Điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Cần có tiêu chí 'nới lỏng' Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi ra đời với mục đích hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN, nâng cao kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ của phụ huynh, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non và các cơ sở đào tạo. Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều chỉ số không phù hợp với thực tiễn như: chưa mang tính vùng miền; thiếu chỉ số đánh giá về kỹ năng ứng xử với mạng XH, CNTT; thiếu tính liên thông kiến thức lên tiểu học; một số chỉ số rất khó xây dựng bài tập để đánh giá. Giáo viên chủ động, linh hoạt Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kiến thức, kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho mỗi quốc gia. Nắm bắt được vấn đề đó, để hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp 1, ngày 22/07/2010 Bộ Giáo dục và Đào Tạo ban hành thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT “Quy định về Bộ chuẩn 2 phát triển trẻ em năm tuổi” (Bộ chuẩn PTTENT). Cô Đỗ Thị Thu Dương- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Thành Ngọ, quận Kiến, An TP Hải Phòng chia sẻ: Qua 11 năm thực hiện Bộ chuẩn PTTENT, nhà trường nhận thấy: Thông qua đó các nhà quản lý có chiến lược phát triển nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phòng học thoáng mát, rộng rãi, đồ dùng giáo cụ tương đối đầy đủ và đa dạng. Có trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong trường mầm non. Các bé của Trường Mầm non Trần Thành Ngọ tập làm nội trợ. Bộ chuẩn PTTENT giúp giáo viên xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung và hoạt động khi xây dựng kế hoạch giáo dục góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1. Giúp giáo viên nhiệt tình, chịu khó có năng lực và trách nhiệm cao trong công việc; linh hoạt trong việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch, nội dung giáo dục, lựa chọn biện pháp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp. Thông qua bộ chuẩn giúp cha mẹ, giáo viên hiểu được khả năng của trẻ để không đòi hỏi ở trẻ những điều trẻ không thể làm được hoặc đánh giá thấp khả năng của trẻ; hỗ trợ để trẻ phát triển tối đa tiềm năng của mình hay theo dõi trẻ để điều chỉnh các tác động kích thích sự phát triển của trẻ. Hàng năm, tỷ lệ huy động phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi của trường đạt 98%. Các nhà trường cho rằng, một số chỉ số trong Bộ chuẩn PTTENT được điều chỉnh là phù hợp thực tiễn. Cô Nguyễn Thị Loan- Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Bộ chuẩn PTTENT được nhà trường vận dụng, lồng ghép và là căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục trong khung nội dung chương trình GDMN. Quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục, các cô giáo linh hoạt áp dụng từng tiêu chí để đạt kết quả tốt nhất. Là một trường học ở khu vực huyện đảo, có một số chỉ số trong Bộ chuẩn phù hợp khi áp dụng vào thực tế giảng dạy đạt kết quả khả quan. Còn nhiều chỉ số chưa phù hợp Cô Đỗ Thị Thu Dương cho rằng quá trình triển khai một số giáo viên nhận thấy, một số chỉ số trong Bộ chuẩn PTTENT còn quá thấp hoặc quá cao so với nhu cầu phát triển giáo dục hiện nay. Với trẻ thuộc khu vực nội thành thì chỉ số về phát triển thể chất khó thực hiện bởi diện tích sân chơi chưa đáp ứng yêu cầu so với một số chỉ số trong Bộ chuẩn. Một số giáo viên còn gặp khó khăn khi phải tự xây dựng bộ công cụ đánh giá, nhất là khi giáo viên phải tự xác định minh chứng cho các mục tiêu. Một số nội dung chương trình không có trong chuẩn và ngược lại khiến giáo viên mất nhiều thời gian để soi, đối chiếu. Quá trình áp dụng triển khai Bộ chuẩn, cô Nguyễn Thị Loan cho rằng chỉ số còn mang tính vùng miền. Nhiều chỉ số đã có trong chương trình GDMN cần sửa đổi và thay thế. Cô trò Trường Mầm non Hạ Long, huyện Vân Đồn (ảnh tư liệu nhà trường cung cấp). Nhiều chỉ số không mang tính định lượng mà chỉ là định tính. Ví dụ như chỉ số 41 “trẻ biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực khi được an ủi, giải thích”, khó đưa vào chủ đề để thực hiện. Quá trình giảng dạy, khi trẻ có cảm xúc tiêu cực, cô mới nắm được trẻ có biết kiềm chế hay không, chứ bản thân cô khó có thể tạo tình huống ra để trẻ biểu hiện cảm xúc tiêu cực được. Để có bài tập để đánh giá chỉ số này là cả vấn đề. Hay như tính liên thông lên tiểu học của Bộ chuẩn còn hạn chế. Với trẻ 5 tuổi chỉ dừng lại ở nhận biết chữ cái còn tô đồ hay sao chép mang tính chất tự do. Khi lên tiểu học thầy cô đã dạy viết, tô, viết chữ luôn. Vì thế, con đang học mầm non lên tiếp cận ngay với tiểu học thì khó khăn. Việc phụ huynh phải cho con học thêm để chuẩn bị lên lớp 1 là điều không tránh khỏi. Theo Phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, ngoài những hạn chế nêu trên, quá trình thực hiện đánh giá chuẩn trẻ 5 tuổi, các nhà trường nhận thấy một số bất cập như: thiếu chỉ số đánh giá về kỹ năng ứng xử với mạng XH, CNTT; thiếu tính liên thông kiến thức lên tiểu học; một số chỉ số rất khó xây dựng bài tập để đánh giá như chỉ số 41, 45… Điều chỉnh để phù hợp Theo cô Loan, Bộ chuẩn PTTENT là công cụ để giáo viên xây dựng kế hoạch phát triển của trẻ xem đạt đến mức độ nào. Đồng thời đây cũng là căn cứ để cho phụ huynh thấy được cách xử lý của con khi con gặp tình huống và có hướng bồi dưỡng kỹ năng mềm cần thiết cho con. Nên đưa phần tập tô, chữ viết vào mầm non cho học sinh tập tô, tập viết theo định hướng chung chuẩn tiểu học. Theo một số nhà trường, Bộ chuẩn PTTENT cần bổ sung thêm hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm. Thời đại 4.0 trẻ được tiếp cận với công nghệ thông tin thì khả năng giao tiếp, kỹ năng xã hội tốt lên nhiều, trẻ mạnh dạn tự tin hơn nhiều, Bộ chuẩn cũng cần có những chỉ số yêu cầu về năng lực hành vi. Cần có một số chỉ số về cách ứng xử với mạng xã hội, những hành vi tốt, xấu. Một số trường mầm non trên địa bàn Hải Phòng chung quan điểm rằng Bộ chuẩn cần bổ sung thêm yêu cầu về sử dụng ngoại ngữ cho trẻ mẫu giáo và các hoạt động thực hành kỹ năng như: Giáo dục Stem; hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm; ngành giáo dục cũng cần thống nhất đưa ra bộ công cụ (bài tập) mang tính hệ thống, liên thông cho tất cả các độ tuổi mầm non, hướng dẫn đánh giá sự phát triển của trẻ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Nguồn https://giaoducthoidai.vn |