Thận trọng khi truyền thông về trẻ em
“Truyền thông về công tác trẻ em cần toàn diện, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” – đó là nhấn mạnh của Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam tại Hội thảo định hướng truyền thông về Tháng hành động Vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục Trẻ em phối hợp Tổ chức Plan tại Việt Nam vừa tổ chức. Đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết khi truyền thông. (Ảnh minh họa) Theo ông Đặng Hoa Nam, cùng với việc phát hiện, hỗ trợ, cổ vũ việc làm tốt, mô hình, giải pháp tốt, chúng ta cần chú trọng việc phát hiện những vấn đề chưa ổn, những khoảng trống, cùng chung tay giúp cho trẻ em có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, truyền thông về công tác trẻ em cần toàn diện, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó, để bảo đảm truyền thông hiệu quả, cần sử dụng đồng bộ 3 kênh: báo chí, mạng xã hội, truyền thông cộng đồng, thống nhất nội dung, thông điệp, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, thông tin đến từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư (làng, xóm, ấp, bản, tổ dân phố) … Khẳng định “bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề vô cùng bức bối hiện nay”, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Chúng ta khó có thể ngăn trẻ em truy cập mạng. Vì vậy, trong công tác truyền thông, thay vì chỉ chạy theo vụ việc, cần chú trọng hướng dẫn cung cấp công cụ, phương thức để các bậc cha mẹ bảo đảm an toàn cho con em mình. Truyền thông thông qua các bài viết, cần có những “cái ôm” cho những người thân của nạn nhân là trẻ em, giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái gần gũi hơn. Truyền thông cũng cần làm “chỗ dựa”, có “liều thuốc an thần” cho các bậc cha mẹ khi con em họ là nạn nhân, chia sẻ đúng các vấn đề mà trẻ em quan tâm. Đồng thời, truyền thông cần góp phần ngăn chặn “rác” ở trên mạng bằng cách tăng cường chia sẻ, cảnh báo, giúp các bậc phụ huynh cùng chung tay lên tiếng, tham gia bảo vệ trẻ em”. Theo nhà báo Nguyễn Ngân - Ban Thời sự VTV, với áp lực đưa tin nhanh, nóng, trong không ít trường hợp, báo chí xâm phạm thêm một lần nữa nạn nhân của những hành vi trái pháp luật bằng cách đưa tin không bảo vệ riêng tư của trẻ em. Trẻ em thành nạn nhân kép: vừa là nạn nhân của các vụ bạo hành, bạo lực, hiếp dâm, vừa là nạn nhân bị xâm phạm đời tư. Những phóng sự khai thác đời tư của trẻ em và gia đình trẻ - xâm phạm quyền được bảo vệ của trẻ em. Nhà báo mong muốn lên án những đối tượng xâm hại trẻ em… nhưng thực tế tác nghiệp cụ thể hóa thông tin - vô tình tiết lộ địa chỉ cụ thể của nạn nhân (địa chỉ của thủ phạm – nhưng thủ phạm lại là cha/cha dượng của nạn nhân). Có những trường hợp viết tắt tên, đổi hoặc giấu tên… nhưng địa chỉ được đưa chính xác đến từng số nhà, tổ dân phố, trường, lớp học… Trước những sự việc đau lòng của trẻ, nhiều người có thể thương cảm rồi quên. Những nạn nhân trực tiếp sẽ không thể nào vượt qua dư luận, gạt đi những mặc cảm là nỗi đau rất khó có thể nguôi ngoai. Do đó, kỹ năng làm báo cho trẻ em có sự khác biệt cơ bản với kỹ năng làm báo cho các đối tượng khác ngay từ khâu xác định đề tài, chủ đề và khác biệt khi tiếp cận trẻ em để khai thác thông tin. “Một tác phẩm báo chí có thể ngăn một tội ác, nhưng một dòng thông tin, một tấm ảnh trên báo có thể phá đi cuộc sống bình yên của các em. Nhà báo có lương tâm, trách nhiệm với nguồn tin. Cần tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phải có cái tâm khi hành nghề”, nhà báo Nguyễn Ngân chia sẻ. Nguồn https://baophapluat.vn |