Cách phòng viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi trong mùa hè
Mùa hè nắng nóng khiến nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con đi bơi, đi biển du lịch. Tuy nhiên, khi đi bơi không có các phương tiện bảo hộ - bảo vệ, cũng như việc vệ sinh không đúng cách sau khi bơi sẽ rất dễ mắc bệnh, nhất là bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ. 1. Nguyên nhân gây viêm tai giữa và những hệ lụy Nếu bơi ở sông, suối, biển... mà không có hiểu biết, có thể bị một số bệnh tai mũi họng thường gặp khi đi bơi trong mùa hè. Mũi họng là cửa ngõ của cơ thể tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vì thế, khi đi bơi ở môi trường ô nhiễm rất dễ bị mắc bệnh. Còn đối với viêm tai giữa, cũng có thể mắc nếu như nước ứ đọng trong tai không được cho ra ngoài. Bệnh viêm tai giữa nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, viêm xương chũm mãn tính, bị điếc... Ngoài đi bơi, các yếu tố khác như môi trường nóng, ẩm; có thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy tai trong ống tai bằng các dụng cụ cứng, viêm mũi họng không được điều trị... cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa.
2. Phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ Để phòng bệnh viêm tai giữa cũng như các bệnh tai mũi họng, cha mẹ cần chú ý những nguyên tắc sau: - Chọn điểm bơi an toàn, sạch sẽ Không nên cho trẻ bơi ở sông hồ tù đọng, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm. - Chuẩn bị và vệ sinh tai đúng cách trước và trong khi bơi Khi đi bơi cũng cần trang bị dụng cụ hỗ trợ bơi như mũ, kính bơi và nút tai. Trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào tai, mũi, họng. Nếu vô tình bị nước vào trong mũi, hãy bịt một bên lỗ mũi và xì nhẹ bên còn lại, để giúp nước thoát ra ngoài.
Còn nếu nước vào bên trong tai thì nghiêng đầu, kéo vành tai ra sau tạo thành một đường thẳng giúp cho nước dễ dàng chảy ra ngoài. Cần hướng dẫn trẻ có ý thức khi đi tắm trong hồ bơi: Không khạc nhổ, không hỉ mũi, không tiểu tiện trong hồ bơi. - Vệ sinh tai và cơ thể đúng cách sau khi bơi Sau khi ở hồ bơi lên: Nên xì mũi nhẹ, nghiêng đầu và nhảy cò để nước trong ống tai ngoài tự chảy ra, không ngoáy tai mạnh gây xây xước ống tai ngoài làm dễ nhiễm trùng. Tắm lại nước sạch với xà phòng tắm sau khi ở hồ bơi lên. Nhỏ mắt, lau tai khô và súc họng với nước muối sau khi đi bơi. Thời gian tắm trong hồ bơi có giới hạn (trẻ dưới 5 tuổi: < 30 phút, trẻ > 5 tuổi: < 60 phút). Lưu ý: Không dùng các dụng cụ không đảm bảo vệ sinh để ngoáy tai cho trẻ. Có thể lấy que tăm bông đặt nhẹ ở ống tai ngoài một lúc để hút nước trong tai ra. Không ngoáy sâu vào tai của trẻ, tránh đẩy bụi bẩn và tác nhân gây bệnh vào sâu hơn. 3. Lời khuyên của thầy thuốc Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi đi bơi để phát hiện bệnh và điều trị bệnh kịp thời. Khi có các triệu chứng bệnh như trên, nên nghỉ đi bơi. Tìm đến bác sĩ tai mũi họng để được tư vấn và điều trị đúng. Khi nào lành bệnh hẳn, mới được đi bơi trở lại.
|