Cách ăn uống giúp kiểm soát cân nặng ở trẻ béo phì
Nhịp sống hiện đại cùng với sự bùng nổ của các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ uống công nghiệp đã làm gia tăng số lượng trẻ thừa cân, béo phì. Béo phì gây nhiều rủi ro cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vậy phải làm gì để kiểm soát cân nặng, bảo vệ sức khỏe của trẻ? 1. Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em Theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên bộ môn Nhi, chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em. Ngoài một số yếu tố về di truyền thì nguyên nhân chủ yếu do lối sống ít vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhất là việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều calo, đường và chất béo không lành mạnh trong chế độ ăn uống hàng ngày… Một số nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em là do trẻ ít vận động. Trẻ em xem tivi lâu hơn một giờ mỗi ngày có xu hướng có chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng như huyết áp cao hơn. Và thông thường, thời gian ngồi trước tivi nhiều hơn cũng có liên quan đến việc lựa chọn thực phẩm kém chất lượng, dẫn đến thừa cân và béo phì ở trẻ.
TS. BS Trần Thị Bích Nga Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng không hợp lý với việc lựa chọn thực phẩm giàu calo cũng có liên quan đến chứng béo phì ở trẻ em. Việc tiêu thụ đồ uống có đường nhận được rất nhiều sự quan tâm và nghiên cứu, chỉ ra rất nhiều mối liên quan giữa việc tiêu thụ chúng và bệnh béo phì cả ở trẻ em và người lớn. Trên thực tế, việc tiêu thụ đồ uống có đường được coi là rất nguy hại đối với sức khỏe và là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì ở trẻ. Cần lưu ý danh mục đồ uống có đường bao gồm cả nước ngọt có gas, nước trái cây thêm đường, nước trái cây đóng hộp thường chứa nhiều đường bổ sung.
Lạm dụng thực phẩm giàu calo, đồ uống có đường khiến trẻ béo phì. Ảnh minh hoạ 2. Những rủi ro về sức khỏe khi trẻ thừa cân, béo phì Có rất nhiều nguy cơ sức khỏe liên quan đến bệnh béo phì ở trẻ em, cả nguy cơ trước mắt và lâu dài. Trẻ béo phì dễ bị tăng huyết áp và cholesterol trong máu cao. Cả hai đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch trong tương lai. Trẻ em béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn những trẻ bình thường. Đái tháo đường cũng là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch. Đây là một căn bệnh khác với các nguy cơ ảnh hưởng lâu dài nghiêm trọng. Ngoài ra, trẻ em bị béo phì có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hô hấp, ví dụ như hen suyễn và chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Những đứa trẻ này cũng có nhiều khả năng bị các vấn đề về khớp và bệnh gan nhiễm mỡ hơn… 3. Trẻ béo phì nên ăn uống thế nào để kiểm soát cân nặng? TS. BS Trần Thị Bích Nga cho biết, để kiểm soát cân nặng và hạn chế những rủi ro về sức khỏe, trẻ béo phì cần được khám các chuyên khoa Nhi, dinh dưỡng, tâm lý… để có giải pháp can thiệp phù hợp. Trong đó quan trọng là cha mẹ cần tạo cho trẻ một lối sống khoa học, tăng cường vận động thể chất và thực hiện chế độ ăn uống phù hợp để giảm cân lành mạnh. Trẻ vẫn cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần cân đối, đa dạng các nhóm thực phẩm như: · Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); · Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...); · Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); · Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...). Không có chế độ ăn kiêng nào được coi là chế độ ăn uống tốt nhất để điều trị béo phì. Tuy nhiên, có một số hướng dẫn chung để giảm cân lành mạnh, bao gồm: 3.1. Tăng cường ăn rau và trái cây Cố gắng tránh các loại thực phẩm có mật độ năng lượng cao nhưng ít dinh dưỡng như đồ ăn chế biến sẵn. Thay vào đó, hãy lựa chọn cho trẻ ăn những loại thực phẩm có ít calo hơn nhưng nhiều dinh dưỡng, chất xơ và nhiều vitamin hơn như rau và trái cây.
Tăng cường cho trẻ ăn rau và trái cây để kiểm soát cân nặng. 3.2. Bổ sung chất xơ vào bữa ăn của trẻ Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo vào bữa ăn của trẻ giúp trẻ no lâu, giảm cơn đói và hạn chế phải ăn thêm các bữa phụ hoặc các thức ăn vặt khác. Cố gắng cho trẻ ăn thêm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu để tăng cường protein và chất xơ. Đối với trái cây, nên ăn cả xác thay vì ép lấy nước, đậu đỗ thì cho trẻ ăn cả vỏ… để tận dụng chất xơ. 3.3. Hạn chế tối đa thức ăn nhanh Sử dụng thức ăn nhanh nhiều chất béo, calo và carbs đã qua chế biến hơn mức cơ thể cần trong một bữa ăn khiến trẻ nhanh chóng tăng cân và béo phì. Đối với trẻ béo phì lại càng cần phải hạn chế tối đa loại thực phẩm này. Hầu hết thức ăn nhanh, bao gồm cả đồ uống và đồ ăn vặt như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, trà sữa… đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ. Khi tiêu hóa những thực phẩm này, carbs được giải phóng dưới dạng glucose (đường) vào máu dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu gây bệnh đái tháo đường. Thực phẩm công nghiệp, chế biến sẵn đều có chứa hàm lượng muối cao và chất bảo quản. Nếu sử dụng thường xuyên dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch. Thức ăn nhanh thường chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch, đái tháo đường.
Trẻ béo phì cần hạn chế tối đa thức ăn nhanh. 3.4. Tránh ăn đồ ngọt, đồ uống có đường Nghiên cứu cho thấy, ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Thực phẩm chứa nhiều đường như: bánh, kẹo, đồ uống có đường, nước ngọt có gas… không chỉ thay thế các nhóm thực phẩm thiết yếu như protein, trái cây, rau, sữa và ngũ cốc nguyên hạt, chúng còn làm cạn kiệt vitamin khỏi cơ thể trong quá trình tiêu hóa, ví dụ như vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose. Trong khi đó, trẻ em đang tuổi lớn rất cần protein để phát triển cơ bắp và chất béo lành mạnh để hỗ trợ não và hệ thần kinh. Một đứa trẻ thường xuyên uống nước ngọt thay vì sữa thường sẽ thiếu canxi cần thiết cho răng và xương chắc khỏe. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên lựa chọn các thực phẩm nguyên chất như sữa không đường thay vì sữa có hương vị, nước tinh khiết thay cho nước ngọt, nước sốt không đường, hoặc trái cây tươi thay vì nước trái cây đóng hộp để loại bỏ lượng đường dư thừa, giúp bảo vệ sức khỏe và kiểm soát cân nặng ở trẻ. Phương Anh Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cach-an-uong-giup-kiem-soat-can-nang-o-tre-beo-phi-169220629230338814.htm
|