Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều phụ huynh chọn thể thao để rèn ý chí cho con


Nhiều phụ huynh chọn thể thao để rèn ý chí cho con

Có một sự thật là, ý chí hoàn toàn có thể được nuôi dưỡng. Bởi ý chí vốn không phải là điều chỉ số ít người mới có, mà ngược lại, ai cũng có thể nuôi dưỡng ý chí, học tập và rèn luyện để đạt được thành quả xứng đáng và lâu dài.

Ý chí có thể được nuôi dưỡng trong mỗi đứa trẻ

Theo một nghiên cứu trên gần 1.000 người ở Mỹ từ lúc sinh ra cho đến năm 32 tuổi, sức mạnh ý chí là yếu tố quan trọng hàng đầu trong kiểm soát sức khỏe và có tiềm năng tạo ra những giá trị khác biệt. Cũng theo một nghiên cứu khác được phụ trách bởi nhóm các nhà khoa học Mỹ, Hà Lan, và Đan Mạch cho thấy sức mạnh ý chí được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ sẽ tạo ra những thế hệ người trưởng thành có khả năng vượt khó, tự chủ, độc lập và thành công hơn.

Trong cuốn sách "Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người", Giáo sư Tâm lý học Roy F. Baumeister và Nhà báo John Tierney - đồng tác giả cuốn sách đã chỉ ra rằng, sức mạnh ý chí cũng giống như cơ bắp, sẽ trở nên mệt mỏi do sử dụng nhiều nhưng cũng có thể tạo nên sự dẻo dai, được củng cố về lâu dài thông qua luyện tập. Cụ thể trong thí nghiệm năm 1999, một nhóm sinh viên được yêu cầu cố gắng thay đổi tư thế ngồi tốt hơn. Kết quả là sau hai tuần, nhóm sinh viên này đã có sự thay đổi đáng kể về khả năng tự điều khiển bản thân. Điều này hoàn toàn mở ra khả năng làm chủ bản thân sẽ tốt hơn khi thông qua luyện tập.

Qua một số thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 4 nguyên lý tác động đến sức mạnh ý chí bao gồm: Giới hạn của ý chí, sự hấp thu năng lượng, sự phân tán và vai trò quan trọng của tập luyện.

 

Dũng cảm khi dám bước chân ra khỏi vùng an toàn để chinh phục mục tiêu sẽ giúp trẻ thấy được sức mạnh lớn lao của nội lực bên trong.

Hay như chuyên gia về tâm lý học PGS. TS. Trần Thành Nam nhận định, năng lực và tài năng của con người thực chất không phụ thuộc vào yếu tố bẩm sinh di truyền mà phụ thuộc vào thái độ và nỗ lực của chúng ta hằng ngày. Ngoài IQ (chỉ số thông minh) còn có PQ (chỉ số đam mê) và AQ (chỉ số vượt khó). Có một công việc dễ dàng sẽ không đem lại cho chúng ta sự bứt phá. Trái lại, với những người thành đạt trong cuộc sống thì chỉ số vượt khó của họ rất cao.

Cũng với quan điểm trên, TS. Tô Nhi A cho rằng: "Thực tế mỗi đứa trẻ là một tờ giấy trắng. Đứng dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau thì mỗi đứa trẻ sẽ là một loại giấy khác nhau. Cha mẹ buộc phải xác định xem con mình đang thuộc loại chất liệu giấy nào để hành trình tiếp ý chí là một hành trình vừa sức với trẻ."

Rèn ý chí, luyện tinh thần cho trẻ từ chính thể thao

Thực tế, thể thao được coi là một trong những môi trường thực tiễn nhất để rèn ý chí cho trẻ bởi mỗi môn thể thao đều có một thách thức và đòi hỏi riêng để trẻ làm chủ môn đó. Đơn cử, võ thuật đòi hỏi sự kỷ luật, chịu đựng cường độ luyện tập cao nhưng sẽ giúp đào tạo trẻ trở nên điềm đạm, không nổi nóng và luôn bình tĩnh trước những biến cố; bơi lội đòi hỏi trẻ phải vượt qua tâm lý sợ nước, bền bỉ quyết tâm để thắng lực cản của nước hay bóng rổ đòi hỏi sự khéo léo, luyện tập chăm chỉ, tinh thần thép để vượt qua mọi chướng ngại vật và đưa bóng đến đích…

Thông qua quá trình luyện tập các môn thể thao, trẻ có thể duy trì sự bền bỉ ngày này qua ngày khác, vượt qua chính bản thân mình mỗi ngày và trải qua những giây phút thất bại, nỗ lực và cả thành công. Đó là lý do trong các trường học Nhật Bản từ mầm non đến phổ thông đều rất chú trọng vào rèn luyện thể lực và các môn thể thao. Có đến 90% cha mẹ Nhật cho con mình học bơi - một trong những môn thể thao rèn thể lực tốt nhất, bền bỉ nhất.

 

Không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất, thể thao còn giúp trẻ duy trì ý chí nghị lực tinh thần để phục vụ cho các mục tiêu lâu dài khác trong cuộc sống.

Bản thân các phụ huynh chính là nguồn tiếp dưỡng ý chí cho con về mặt tinh thần (khích lệ, tưởng thưởng) và cả sức khỏe (tiếp năng lượng, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ) để con có động lực rèn luyện ý chí, sức bền qua từng ngày.

"Cha mẹ cần phải giảm một chút kỳ vọng và tăng lên một chút kỳ công, giảm một chút chỉ trích để tăng lên một chút chỉ dẫn. Con phải được rèn luyện về sức khỏe thể chất, tính kiên cường. Rèn luyện tâm là để con yêu thương, chia sẻ và biết quan tâm. Rèn luyện tuệ là rèn tài năng, trí tuệ và sáng tạo. Con đường giúp con trưởng thành qua 3 yếu tố này luôn cần phải có sự đồng hành bền bỉ từ cha và mẹ." PGS. TS. Trần Thành Nam chia sẻ thêm.

Ý chí đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách và sự thành công của mỗi đứa trẻ trong tương lai, do đó việc giúp con nuôi dưỡng ý chí ngay từ khi còn nhỏ cần được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn nữa. Hành trình rèn ý chí bền bỉ thông qua thể thao của con cũng vậy, cần sự tiếp dưỡng từ ba mẹ, vừa là bạn đồng hành, vừa là người nuôi dưỡng cơ thể con có đầy đủ dinh dưỡng để việc tập luyện thể thao của con hiệu quả hơn.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhieu-phu-huynh-chon-the-thao-de-ren-y-chi-cho-con-20220614100511570.htm