Cách phòng đậu mùa khỉ ở trẻ em
Bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong không cao nhưng có thể nguy hiểm hoặc để lại biến chứng nặng trên một số đối tượng như trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn, thông báo về tình trạng bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại châu Phi, lây lan sang các quốc gia châu Âu. Tính đến ngày 8/6, WHO ghi nhận 1.285 ca bệnh đậu mùa khỉ từ 28 quốc gia trong bốn khu vực. Theo BS Phan Thị Thu Minh - Phó Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Việt Nam tuy chưa phát hiện ca bệnh nhưng vẫn cần theo dõi sát sao, chủ động phòng ngừa bệnh, tích cực cập nhật các biện pháp ứng phó bệnh khi cần thiết. Bác sĩ Phan Thị Thu Minh cho biết, bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đối tượng trong đó có trẻ em. Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi, dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở, sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh. Cùng với các nhóm đối tượng như phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe liên quan, trẻ em là nhóm đối tượng dễ có nguy cơ gặp biến chứng nặng khi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các biến chứng có thể gặp bao gồm nhiễm trùng máu, viêm phế quản, viêm mô não, mất thị lực... Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ Hiện nay, theo bác sĩ Phan Thị Thu Minh, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ, chưa có vaccine phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine ngừa đậu mùa cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh cũng nên lưu ý tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ hoặc nghi ngờ mắc bệnh hoặc chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn chín uống sôi, không ăn động vật chưa qua kiểm định nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cha mẹ khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác cũng là một yếu tố giúp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả hơn. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng bệnh, nên cho bé tự cách ly, liên hệ ngay đến cơ quan y tế để nhận hỗ trợ.
Bệnh đậu mùa khỉ do chủng virus thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae (có họ hàng với bệnh đậu mùa phổ biến) gây ra. Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên gọi là bệnh đậu mùa khỉ. Theo bác sĩ Thu Minh, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan khi gần gũi, tiếp xúc với dịch tiết, các giọt bắn qua đường hô hấp, máu... của người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng của người bệnh như khăn mặt, chăn ga, nệm, gối, quần áo... Ngoài ra, người bị động vật nhiễm bệnh cắn, cào cấu hoặc ăn phải động vật nhiễm bệnh cũng có nguy cơ mắc bệnh. "Nếu trẻ mắc bệnh đậu mùa khỉ, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 5-21 ngày. Trong một số trường hợp, thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 7-14 ngày", bác sĩ Thu Minh cho biết. Khi mắc bệnh đậu mùa khỉ, đầu tiên trẻ sẽ có các triệu chứng sốt rồi cảm thấy mệt mỏi uể oải, đau đầu, đau mỏi các cơ, ớn lạnh... Sau 1-3 ngày tính từ thời điểm sốt, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chủ yếu là ở mặt (95%), lòng bàn tay, bàn chân (75%). Ngoài ra, trẻ còn có thể phát ban ở cơ quan sinh dục. Các nốt phát ban sẽ chuyển từ mụn nước rồi sưng đỏ sang mụn mủ và cuối cùng khô lại, đóng vảy, xẹp xuống. Trong thời gian này, không nên thoa bất cứ thuốc gì lên các nốt ban mà cứ để tự nhiên. Theo bác sĩ Thu Minh, trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác. Tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế do hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em thường dễ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với trẻ vị thành niên và người trưởng thành. Virus cũng có thể truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở hoặc tiếp xúc vật lý sớm. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần, người nhiễm bệnh có thể phục hồi sau 2-4 tuần. Tuy nhiên, ở một số người, chúng có thể dẫn đến các biến chứng y khoa, thậm chí là tử vong. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm: nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Trẻ sơ sinh, trẻ em, người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng, tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan giữa người với người hơn so với Covid-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Người dân không nên chủ quan vì người có hệ miễn dịch kém, trẻ em hoặc người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus... có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và để lại biến chứng nguy hiểm.
Để tầm soát, chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh xem có từng mắc bệnh không, có tiếp xúc với người bệnh, có bị động vật cắn hay không... Sau đó, chuyên gia sẽ tiến hành xét nghiệm PCR và sinh thiết để kiểm tra virus bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể. Thông thường, quá trình tầm soát bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ không chỉ định xét nghiệm máu do virus gây bệnh thường chỉ lưu lại trong máu một thời gian ngắn, khó phát hiện, chẩn đoán. Nguồn VNE |