Cách bổ sung acid folic cho thai kỳ khỏe mạnh
Chị em bổ sung ít nhất 600 mcg acid folic trước và trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, dị tật tim, hở hàm ếch, sứt môi... cho con. Acid folic là một vitamin B có trong thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng dưới dạng tổng hợp của vitamin B9 (folate). Cơ thể sử dụng acid folic để tạo ra các tế bào mới, sản xuất DNA, cần thiết cho cơ thể duy trì sự sống. Ở nữ giới, bổ sung acid folic đóng vai trò quan trọng trước, trong khi mang thai, giúp các cơ quan, cơ thể của em bé phát triển bình thường, khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy, mẹ bầu bổ sung acid folic trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh cho ống thần kinh, phòng chứng thiếu não ở trẻ sơ sinh. Ở trẻ sơ sinh, ống thần kinh phát triển thành tủy sống và não 28 ngày sau khi thụ thai. Các khuyết tật ống thần kinh có thể xảy ra trong khoảng thời gian này nếu không phát triển đúng cách, gây khuyết tật não khiến trẻ chậm phát triển hoặc phát triển không bình thường. Một số trường hợp không qua khỏi. Trẻ sinh ra bị nứt đốt sống hoặc viêm não có thể phải cần thực hiện phẫu thuật, bị bại liệt và tàn tật lâu dài.
Theo một đánh giá nghiên cứu tại Trung Quốc, bổ sung acid folic cho mẹ giúp giảm đáng kể nguy cơ dị tật tim bẩm sinh cho con. Báo cáo từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy, cứ 1.000 ca sinh thì có 8 trẻ bị dị tật. Dị tật tim bẩm sinh xảy ra khi tim hoặc mạch máu không phát triển bình thường trước khi bé chào đời, tác động đến các thành bên trong tim, van tim, động mạch hoặc tĩnh mạch của tim. Nghiên cứu cũng cho biết, bổ sung acid folic trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa sứt môi và hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh. Các dị tật bẩm sinh này thường gặp ở trẻ khi giai đoạn 6-10 tuần đầu thai kỳ do miệng và môi thai nhi không được tạo thành đúng cách. Phụ nữ mang thai cần bao nhiêu acid folic? Đại học Sản phụ khoa (Mỹ) cho biết, chị em mang thai nên bổ sung ít nhất 600 microgam (mcg) acid folic mỗi ngày. Việc uống acid folic sau khi mẹ phát hiện mình mang bầu có thể chưa đủ sớm, bởi dấu hiệu mang thai ở các chị em là khác nhau. Nhiều trường hợp, mẹ có thai hơn 6 tuần hoặc lâu hơn mới nhận thấy đang trong thai kỳ, trong khi dị tật ống thần kinh có thể xảy ra trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Để đảm bảo cơ thể mẹ bầu có đủ acid folic phòng khuyết tật ống thần kinh, CDC khuyến nghị phụ nữ dự định mang thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ nên uống 400 mcg acid folic mỗi ngày. Nếu mẹ không may từng sinh nở trẻ có khuyết tật ống thần kinh, người mẹ có thể lắng nghe tư vấn từ bác sĩ sản khoa về lượng acid folic phù hợp cần nạp từ trước thai kỳ kế tiếp. Một số trường hợp chị em mắc các bệnh thận, hồng cầu hình liềm, bị bệnh gan, hay có thói quen uống thức uống có cồn có thể được khuyến nghị bổ sung nhiều acid folic hơn. Phụ nữ đang dùng thuốc điều trị bệnh động kinh, bệnh tiểu đường loại 2, bệnh lupus, vẩy nến, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hen suyễn hoặc viêm ruột cũng nên cân nhắc bổ sung acid folic đúng cách theo khuyến nghị của chuyên gia y tế. Các thực phẩm chứa acid folic Nguồn folate tự nhiên có trong đa dạng các loại rau lá xanh, củ cải đường, bông cải xanh. Ngũ cốc, cơm, nước cam, mì ống cũng được các chuyên gia dinh dưỡng cho biết cũng chứa acid folic. Nhiều khẩu phần ngũ cốc ăn sáng tăng cường chứa 100% acid folic trong ngày cho người trưởng thành. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, thức ăn tự nhiên cũng không đảm bảo được lượng acid folic cơ thể cần nạp trong ngày. Do đó, chị em thường được bác sĩ khuyến nghị bổ sung acid folic hoặc vitamin trước và trong thai kỳ. Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (Mỹ) cho biết, tuy có thể nạp ít folate tự nhiên từ thực phẩm, chị em cũng không nên tiêu thụ hơn 1.000 mcg (1 mg) acid folic mỗi ngày. Tuy không có cách tuyệt đối ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh có thể xảy đến với thai nhi, chị em có kế hoạch mang thai trong tương lai nên cân nhắc việc bổ sung vitamin vào chế độ ăn uống hàng ngày. Viên uống acid folic có dạng viên nang, viên nén và viên nhai, bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn định lượng acid folic phù hợp với thể trạng mỗi cá nhân. Nguồn VNE |