Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ


 

Cha mẹ cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, đúng giờ, dùng bữa cùng các thành viên giúp bé thích thú với thực phẩm, giảm kén ăn.

Tạo thói quen ăn uống lành mạnh là điều quan trọng để trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu. Điều này giúp xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính sau này.

Trẻ em trên một tuổi sẽ nhận hầu hết dinh dưỡng từ thức ăn để đáp ứng nhu cầu vitamin, khoáng chất. Vì vậy, bé cần ăn thực phẩm giàu protein, carbs, trái cây, rau, chất béo lành mạnh. Số lượng của mỗi nhóm thực phẩm khác nhau tùy theo độ tuổi, giới tính, mức độ vận động, theo Healthline.

Đa dạng thực phẩm

Một trong những cách tốt để khuyến khích bé ăn uống lành mạnh là cung cấp nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn chính, bữa ăn nhẹ. Cha mẹ cho con làm quen với trái cây hoặc rau, protein như: thịt, cá, thịt gia cầm, đậu phụ, rau hoặc ngũ cốc giàu tinh bột: khoai tây, khoai lang, hoặc gạo. Nguồn chất béo cho bé là dầu, quả hạch, bơ hạt hoặc bơ.

Nếu bé không thử, không thích một loại thức ăn trong lần đầu tiên (hoặc thậm chí thứ ba), thì cha mẹ hãy tiếp tục nấu cho con những loại thức ăn đó trong bữa ăn chính hoặc bữa phụ. Một số trẻ có thể phải tiếp xúc với thực phẩm 8-15 lần trước khi quyết định ăn.

Cha mẹ chú trọng cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn nên cho bé tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm, giúp trẻ hiểu biết, xây dựng mối quan hệ lành mạnh với thức ăn.

Tuy nhiên, phụ huynh nên hạn chế thêm đường cho đến khi trẻ 2 tuổi. Bởi vì thực phẩm có đường có thể thay thế thực phẩm khác giàu dinh dưỡng hơn trong chế độ ăn, làm tăng nguy cơ sâu răng, rối loạn chuyển hóa. Thỉnh thoảng, bé có thể thưởng thức thức ăn có thêm đường, cha mẹ cố gắng giữ lượng đường thêm vào ít hơn 10% tổng lượng calo cho bé.


Việc dùng bữa cùng gia đình giúp bé hiểu biết về thực phẩm, gắn kết tình cảm với người thân. Ảnh: Freepik

Xây dựng lịch trình bữa ăn

Lịch ăn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bé xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, tăng cường sức khỏe tổng thể. Với trẻ em, việc tạo một thói quen về giờ ăn giúp bé giảm kén ăn, tăng cảm giác thích thú với thực phẩm. Lịch trình bữa ăn sẽ thay đổi theo độ tuổi, lịch sinh hoạt của gia đình nhưng hầu hết trẻ sẽ hưởng lợi từ việc ăn ba bữa chính, hai bữa phụ.

Cụ thể, một một lịch biểu mẫu: bé ăn sáng lúc 7 giờ; ăn nhẹ: 9-9 giờ 30 sáng; bữa trưa: 12 giờ; ăn nhẹ: 3 giờ chiều; bữa tối: 6 giờ chiều.

Dùng bữa cùng gia đình

Dùng bữa cùng gia đình mang lại nhiều lợi ích cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Bữa ăn giúp cha mẹ, anh chị em, các thành viên khác trong gia đình duy trì hành vi ăn uống lành mạnh. Đây cũng là cơ hội để nói chuyện tích cực về thực phẩm, kết nối các thành viên.

Bữa ăn gia đình cũng liên quan đến thói quen ăn uống tốt, chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ ăn cùng gia đình sẽ cảm thấy thích thú hơn với thức ăn.

Nếu lịch trình của gia đình khiến các thành viên khó dùng bữa cùng nhau, bố mẹ nên cố gắng sắp xếp thời gian để duy trì những bữa ăn gia đình. Phụ huynh có thể ăn sáng với con, cùng dùng bữa, nấu ăn vào cuối tuần hoặc một số bữa trong tuần.

Nguồn VNE