Góp ý sửa đổi Thông tư 01-04: nên bỏ tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên
Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật, không cần đưa vào chùm Thông tư 01-04. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông. Dự thảo có nội dung đáng chú ý, đó là bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ở từng hạng chức danh nghề nghiệp. Lí giải điều này, Bộ Giáo dục cho biết, "bản chất các quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông theo từng hạng chức danh nghề nghiệp tại Thông tư 01-04 không phải là “phân hạng đạo đức...”. Bộ Giáo dục dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng". [1] Bộ Giáo dục nên bỏ tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên. (Ảnh minh họa: Lã Tiến) Tôi đồng tình với việc "bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp" nhưng không đồng tình "bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng". Cụ thể, Bộ Giáo dục dự kiến bổ sung tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông công lập như sau [2]: Với giáo viên mầm non: - Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non. - Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; có tinh thần trách nhiệm cao; có kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; có khả năng sư phạm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. - Thường xuyên trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp. - Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.” Với giáo viên tiểu học: - Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học; - Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; - Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; - Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.” Với giáo viên trung học cơ sở: - Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở; - Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; - Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; - Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức theo Luật Viên chức 2010 và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.” Với giáo viên trung học phổ thông: - Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học phổ thông; - Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; - Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. Sở dĩ tôi không đồng tình với việc bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng vì giáo viên phải tuân thủ Luật Viên chức, Luật Giáo dục 2019, các thông tư, nghị định có liên quan và nội quy của từng đơn vị. Thứ nhất, ngày 16/4/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về đạo đức nhà giáo, trong đó quy định rõ về: Phẩm chất chính trị (Điều 3); Đạo đức nghề nghiệp (Điều 4); Lối sống, tác phong (Điều 5); Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo (Điều 6). [3] Thứ hai, Điều 41 Luật Viên chức quy định nội dung đánh giá viên chức như sau (trích): "Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức". [4] Thứ ba, Điều 67 Luật Giáo dục 2019 quy định tiêu chuẩn của nhà giáo như sau (trích): "Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt". [5] Thứ tư, Điều 27 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 ban hành Điều lệ Trường mầm non quy định tiêu chuẩn của nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây (trích): "Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt". [6] Điều 27 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học quy định nhiệm vụ của giáo viên (trích): "Xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh, với cha mẹ học sinh và cộng đồng; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; ứng xử văn hóa, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh". [7] Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên (trích): "Trau đồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp". [8] Thứ 5, đạo đức nhà giáo còn được quy định ở nội quy của mỗi đơn vị. Ví dụ, Trường Tiểu học Trần Phú (thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) yêu cầu (trích): "Cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong trường phải thương yêu, che chở, giúp đỡ, bảo vệ các em học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập sinh hoạt tại trường. Không trách phạt học sinh như: đánh, mắng các em, đuổi ra khỏi lớp, bắt đứng cuối lớp, chép phạt, hay các hình thức khác mà các quy định về quyền trẻ em, quy định của ngành giáo dục không cho phép". (Điều 3) [9] Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nếu Bộ Giáo dục bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng thì sẽ gây chồng chéo, trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật - gây khó khăn trong công tác quản lí. Tài liệu tham khảo: [1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd? [2] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1585 [3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-16-2008-QD-BGDDT-quy-dinh-ve-dao-duc-nha-giao-64951.aspx [4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-can-bo-cong-chuc-va-luat-vien-chuc-sua-doi-2019-405729.aspx [5] https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html [6] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-52-2020-tt-bgddt-ve-dieu-le-truong-mam-non-200235-d1.html [7] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-28-2020-TT-BGDDT-ve-Dieu-le-Truong-tieu-hoc-282401.aspx [8] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html [9] http://ninhbinh.edu.vn/thtranphu/tin-tuc-su-kien/tin-cua-truong/noi-quy-lam-viec-doi-voi-can-bo-giao-vien-va-nguoi-lao-dong-.html (*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Nguồn https://giaoduc.net.vn |