2 hành vi “đánh cắp” sự tập trung của trẻ, ảnh hưởng tới kết quả học tập
Nếu một người rèn được sự tập trung, họ làm hay học đều có chất lượng cao nhất, rút ngắn được rất nhiều thời gian. Sự tập trung đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, khi một người thiếu tập trung, họ sẽ trì hoãn công việc, làm giảm hiệu quả của cả nhóm. Trong quá trình học tập, vai trò của sự tập trung càng cao, nếu không được rèn giũa ngay từ nhỏ, trẻ sẽ dễ hình thành thói quen xấu, cẩu thả và hay trì hoãn. Tại sao nên rèn sự tập trung cho trẻ ngay từ sớm? Khi trẻ rèn được sự tập trung, chúng sẽ duy trì được mức độ chú ý cao tới một mục tiêu, hoặc sự việc nào đó liên tục, quá trình này không bị quấy rầy bởi các yếu tố bên ngoài. Khi trẻ lắng nghe trong lớp, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào lời nói và việc làm của giáo viên. Những đứa trẻ không thể ngồi yên, hay nhìn lơ đãng, vài ba phút lại đứng ngồi không yên thường có sự tập trung rất kém. Mức độ tập trung khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Trẻ 3 tuổi có thể tập trung trong 6 phút, trẻ 6 tuổi tập trung trong 8 phút và trẻ 9 tuổi tập trung trong 10 phút. Đây là mức độ tập trung trung bình. Trẻ 3 tuổi có thể tập trung trong 15 phút, trẻ 6 tuổi đạt 30 phút và trẻ 9 tuổi duy trì 45 phút. Đây là mức độ tập trung nâng cao.
Viện Giáo dục Mỹ và nhà tâm lý học Howard Gardner kết luận rằng, học kiến thức hoặc một khả năng nào đó, tùy theo sự khác biệt của từng cá nhân, cách học được chia thành 3 loại: thị giác, thính giác và vận động. Một số người giỏi học thông qua thị giác, tức là quan sát và nhìn, chẳng hạn như đọc tranh ảnh, văn bản, xem video, v.v. và ghi nhớ kiến thức cần nắm vững thông qua hành động nhìn. Loại thính giác là học bằng cách lắng nghe người khác dạy hoặc đọc to. Loại vận động thích tiếp nhận kiến thức mới thông qua thực hành hoặc chuyển động liên tục trong khi học. Các biểu hiện thiếu tập trung như trẻ có trí nhớ kém, thích cắt ngang lời nói của người khác, không thể ngồi yên trong lớp, nghe kém, đọc viết không chính xác, hay trì hoãn, không có khả năng diễn đạt… 2 hành vi “đánh cắp” sự tập trung của trẻ Sau 3 tuổi, cha mẹ phải có ý thức trau dồi, hướng dẫn sự tập trung cho con cái. Nếu để trẻ lớn lên tự nhiên, chúng khó có thể đáp ứng được yêu cầu học tập sau này. Nhưng cha mẹ phải nghiên cứu nhiều hơn trước khi rèn luyện sự tập trung cho con cái, tránh làm tổn thương trẻ vì sự thiếu hiểu biết của mình. Dưới đây là 2 hành vi quen thuộc của cha mẹ có thể “đánh cắp” sự tập trung của trẻ: - Cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử thường xuyên Cách tốt nhất để làm cho một đứa trẻ ồn ào, quấy rầy im lặng ngay lập tức là gì? Nhiều cha mẹ sẽ chọn cách đưa cho trẻ một chiếc điện thoại, ipad, xem tivi… Một khi trẻ bắt đầu đắm mình vào thế giới điện tử, chúng sẽ im lặng rất lâu cho tới khi cha mẹ gọi.
Cha mẹ muốn có được vài phút giây yên tĩnh, không bị con cái quấy phá, tưởng chừng việc đưa điện thoại cho con chơi rất thích hợp nhưng vô tình gây hại cho con mình. Một số phụ huynh cho rằng, rõ ràng trẻ rất tập trung khi xem tivi, tại sao lại không có lợi cho sự phát triển khả năng tập trung của trẻ? Trẻ tập trung đến mức không gây ồn ào, vấn đề nằm ở đâu? Điều này được giải thích là do các nội dung trên thiết bị điện tử quá nhiều màu sắc, tiết tấu nhanh, khiến trẻ khó lòng tập trung vào một điểm lâu. Một khi trẻ say mê vào những thứ có trong điện thoại, chúng thường khó tập trung vào việc học. - Cha mẹ hay can thiệp vào các hành động của trẻ Trong cuộc sống hằng ngày, mọi thứ trẻ làm sẽ góp phần tích lũy khả năng tập trung cho chúng, chẳng hạn như ăn, đọc và chơi đồ chơi. Bởi vì trong khi hoàn thành những hành vi này, trẻ cần sự chú tâm của bản thân và một chút bất cẩn sẽ dẫn đến những sai lệch.
Ví dụ, khi ăn não sẽ điều khiển tay, dùng tay cầm thìa để đưa thức ăn lên miệng. Một bữa ăn đòi hỏi trẻ phải lặp đi lặp lại nhiều lần hành động này, chỉ khi tập trung vào từng hành động thì chúng mới có thể ngày càng làm tốt hơn. Việc tích lũy kinh nghiệm này cũng rất quan trọng đối với trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ sẽ can ngăn con cái, thấy con ăn chậm họ nóng ruột muốn đút con ăn nhanh hơn. Thấy con học bài lâu, họ liên tục mắng nhiếc… không cho con cái cơ hội để tự bản thân chúng làm. Kỹ năng ăn uống dù sớm hay muộn cũng có thể học được nhưng khả năng tập trung và tiềm thức của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ không biết tập trung vào một việc là như thế nào, chưa nói đến việc chủ động khám phá và tích lũy khả năng. Phan Hằng (Theo 163) Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/2-hanh-vi-danh-cap-su-tap-trung-cua-tre-anh-huong-toi-ket-qua-hoc-tap-d560656.html |