Có nên pha thuốc vào sữa, nước trái cây cho trẻ uống? Pha thuốc vào sữa không phải giải pháp lý tưởng để trẻ hấp thu thuốc, cách này làm giảm tác dụng một số thuốc, khiến trẻ bỏ bú. Theo dược sĩ Phạm Thị Ý Nhi, khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc cho trẻ uống thuốc do thuốc có vị đắng. Để trẻ có thể uống thuốc tốt hơn, nhiều người áp dụng cách hòa thuốc vào sữa. Tuy nhiên, theo dược sĩ Phạm Thị Ý Nhi, phụ huynh không nên nghiền, bẻ thuốc để pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt cho trẻ uống vì có thể gây một số bất lợi. Cha mẹ dùng nước đun sôi để nguội để uống thuốc là tốt nhất. Theo dược sĩ Ý Nhi, sữa có chứa nhiều chất khóang đa vi lượng và lipid cao, độ kiềm cao, do đó sữa có khả năng làm chậm sự hấp thụ một số thuốc như kháng sinh cefuroxim. Nguồn sữa cho bé bú, đặc biệt sữa công thức có canxi dồi dào gây tương tác bất lợi với thuốc. Ngoài ra, các dòng kháng sinh như ciprofloxacin, levofloxacin có thể giảm đi hiệu lực khi dùng cùng lúc với sữa. Một số thuốc mất đi hiệu lực nếu dùng chung với sữa. Thuốc làm thay đổi mùi vị của sữa, khiến trẻ không bú hết lượng sữa trong bình, dẫn tới không cung cấp đủ năng lượng nuôi trẻ. Một số bé được mẹ pha thuốc vào sữa thường xuyên dẫn đến việc bé sợ bình sữa, không dám bú sữa bằng bình nữa vì sợ. Với những đồ uống khác như nước đường, nước trái cây..., khi pha thuốc uống chung không gây hại nhưng cũng có vài loại sẽ bị hạn chế tác dụng. Để biết loại thuốc nào có thể pha chung với nước trái cây, nước đường... phụ huynh nên hỏi bác sĩ kê đơn xem thuốc đó có tương tác bất lợi với thứ đồ uống đó không? Thuốc nên uống lúc trẻ no hay lúc trẻ đói?... Khi con ốm tuyệt đối không pha thuốc với sữa, nước trái cây, nước ngọt để cho trẻ uống, Ảnh: Shutterstock. Đặc biệt, ở một số loại thuốc, phụ huynh không nên nghiền thuốc, mở viên thuốc con nhộng vì điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tác dụng của thuốc. Một số thuốc cần tác dụng chậm, cần nuốt nguyên viên, nếu bị nghiền, mở vỏ, thuốc có thể bị dịch đường tiêu hóa phân hủy làm giảm hoặc mất tác dụng. "Với trường hợp trẻ khó uống thuốc, hay nôn ói, tốt nhất phụ huynh nên chia sẻ với bác sĩ để cân nhắc các cách uống hợp lý hơn, có thể cho thuốc dạng siro hoặc lựa chọn loại thuốc có vị mà bé dễ chấp nhận", dược sĩ Ý Nhi lưu ý. Trường hợp trẻ nôn ói sau khi uống thuốc, nếu nôn xảy ra trong vòng 15 phút kể từ khi uống hoặc nhìn thấy thuốc còn nguyên vẹn (đối với thuốc dạng viên) trong dịch nôn, phụ huynh có thể cho trẻ uống lại một liều thuốc. Nếu trẻ nôn sau 15 - 60 phút kể từ khi uống, có thể cho trẻ uống lại một liều thuốc nếu cân nhắc lợi ích điều trị lớn hơn so với nguy cơ quá liều. Trẻ nôn sau hơn 60 phút kể từ khi uống thì không nên uống lại liều thuốc. Một số lưu ý để đảm bảo an toàn khi cho trẻ uống thuốc: Cha mẹ nên chọn các dạng thuốc dễ uống như thuốc dạng lỏng, thuốc bột và mùi vị dễ chịu cho trẻ dưới 6 tuổi (đặc biệt trẻ nhỏ dưới 4 tuổi). Trong trường hợp phải sử dụng thuốc dạng viên, nên nghiền viên và hòa với nước khi uống. Phụ huynh cần hỏi ý kiến dược sĩ, người kê đơn thuốc trước khi nghiền và hòa thuốc với nước. Để tránh trẻ nôn trớ, cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc cách xa bữa ăn, cữ sữa, trừ trường hợp loại thuốc phải uống lúc no hoặc ngay sau, trước khi ăn. Ngoài ra, cha mẹ nên phân chia thời gian uống hợp lý nếu trẻ phải uống nhiều loại thuốc. Phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc trong khi trẻ đang quấy khóc để tránh tình trạng ngạt hoặc sặc thuốc. Với trẻ lớn, nên giải thích cho trẻ hiểu uống thuốc để hết bệnh để trẻ "hợp tác" cùng ba mẹ. Với trẻ nhỏ, người lớn nên cho trẻ nằm hơi dốc, đầu cao hơn một chút, hơi nghiêng để tránh việc trẻ bị sặc thuốc. Trong trường hợp trẻ bị sặc khi uống thuốc, ba mẹ thực hiện thủ thuật vỗ lưng ấn ngực nếu trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ từ 1 tuổi trở lên, nên thực hiện thủ thuật Heimlich (cấp cứu dị vật đường thở). Sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Nguồn https://vnexpress.net |