Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sự thật về loạt lời đồn đoán giới tính thai nhi qua ngoại hình mẹ bầu, điều số 5 có đến 80% người tin nhưng liệu có đúng?


 

Từ trước đến nay, có rất nhiều tin đồn đoán xung quanh việc mang thai bé trai hay bé gái, và những tin này chính xác bao nhiêu%?


Khi mang thai, hẳn mẹ nào cũng tò mò không biết em bé trong bụng có khoẻ mạnh hay không, là con trai hay con gái. Mẹ mong chờ biết chính xác giới tính con yêu để đặt cho bé một cái tên ở nhà thật hay hoặc sắm trước những bộ đồ xinh xắn. Hiện nay, giới tính thai nhi có thể biết sớm nhất từ lúc 8-9 tuần (qua xét nghiệm máu) và muộn khoảng 13-16 tuần (qua siêu âm). Với một số thai nhi nằm ở tư thế khó, che chắn ''nhất quyết không cho bác sĩ nhìn'' thì mẹ có thể biết muộn hơn một chút.

Tuy nhiên, trước khi biết em bé trong bụng là trai hay gái và cả trong suốt quá trình mang thai, có rất nhiều tin đồn đoán về giới tính thông qua vóc dáng và các triệu chứng mẹ bầu gặp phải. Những câu như ''nhìn là biết ngay đẻ con gái'', ''bụng thế này thì là con trai rồi còn gì''... vốn vô cùng quen thuộc với các mẹ. Đó là những quan niệm dân gian ngày nay vẫn được lưu truyền, nhưng liệu có hoàn toàn chính xác?

Tin đồn 1: Bụng bầu nhọn là sinh con trai, bụng bầu tròn là sinh con gái?
Đây là một tin đồn khá phổ biến và được mọi người lan truyền đúng đến 80-90%. Những người bà hoặc mẹ bỉm đã có kinh nghiệm chỉ cần nhìn hình dáng mẹ bầu là biết ngay mang thai bé trai hay bé gái. Cụ thể, với mẹ có hình dáng bụng nhọn có nghĩa đang mang bầu bé trai, còn mẹ mang bầu bụng tròn là đang mang thai bé gái.

Tuy nhiên, hình dạng bụng bầu của người mẹ trong thời gian mang thai lại phụ thuộc vào vị trí thai nhi, hình dáng cơ thể và độ rộng của khung xương chậu bà bầu. Khi thai nằm theo một số tư thế phổ biến, bụng của mẹ bầu nhìn chung sẽ tròn trịa. Mặt khác, có những em bé nằm ở tư thế khác sẽ khiến mẹ có bụng bầu nhọn hơn.


Mẹ bầu nên nghỉ ngơi, không lo lắng để vui khoẻ suốt thai kỳ. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, cân nặng của mẹ bầu cũng quyết định một phần hình dáng cơ thể, với những mẹ càng gầy thì bụng sẽ càng nhọn. Do không gian trong bụng mẹ hẹp nên bé nằm ngả về phía trước, hình thành bụng bầu có dáng nhọn. Một số mẹ bầu có khung xương chậu rộng hơn và sâu hơn, em bé trong bụng mẹ có thể thoải mái vùng vẫy nên hình dạng bụng bầu tương đối phẳng, tròn.

Nếu như mẹ bầu có chiều cao vượt trội, bụng bầu sẽ ở vị trí nhô cao. Những mẹ bầu có chiều cao khiêm tốn hơn thì bụng bầu thường sẽ bè sang hai bên. Những mẹ mới mang thai lần đầu, bụng bầu thường gọn hơn vì cơ bụng của mẹ vẫn còn săn chắc. Sau khi bé chào đời, hệ cơ này tiếp tục phát triển khiến vòng bụng lớn hơn. Đến lần mang thai tiếp theo, bụng bầu của các mẹ thường sẽ to hơn và thấp hơn các mẹ bầu con so rất nhiều.

Khung xương chậu của một số người nông hơn hoặc hẹp hơn. Khi em bé lớn lên, khung xương chậu không thể thích ứng với nó, em bé càng phát triển ra bên ngoài khung xương chậu và đẩy về phía trước, do đó bụng trông nhọn hơn.

Trong suốt thời gian mang thai, lượng nước ối thường xuyên thay đổi. Chính vì thế, kích thước bụng bầu cũng thay đổi đáng kể. Càng gần đến ngày sinh, em bé trong bụng càng lớn. Vì vậy, bụng bầu của mẹ cũng sẽ dần nặng hơn và tụt xuống thấp hơn.

Như vậy, bụng bầu không có bất kỳ một kích thước chuẩn nào cả. Tùy thuộc vào cân nặng, ngôi thai, tuổi thai và cơ địa của mẹ bầu mà kích thước và vị trí sẽ khác nhau. Quan niệm sinh con trai mẹ có bụng bầu nhọn và con gái bụng bầu tròn hoàn toàn không có cơ sở.

Tin đồn 2: Mẹ bầu rốn lồi rõ sẽ sinh con gái
Theo các chuyên gia thì tình trạng rốn lồi, lõm khi mang thai không hiếm gặp và được giải thích như sau: Thai phụ bị lồi rốn vì tăng cân trong thai kỳ. Để thai nhi có đủ không gian phát triển thì vùng da và cơ quanh bụng sẽ từ từ căng ra hết mức. Đây chính là lý do khiến phần rốn của mẹ bầu bị đẩy nhô lên phía trước dẫn đến nhìn như lồi ra.

