Dấu hiệu nhận biết các tình trạng ngủ ngáy ở trẻ
Ngủ ngáy thường xuyên kèm các triệu chứng khác có thể cảnh báo rối loạn nhịp thở khi ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe hành vi, khả năng học tập của trẻ. Ngủ ngáy thường phổ biến ở người lớn tuổi, cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Không phải tất cả chứng ngủ ngáy ở trẻ em đều giống nhau. Tình trạng phụ thuộc vào tần suất, mức độ nghiêm trọng, tác động của chứng ngủ ngáy. Phần lớn thời gian, tiếng ngáy nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn mà không có tác động tiêu cực đối với giấc ngủ hoặc sức khỏe tổng thể của người đó. Khi ngáy trở nên thường xuyên hơn, làm gián đoạn giấc ngủ, có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp thở khi ngủ. Ngáy nhỏ và không thường xuyên phổ biến ở 27% trẻ em, hầu như không gây lo ngại về sức khỏe. Ngáy thường xuyên mà không có các triệu chứng khác ảnh hưởng đến 10-12% trẻ em. Các nghiên cứu ước tính rằng, 1,2-5,7% trẻ em mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Trong số trẻ em mắc chứng rối loạn nhịp thở khi ngủ, khoảng 70% được chẩn đoán là ngủ ngáy nguyên phát. Chứng ngủ ngáy nguyên phát (ngủ ngáy đơn giản hoặc ngủ ngáy theo thói quen) xảy ra khi trẻ ngủ ngáy nhiều hơn hai lần mỗi tuần nhưng không có triệu chứng đáng chú ý hoặc vấn đề sức khỏe liên quan. Mặt khác, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một tình trạng mà bé thở liên tục vào ban đêm. Những cơn ngừng thở xảy ra hàng chục lần mỗi đêm khi đường thở bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến lượng oxy mà trẻ nhận được trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể gây rối loạn giấc ngủ, suy giảm sự phát triển của não, giảm hiệu suất học tập, nguy cơ mắc vấn đề tim mạch như huyết áp cao, thay đổi sự trao đổi chất, các vấn đề về hành vi.
Các tác động của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được nghiên cứu chủ yếu ở trẻ lớn hơn, nhưng các nhà khoa học tin rằng chúng cũng ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, chẳng hạn trẻ 2-3 tuổi. Theo truyền thống, ngủ ngáy nguyên phát không phát triển thành chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được coi là lành tính. Nhưng những nghiên cứu gần đây chỉ ra thói quen ngủ ngáy này cũng có nhiều nguy cơ về sức khỏe. Các vấn đề về suy giảm nhận thức, hành vi được phát hiện xảy ra ở trẻ em mắc chứng ngáy nguyên phát nhiều hơn so với những bé không bao giờ hoặc hiếm khi ngủ ngáy. Ngủ ngáy thường xuyên có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Mặc dù các nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa thói quen ngủ ngáy và vấn đề sức khỏe, lời giải thích chính xác vẫn chưa rõ ràng. Rối loạn nhịp thở khi ngủ, dù không phải ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, có thể gây ra những xáo trộn nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ngoài những tác động tức thời đến sức khỏe của trẻ, ngủ ngáy còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của cha mẹ hoặc người chung phòng. Nếu tiếng ngáy lớn có thể khiến người khác thức giấc, dẫn đến giấc ngủ rời rạc, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất. Cha mẹ nên đưa con thăm khám bác sĩ nhi khoa nếu trẻ ngủ ngáy kèm các dấu hiệu bao gồm: ngáy ba đêm mỗi tuần hoặc hơn; thở hổn hển hoặc khó thở khi ngủ; đái dầm; da hơi xanh; nhức đầu buổi sáng; ngủ ngày; khó tập trung; chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD); tăng cân dưới mức trung bình; béo phì. Ngáy xảy ra khi không khí không thể lưu thông tự do qua đường thở ở phía sau cổ họng. Khi trẻ hít vào hoặc thở ra, mô xung quanh đường thở rung lên, tạo ra tiếng ồn có thể nghe được. Nhiều yếu tố có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến ngủ ngáy. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của chứng ngủ ngáy ở trẻ em. Amidan và adenoid to hoặc sưng to: Amidan và adenoid được tìm thấy gần phía sau cổ họng, là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu chúng trở nên lớn hơn hoặc sưng lên vì nhiễm trùng, amidan, adenoid có thể cản trở đường thở, gây ra ngáy. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn nhịp thở khi ngủ ở trẻ nhỏ. Béo phì: Các nghiên cứu phát hiện trẻ thừa cân có nhiều khả năng ngủ ngáy hơn. Béo phì có thể thu hẹp đường thở, làm tăng nguy cơ bị rối loạn ngưng thở khi ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tắc nghẽn: Các triệu chứng giống như cảm lạnh có thể gây tắc nghẽn, chặn luồng không khí thông suốt, nhiễm trùng có thể làm viêm amidan và adenoid. Dị ứng: Dị ứng bùng phát có thể gây viêm mũi, cổ họng khiến trẻ khó thở, tăng nguy cơ ngủ ngáy. Hen suyễn: Giống như dị ứng, bệnh hen suyễn có thể ức chế nhịp thở bình thường, khi gây tắc nghẽn một phần đường thở có thể dẫn đến ngáy. Đặc điểm giải phẫu: Một số người có đặc điểm giải phẫu khiến họ khó thở bình thường khi ngủ. Ví dụ, một vách ngăn lệch, trong đó hai lỗ mũi không được tách biệt bằng nhau, có thể khiến trẻ thở bằng miệng, gây ra ngáy. Khói thuốc lá: Tiếp xúc khói thuốc lá thụ động có thể ảnh hưởng đến hô hấp, dẫn đến nguy cơ ngủ ngáy cao hơn ở trẻ em. Không khí bị ô nhiễm: Chất lượng không khí thấp hoặc các chất ô nhiễm dư thừa có thể gây khó khăn cho quá trình hô hấp bình thường, dẫn đến khả năng ngáy ngủ thường xuyên ở trẻ. Nguồn VNE |