Cha mẹ nên làm gương, lắng nghe con, không so sánh với 'con nhà người ta', nhẹ nhàng với sai lầm... để giúp trẻ phát triển nhân cách theo hướng tích cực. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tính cách riêng nhưng môi trường xung quanh trẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc có tác động đến trẻ trong việc phát triển các đặc điểm nhân cách. Nhân cách của trẻ phát triển trong khoảng 3-6 tuổi. Đây là thời điểm thích hợp để khắc sâu trong não trẻ một số giá trị, việc thực hành giúp chúng trở thành những cá nhân tích cực. Cha mẹ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển nhân cách của con. Không phán xét Từ ngữ tạo nên thế giới. Khi cha mẹ dùng những lời khắc nghiệt phán xét con cái vì một số hành vi nhất định, có thể vô thức khiến trẻ tin rằng chúng thực sự như vậy. Việc phán xét cũng khiến đứa trẻ từ chối sửa chữa sai lầm, trở nên tự ti, cuối cùng có thể làm hành vi tương tự với những người xung quanh. Cha mẹ nên thận trọng với lời nói của mình, đặc biệt trong khi sửa lỗi cho con. Lắng nghe Trẻ em luôn khao khát được chú ý. Khi lớn lên, chúng ngày càng trở nên độc lập. Trẻ mẫu giáo và trẻ mới biết đi có xu hướng thể hiện bản thân nhiều hơn bằng cách nói chuyện, đặc biệt là trong quá trình phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của con để chúng cảm thấy tin tưởng, tôn trọng. Điều này giúp trẻ trở thành người biết lắng nghe, đồng thời phát triển sự tự tin. Nhẹ nhàng với những thiếu sót Nhiều bậc phụ huynh mong đợi con cái xuất sắc trong mọi việc. Khi trẻ không đạt được kỳ vọng, cha mẹ có xu hướng bày tỏ sự thất vọng bằng cách chỉ trích con không đủ năng lực. Mỗi đứa trẻ có một khả năng riêng, do đó người lớn cần tìm hiểu điều đó và khuyến khích chúng. Cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ cải thiện những thiếu sót mà không làm chúng giảm lòng tin vào bản thân.
Không so sánh So sánh con với bạn bè, người thân và hàng xóm có thể gây tổn hại rất nhiều đến nhân cách của trẻ. Việc liên tục so sánh con với "con nhà người ta" khiến chúng tin rằng mình không đủ tốt và bối rối về bản thân, bắt đầu bắt chước người khác. Tôn trọng cá tính riêng của trẻ là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng sự tự tin, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho con. Làm gương Trẻ em học những gì chúng nhìn thấy nhiều hơn những gì chúng nghe thấy. Vì vậy, cha mẹ nên làm gương cho trẻ, bắt đầu từ những việc nhỏ như sắp xếp lại sách trên giá, dừng đèn đỏ cho đến lễ phép với người lớn. Nếu có sự bất đồng nào trong hành vi và lời nói của bạn, trẻ sẽ bắt chước rất nhanh chóng. Do đó, cha mẹ nên thực hành những điều mình dạy trẻ. Cho trẻ tham gia thể thao Thể thao có thể dạy trẻ những giá trị như chia sẻ, quan tâm, tinh thần đồng đội, sự kiên cường. Thể thao và trò chơi là những hoạt động phát triển nhân cách tốt nhất cho trẻ. Đáng tiếc, nhiều bậc phụ huynh ngày nay bảo vệ con quá kỹ, hạn chế chúng tham gia thể thao hoặc trò chơi. Để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, cha mẹ nên tích cực cho con tham gia các hoạt động thể thao. Điều này cũng giúp trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Giới hạn thời gian sử dụng công nghệ Các nghiên cứu chỉ ra rằng quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và xã hội của trẻ. Sử dụng các thiết bị điện tử có thể dẫn đến nghiện, khiến trẻ dành ít thời gian tương tác xã hội. Cha mẹ nên dành thời gian đưa con đi chơi, du lịch, tham gia các hoạt động thể thao, xã hội để hạn chế thời gian sử dụng công nghệ, mang lại trải nghiệm thực tế về những thứ xung quanh. Đưa ra các quy tắc Đôi khi cha mẹ không truyền đạt được những gì họ mong đợi với đứa trẻ, cuối cùng buộc lỗi những hành vi sai của chúng. Nói rõ với trẻ về các quy tắc là điều cần thiết để con học cách điều chỉnh hành vi. Có thể mất thời gian để trẻ kiểm soát bản thân phù hợp với bộ quy tắc nhưng việc liên tục tuân thủ các quy tắc ứng xử sẽ biến nó thành thói quen tốt. Khuyến khích trẻ độc lập Nhiều trẻ thường được cha mẹ hỗ trợ tất cả mọi thứ đến mức không có sự phát triển bất kỳ tính cá nhân hoặc độc lập nào. Điều quan trọng là chăm sóc, nuôi dưỡng, đồng thời dạy trẻ chủ động làm những việc nhỏ như: soạn sách, dọn dẹp bàn học, đánh răng, làm bài tập về nhà... Bằng cách này, phụ huynh có thể khuyến khích con trở nên độc lập, hạn chế sự giám sát, rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho trẻ. Nuôi dạy con cái nhẹ nhàng Sử dụng roi vọt hoặc la mắng con sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với cả cha mẹ và trẻ. Sau nhiều lần như vậy, đứa trẻ trở nên lì lợm, không có ý định sửa chữa. Do đó, kiên nhẫn giải thích hậu quả của những việc làm sai là một cách giúp trẻ thay đổi theo hướng tích cực. Khi cha mẹ quát mắng con, trẻ trở nên sợ hãi, không hiểu được hậu quả của việc mình làm. Giải thích hoặc đôi khi để trẻ trải nghiệm điều đó giúp chúng hiểu được nguyên nhân, kết quả. Nguồn VNE |