Mặt khác, một số bà mẹ khi mang thai tương đối khỏe mạnh, kích thước vòng bụng biến đổi ít, từ đó tránh tạo áp lực quá lớn lên tử cung nên rốn sẽ không nhô lên và lồi lên khỏi mặt bụng. Bên cạnh đó, những thay đổi ở rốn của mẹ có liên quan đến áp lực ổ bụng. Áp lực trong khoang bụng của mẹ tăng lên, ban đầu rốn còn yếu và da ở rốn mỏng, có thể bị phồng lên do áp suất trong khoang bụng giống như một quả bóng bay, và rốn sẽ lồi ra ngoài.

Nếu rốn chỉ hơi nhô lên thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng nếu rốn bị lồi to ra ngoài thì rất có thể ruột cũng bị chèn ép. Trong trường hợp này, sản phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ và có biện pháp khắc phục kịp thời. Như vậy, nhìn bụng bầu nhọn rốn lồi để đoán giới tính thai là không có cơ sở khoa học.

Tin đồn 3: Tim thai nhanh là sinh con trai, tim thai chậm là sinh con gái?
Trong thời gian đầu mang thai, tim thai của em bé dao động từ 110 đến 170 nhịp/phút. Nhiều mẹ khi đi khám ở tuần thứ 5-7 thấy có sự khác nhau về nhịp tim nên đoán giới tính em bé. Theo đó trên 150 nhịp/ phút hoặc cao thường là con gái và dưới 150 hoặc thấp sẽ là bé trai.

Tuy nhiên, nhịp tim của thai nhi tăng hoặc giảm sẽ phản ánh tình trạng sức khoẻ chứ không liên quan đến giới tính. Với các bé có nhịp tim dao động trong khoảng trên nghĩa là con đang phát triển bình thường và khoẻ mạnh. Còn với những bé quá cao hoặc quá thấp, bác sĩ sẽ cho kiểm tra để tìm hiểu xem thai nhi đang gặp vấn đề gì.

Nếu mẹ bầu cảm thấy nhịp tim thai và cử động của thai nhi thực sự nhanh vượt quá mức bình thường, bất kể bé là nam hay nữ, hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám để kiểm tra càng sớm càng tốt. Như vậy, nhịp tim cũng không hề phản ánh giới tính thai nhi nhé các mẹ.

Tin đồn 4: Mẹ bầu mang thai xinh đẹp, rạng rỡ là sinh con gái, xấu xí là sinh con trai
Khi mang thai, hormone trong cơ thể mẹ bầu sẽ thay đổi, làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài. Lượng estrogen trong cơ thể mẹ sẽ tăng lên rất nhiều, đồng thời lượng nội tiết tố androgen cũng tăng lên một chút. Quan trọng hơn là khi mang bầu, cơ thể người phụ nữ sẽ tăng tiết hormone beta-melanocyte. Hormone này kích thích tăng sắc tố da. Mẹ bầu nào nhạy cảm hơn thì cơ thể sẽ xuất hiện các vết nám, đốm khi mang thai.

Trong trường hợp bình thường, dù thai nhi là trai hay gái thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ hormone tiết ra trong cơ thể mẹ.

Những thay đổi về da khi mang thai chủ yếu liên quan đến cơ địa và thói quen sinh hoạt của mẹ bầu. Ví dụ như khi mẹ bầu bị nghén, mất ngủ, khó ăn uống... thường làm da xấu đi, thiếu sức sống. Với những mẹ may mắn không nghén sẽ ăn được nhiều, ngủ ngon... trông vẻ ngoài thường béo tốt, da dẻ mịn màng, xinh đẹp lên trông thấy.

Tin đồn 5: Mẹ bầu ốm nghén nhiều sẽ mang thai con gái?
Đây là lời đồn được 80% mẹ đồng ý. Khi mang thai, nếu mẹ ốm nghén nhiều, có thể còn nghén suốt 9 tháng 10 ngày thì nhiều khả năng là mẹ mang thai bé gái. Ngược lại, nếu cảm thấy khoẻ mạnh, tươi tắn, vui vẻ thì có nghĩa là mang thai bé trai.

Trên thực tế, cũng chưa có tài liệu nào chứng minh điều này là đúng, tuy nhiên cơ chế xảy ra ốm nghén có liên quan đến sự tăng - giảm nồng độ hCG trong máu. Ốm nghén có liên quan đến nồng độ hCG và cũng liên quan đến nồng độ estrogen.

Bởi vậy, nếu mắc phải tình trạng ốm nghén, hãy cố gắng vượt qua bằng cách thiết lập chế độ ăn uống dinh dưỡng, đầy đủ, tìm cách giúp bản thân luôn vui vẻ, thoải mái để giảm bớt tình trạng này nhé các mẹ.

Tin đồn 6: Nếu không nghén thì sinh con kém thông minh hơn?
Việc mẹ bầu lo lắng con kém thông minh do mang thai không nghén là hoàn toàn không có cơ sở. Việc con thông minh hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có di truyền, dinh dưỡng, môi trường và quá trình dưỡng thai. Vì thế, chưa có bất kỳ nghiên cứu, bằng chứng khoa học nào chứng minh mang thai không nghén khiến con kém thông minh.

Điều tốt nhất các mẹ bầu nên làm trong giai đoạn này là hãy cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi thích hợp, sắp xếp thời gian hiệu quả để luôn đảm bảo sức khoẻ trong mọi tình huống nhé.

Nguồn Afamily