Cô giáo trẻ 'gieo mầm xanh trên đá' Vượt qua những khắc nghiệt và chênh vênh nơi rẻo cao miền biên giới huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kim Liên vẫn luôn tình nguyện bám trường, bám bản, cần mẫn “gieo chữ” cho các em nhỏ đồng bào người dân tộc thiểu số.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kim Liên cùng học trò vùng cao biên giới Chinh phục điểm trường cheo leo Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên (SN: 1987) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, nơi kinh tế và đường xá đi lại còn nhiều khó khăn. Chính bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, cô Liên đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo để thay đổi cuộc sống và giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Để hiện thực hóa ước mơ, cô Liên đã nỗ lực và cố gắng rất nhiều, sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp mầm non, trường Đại học Hùng Vương, cô được phân công về công tác tại một số điểm trường khó khăn của huyện Mèo Vạc, hiện nay cô đang là giáo viên tại điểm trường Nà Nũng A, trường mầm non Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cô Liên tâm sự, Thôn Nà Nũng A, xã biên giới Sơn Vĩ được biết đến là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó có tới 55/ 57 hộ dân thuộc hộ nghèo, 2 hộ còn lại là cận nghèo. Cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, không điện đường, không nước, không chợ, cuộc sống của người dân nơi đây muôn vàn khó khăn.
Con đường tới trường đầy vất vả và chông gai Điểm trường Nà Nũng A có tổng số 70 học sinh, 2 lớp ghép các trình độ, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Điểm trường cách trung tâm xã 11 km, với những con dốc hun hút, gấp khúc, xuyên qua cánh rừng rậm với một bên là núi đá cao chót vót, một bên còn lại là vực sâu thẳm. Việc đi lại, di chuyển vô cùng khó khăn, đặc biệt là những ngày mùa đông mưa rét, sương giá, có tuyết rơi. Thấu hiểu sự khắc nghiệt, khó khăn của học trò vùng cao biên giới, cô Liên lại càng muốn gắn bó để chia sẻ và giúp đỡ các con. Cô khẳng định: Khi đã lựa chọn con đường mà mình yêu thích, tôi sẽ nỗ lực, cố gắng hết mình, dốc lòng, dốc sức yêu nghề, mến trẻ để góp phần giúp đồng bào và học trò của mình thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. Mong trò có thêm nhiều “bữa ăn hạnh phúc” Bao nỗi vất vả chẳng thể nào kể hết, nhưng trong ánh mắt cô giáo trẻ vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả khi nhắc đến điểm trường Nà Nũng A thân thương. Cô Liên luôn đau đáu, xót xa trước thực trạng học sinh không đến lớp, hình ảnh các em nhỏ với cái bụng lép kẹp, áo không đủ ấm, bữa ăn chỉ có mèn mén chan nước lã. Học trò ở đây nghèo lắm, nhà cách trường xa, mới chỉ 3, 5 tuổi, nhưng những đôi chân bé xíu mòn mỏi leo trèo hết con dốc này đến con dốc khác để đến trường học, bữa ăn không đủ no, đương nhiên là các em sẽ không muốn đến trường trở lại.
Vừa là thầy giáo, cô giáo vừa là bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho học trò nghèo Để giúp các con có thể tiếp tục tới lớp, tiếp tục học tập, cô Liên không chỉ trèo đèo, lội suối vào tận nơi các em sinh sống để vận động học sinh quay lại trường. Đôi khi vì băng rừng mà bị ngã, rách quần áo, bị xua đuổi… nhưng khi thấy học trò quay lại lớp, cô không dấu được niềm xúc động vì hạnh phúc. Mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tuy nhiên cuộc sống của học trò miền biên giới vùng cao còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, cô đã chia sẻ hoàn cảnh khắc nghiệt của học trò tới bạn bè của mình, để cùng nhau chung tay giúp các con cải thiện bữa ăn. Đến nay, dưới sự hỗ trợ chung tay của cộng đồng, học trò điểm trường thôn Nà Nũng A đã có những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bữa ăn đã có thêm cơm, cá, các con cũng lần đầu tiên được uống sữa, ăn bánh… Cô Liên cho biết, sống trong khốn khó nhưng những đứa trẻ ở đây cũng rất hồn nhiên, khi được các thầy cô chăm sóc, được ăn những bữa trưa có cơm, có cá khiến chúng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Ở trường vừa được ăn ngon vừa được ăn no, vừa được chăm sóc về y tế, những đứa trẻ nơi núi rừng đã có thể vượt mọi gian khó để cùng lớn lên. Chúng tôi chỉ có một mong ước giản đơn đó là các con được no bụng khi có thêm nhiều “bữa ăn hạnh phúc” để yên tâm học hành.
Được sự hỗ trợ chung tay của cộng đồng, học trò điểm trường thôn Nà Nũng A đã có những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng Mặc dù phải chăm lo cho học sinh từ miếng ăn đến sức khỏe khiến cho công việc có phần vất vả hơn, nhưng cô Liên vẫn cảm thấy hạnh phúc. Bởi cô luôn có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía người chồng của mình là thầy giáo Nguyễn Đông Du dạy cấp tiểu học. Hai vợ chồng cùng dạy học, cùng công tác chuyên môn, dân vận nhờ đó mà họ có thêm sức mạnh và động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách. Gần 15 năm gắn bó với núi rừng biên giới, gắn bó với biết bao thế hệ học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên giờ đã trở thành người con của thôn Nà Nũng. Bất kể ai khi nhắc tới cô Liên cũng dành những lời khen ngợi về tấm lòng nhân ái, sẻ chia yêu thương. Bởi, cô không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ hiền, người sẵn sàng hi sinh tuổi xuân, tuổi trẻ để dùng nuôi dạy những đứa con khôn lớn. Cô giáo Mua Thị Cáy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang khẳng định: Bằng sự nhiệt huyết và tinh thần nghề nghiệp, sự quan tâm, yêu thương đối với học trò nghèo vùng cao, cô Liên và các thầy cô cắm bản vẫn đang từng ngày nỗ lực, vượt gian khó, mang cái chữ đến với đồng bào. Nhờ đó đã góp phần vun đắp, tạo tiền đề để học sinh vùng cao vượt qua những khó khăn, thách thức, để mạnh mẽ vươn lên xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, giúp các bản làng vùng sâu sớm thoát nghèo đi lên. Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-tre-gieo-mam-xanh-tren-da-post599799.html
|