Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu hiệu và cách phòng nhiễm trùng tai ở trẻ



Dị ứng, cảm lạnh, môi trường sống... khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng tai vì hệ thống miễn dịch yếu trước sự tấn công của nhiều loại virus, vi khuẩn.

Nhiễm trùng tai là tình trạng viêm tai giữa, thường do vi khuẩn gây ra và xảy ra khi chất lỏng tích tụ sau màng nhĩ. Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn vào mùa thu và mùa đông do nhiệt độ xuống thấp, nắng mưa thất thường dễ khiến trẻ cảm lạnh, cảm cúm. Các bệnh này thường gây nghẹt mũi và sưng tấy ở mũi, cổ họng. Khi chất lỏng tích tụ và không thoát ra ngoài hiệu quả, nó có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng tai.

Trẻ nhỏ thường dễ bị nhiễm trùng tai nhiều hơn vì vòi tai của chúng ngắn và nằm ngang hơn so với người lớn. Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn đang phát triển nên không hoạt động hiệu quả bằng hệ thống miễn dịch của người lớn. Theo tờ Verywell Health (Mỹ), nhiễm trùng tai xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi và phổ biến ở trẻ em dưới 8 tuổi.

Các triệu chứng gồm đau tai, sốt hoặc khó ngủ, có chất lỏng màu vàng chảy ra từ tai, phản ứng chậm với âm thanh... Bạn có thể nhận thấy tiếng khóc nhiều hơn khi con nằm xuống. Điều này là do áp lực tai tăng, dẫn đến tăng cảm giác đau và khó chịu khi bị nhiễm trùng tai. Nếu con còn quá nhỏ, bé sẽ không thể nói với cha mẹ rằng đang bị đau tai. Bạn nên tìm kiếm các dấu hiệu như con giật mạnh bên tai bị đau.

Dưới đây là một số nguyên nhân và biện pháp có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai cho trẻ.

Cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng

Khi con bạn cảm, dị ứng với thời tiết, nghẹt mũi và cổ họng bị sưng tấy dẫn đến chất lỏng trào ngược vào tai. Chất lỏng tích tụ và không thoát ra ngoài hiệu quả làm tăng khả năng nhiễm trùng.

Ngăn ngừa cảm cúm bằng cách tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên và rửa bằng xà bông trong ít nhất 30 giây. Hạn chế để con bạn tiếp xúc với những trẻ đang bị cúm. Tránh cho trẻ dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với bất kỳ ai khác giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng và phòng ngừa cảm lạnh hoặc cúm. Phụ huynh tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về các lựa chọn để điều trị dị ứng cho bé.

Tiêm ngừa vaccine cũng bảo vệ trẻ chống lại nhiều loại virus hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi nên được tiêm ngừa và bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em được tiêm chủng ít bị nhiễm trùng tai hơn nhiều so với trẻ em không được tiêm chủng.

Bú bình và núm vú giả

Nếu trẻ em bú bình khi đang nằm có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tai. Vì sữa trào ngược vào tai gây tích tụ dễ dẫn đến nhiễm trùng. Bạn nên cho con bú ở tư thế đầu cao hơn bụng, giúp ngăn chất lỏng trào ngược vào tai. Nuôi con bằng sữa mẹ có thể ngăn ngừa nhiễm trùng tai vì các kháng thể mà con bạn nhận được có thể chống lại nhiều loại virus và vi khuẩn.

Sử dụng núm vú giả không vệ sinh kỹ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây ra các bệnh viêm đường hô hấp. Cha mẹ nên rửa sạch và khử trùng núm vú giả trước khi trẻ ngậm để ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn làm viêm tai giữa.

Ô nhiễm không khí

Khói thuốc lá và các loại ô nhiễm không khí khác làm tăng khả năng bị nhiễm trùng tai của trẻ. Do đó, người lớn tránh hút thuốc lá khi gia đình có trẻ nhỏ.

Nhiều bệnh nhiễm trùng tai có thể tự khỏi. Một số trường hợp viêm tai giữa cần dùng kháng sinh hoặc đặt ống tai nếu tình trạng trở nặng. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhiều hậu quả như thủng màng nhĩ, mất thính lực, nhiễm trùng lây lan... Nhiễm trùng tai mạn tính có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn nếu không được điều trị. Nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác của đầu hoặc khiến màng nhĩ bị vỡ. Đôi khi, nếu tình trạng viêm tai mạn tính không được điều trị trong một thời gian dài có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.

Nếu bác sĩ nhi khoa kê đơn cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, bạn cần cho con dùng thuốc theo đúng chỉ định. Liệu trình thông thường của thuốc kháng sinh là 10 ngày và phải uống hết đơn thuốc. Con bạn có thể cảm thấy chuyển biến tốt hơn trong vòng vài ngày.

Nguồn VNE