Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

4 yếu tố ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ



Thói quen gia đình, môi trường, hành vi của người chăm sóc, bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé.

BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Sơ sinh, Trung Tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Hormone tăng trưởng tiết ra tối ưu khi trẻ ngủ sâu sẽ giúp bé phát triển chiều cao, trưởng thành não bộ, thể chất.

Nếu bị rối loạn giấc ngủ trẻ hay quấy khóc, cáu kỉnh. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến giảm trí nhớ, kém nhận thức, rối loạn hành vi, cảm xúc khi trẻ trưởng thành.

Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, phần lớn trẻ sơ sinh sẽ có "tuần trăng mật" khi chào đời, chỉ thức giấc khi cần bú, thay tã. Bé ngủ từ 16-18 giờ/ngày, từng giấc ngắn 2-4 giờ. Tuy nhiên, trẻ có thể mất ngủ trong những ngày đầu đời do nhiều yếu tố tác động: môi trường, hành vi, gia đình, bệnh lý.


Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, trí não. Ảnh Shutterstock

Môi trường

Theo bác sĩ Hạnh, phụ huynh cần chú ý đến môi trường ngủ để giúp bé ngủ ngon. Nếu nhiệt độ phòng ngủ quá lạnh hoặc quá nóng sẽ ảnh hưởng giấc ngủ. Trẻ tiếp xúc quá nhiều ánh sáng đèn vào ban đêm cũng gây khó ngủ. Môi trường ngủ nhiều tiếng ồn, hoặc các hoạt động xung quanh cũng khiến bé dễ tỉnh giấc, khó có thể tiếp tục ngủ lại.

Các yếu tố hành vi cũng ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ như: có thói quen ngủ nhiều vào ban ngày, thì buổi tối trẻ ngủ ít hơn. Khi cho trẻ ngủ, phụ huynh cần đảm bảo tã trẻ khô thoáng, sạch sẽ, quần áo thoáng mát.

Hành vi

Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, những hành vi của người chăm sóc tác động đến giấc ngủ trẻ sơ sinh. Nếu phụ huynh chơi đùa, nói chuyện quá nhiều khiến bé khó ngủ hơn. Do đó, khi chăm sóc trẻ sơ sinh, phụ huynh lưu ý kết thúc hoạt động chơi đùa, nói chuyện với bé 2 giờ trước khi ngủ.

Việc cố gắng dỗ trẻ sơ sinh ngủ cũng có thể tạo ra kích thích, khiến bé khó chịu. Ngoài ra, để con ngủ ngon giấc, cha mẹ không nên để trẻ ngủ trưa quá nhiều. Trẻ ít cáu gắt, khóc.. thường dễ ngủ.

Gia đình

Yếu tố gia đình ảnh hưởng đến giấc ngủ trẻ sơ sinh. Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, hiện nay một số gia đình lựa chọn nuôi con thuận tự nhiên không có lịch ăn ngủ rõ ràng, một số rèn luyện con theo phương pháp EASY, với việc tuân thủ lịch ăn, ngủ từ khi trẻ chào đời.

Người mẹ mới sinh con dễ ảnh hưởng tâm lý do mệt mỏi kiệt sức. Mẹ bị trầm cảm, buồn rầu sẽ ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ.

Bệnh lý

Bất kỳ bệnh lý nào cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Khi bé bị bệnh thường khó ngủ, gây tác động đến sự phát triển toàn diện về sau.

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh có bệnh lý khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn hơn. Bé thiếu ngủ, gắt gỏng, bỏ bú. Do đó, để sớm khắc phục, phụ huynh đưa bé đi khám, điều trị kịp thời.

Trong khoảng 2 tháng đầu sau sinh, trẻ không thể thức 2 giờ liên tục, do đó cha mẹ nên căn thời gian, tập cho con bú, đi ngủ đúng giờ. Phụ huynh cần giúp trẻ phân biệt ngày và đêm. Vào ban ngày, phụ huynh lặp lại các động tác như mở cửa sổ lấy ánh sáng tự nhiên, trò chuyện, chơi đùa cùng con, sử dụng tiếng ồn trắng... Mẹ có thể hát và nói chuyện khi trẻ thức giữa các cữ bú. Ngược lại, vào ban đêm cần giữ yên lặng, phòng ngủ tối, yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ để bé không tỉnh giấc.

Để trẻ ngủ ngon giấc, trước khi ngủ, phụ huynh cần cho trẻ ăn no, thay tã bỉm, mặc quần áo phù hợp, đặt trẻ trong phòng ngủ thoải mái, không có quá nhiều gấu bông, chăn, gối không cần thiết. Phụ huynh lưu ý, hạn chế ru ngủ và ôm ấp, vỗ về, tránh để bé phụ thuộc vào việc ru ngủ.

Nguồn VNE