theo kiểu độc đoán, họ tự mình kiểm soát mọi thứ, giúp con đưa ra các quyết định. Họ không bao giờ nghĩ tới suy nghĩ của con mình như thế nào và luôn lấy lý do “cha mẹ làm như thế là vì muốn tốt cho con”. Khi con cái chấp nhận những quyết định cha mẹ, chúng dần thích cảm giác lệ thuộc này và dần hình thành suy nghĩ “dù sao cha mẹ đã quyết định rồi, mình có nói cũng chẳng thay đổi được gì”. Trẻ được bao bọc quá mức như thế này ngày càng trở nên thụ động, khi đứng trước một lựa chọn nhỏ, chúng không có khả năng suy nghĩ, lo lắng quyết định của mình có thể không đúng và sợ bị cha mẹ mắng. Phương Hạnh (Theo Sohu) Nguồn: https://arttimes.vn/giao-duc/tre-tu-ti-hay-tu-tin-phu-thuoc-vao-thai-do-cua-cha-me-doi-voi-4-dieu-nay-c7a8227.html |