Nhiều mẹ bầu cảm thấy tự ti vì mình xấu đi trông thấy. Cơ thể thay đổi khủng khiếp đến nỗi biến dạng cả con người: Mũi cà chua, 2 chân phù như chân voi, ngón tay mập ú không đeo được nhẫn... 1. Các biểu hiện mẹ bầu hóa "Thị Nở" Biểu hiện phù nề ở phụ nữ mang thai thể hiện rõ nhất trên mặt và tay chân, ngoài ra còn nhiều bộ phận khác: - Mũi: Cánh mũi bạnh ra, nở to bất thường và luôn đỏ như trái cà chua ngự trị trên khuôn mặt. Hiện tượng này là do các mạch máu mũi phình ra, làm tăng áp lực, nguyên nhân khiến chúng dễ bị vỡ. Nếu mạch máu vỡ, mẹ cũng không cần lo lắng, hãy dùng đá lạnh đắp lên mũi và lưu ý luôn giữ ẩm cho mũi. - Mặt: Gương mặt trở nên "bánh bao" hơn. - Môi: Môi mẹ có thể sẽ tều ra trong thời kỳ mang thai. - Ngực: Đây cũng là bộ phận sưng to và trở nên nhạy cảm hơn sau khi mẹ có thai. Triệu chứng sưng đau có thể xuất hiện sớm nhất vào khoảng 1-2 tuần sau khi thụ thai, sau đó từ tuần thứ 6 đến thứ 8, bầu ngực mẹ có thể sẽ sưng hơn và tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ. Ngực mẹ sẽ trở lại khi dừng cho con bú.
- Chân: Các mẹ thường ví chân mình là "chân voi" trong thời kỳ mang thai. Bởi từ bắp chân, mắt cá chân, bàn chân, ngón chân... đều bị phù lên. Ba tháng giữa là khoảng thời gian hiện tượng phù có thể thấy rõ, nhưng phù chân thường xuất hiện khi mẹ bầu mang thai từ tháng thứ 5 trở đi, trừ trường hợp thai phụ đứng rất nhiều hoặc thời tiết nóng bức. Với ba tháng cuối thai kỳ, hiện tượng phù chân khi mang bầu xuất hiện rõ nhất, và phổ biến nhất. Càng tiến gần tới thời điểm chuyển dạ thì phù chân sẽ ngày càng nặng hơn, và thường sau khi sinh nở từ vài ngày tới vài tuần thì tình trạng phù cũng tự biến mất. 2. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị phù nề khi mang thai Có rất nhiều yếu tố khác nhau gây nên hiện tượng phù ở mẹ bầu: - Khi mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất thêm 50% lượng máu và chất lỏng bổ sung để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thai nhi, đồng thời giúp làm mềm cơ thể mẹ khi phải giãn nở để tạo thêm không gian chứa em bé. Chất lỏng bổ sung này cũng giúp khớp xương chậu và các mô tế bào giãn ra khi em bé chào đời và đó là nguyên nhân gây phù nề cho mẹ bầu. - Tử cung phát triển to dần lên (vì thai nhi lớn dần lên), tạo áp lực lên các tĩnh mạch, gây ảnh hưởng tới dòng máu theo tĩnh mạch quay trở về tim. - Các thay đổi về nội tiết tố cũng đóng một vai trò nhất định. - Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khách quan khiến cho tình trạng phù ở mẹ bầu trầm trọng hơn đó là: + Mẹ bầu thường xuyên phải đứng trong suốt thai kỳ. + Chế độ ăn ít kali. + Sử dụng đồ uống có chứa caffein. + Ăn mặn. + Làm nhiều việc nặng, vất vả. + Thời tiết nóng nực. 3. Trường hợp phù nề nào mẹ bầu cần đi khám bác sĩ? Phù nề là hiện tượng rất bình thường và phổ biến khi mang thai. Tuy nhiên, phù cũng có thể là biểu hiện của tình trạng nào đó nghiêm trọng hơn, mà điển hình là tiền sản giật, do đó hãy đi thăm khám bác sĩ ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau: - Phù xuất hiện đột ngột ở tay, chân, mặt hoặc quanh mắt, mức độ tăng nặng nhanh chóng. - Chóng mặt hoặc nhìn mờ. - Đau đầu nghiêm trọng - Bất tỉnh. - Khó thở. Nếu để ý thấy phù chỉ xuất hiện ở một bên chân, đi kèm cùng các dấu hiệu đau, nóng, đỏ thì thai phụ nên cảnh giác bản thân đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis - DVT). Nguy cơ xuất hiện huyết khối ở phụ nữ đang mang thai cao hơn so với bình thường. Nếu thấy hiện tượng bất thường, mẹ bầu nên đi khám bác sĩ luôn. 4. Cần làm gì để giảm hiện tượng phù khi mang thai Để giúp hạn chế tình trạng phù nề, sưng to và gây cảm giác nặng nề, mệt mỏi, mẹ bầu có thể tham khảo những gợi ý sau đây: - Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất. - Nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe: Việc nghỉ ngơi và có chế độ sinh hoạt điều độ sẽ giúp giảm sưng phù, tránh mệt mỏi cho mẹ bầu. - Mặc đồ thoải mái: Khi bị phù nề, cơ thể người mẹ sẽ phình to hơn bình thường. Vì vậy cần chọn mặc những loại quần áo rộng rãi, thoải mái, chất vải thoáng mát. Tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giầy chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt lấy cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng. - Giảm áp lực lên 2 chân: Khi mang thai mẹ bầu không nên đứng quá lâu. Khi ngồi mẹ bầu hãy chống bàn chân lên, đồng thời thường xuyên xoay cổ chân và nhẹ nhàng gấp duỗi hai bàn chân nhằm làm giãn cơ sinh đôi ở cẳng chân. Kê cao hai chân khi nằm. - Tư thế ngủ nghiêng bên trái: Nghiêng bên trái trong khi ngủ là tư thế tốt nhất giúp tránh tạo áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới (là một tĩnh mạch lớn đưa máu từ phần dưới cơ thể quay trở về tim). Kết quả thu được sẽ càng tốt hơn nếu kê thêm gối phía dưới chân để nâng nhẹ chân lên. - Năng hoạt động thể chất mỗi ngày: Đi bộ, đạp xe trên máy tập đạp (stationary bike), hoặc bơi sải là những hoạt động thể chất rất tốt cho các thai phụ. Nguồn Phụ nữ Việt Nam
|