Giáo dục gia đình: Chuẩn mực phải bắt đầu từ lời nói Nhiều phụ huynh cho rằng, la mắng, quát tháo là "vũ khí" hữu hiệu để giáo dục con. Tuy nhiên, thực tế, những trẻ thường bị la mắng có thể gặp ảnh hưởng lâu dài khi trưởng thành.
Phụ huynh cần tạo ra trải nghiệm tích cực, khuyến khích giúp đỡ trẻ, thay vì làm mất phẩm giá và sự tôn trọng con. Trẻ có hành vi sai trái là do không được khuyến khích đúng cách. Những đứa trẻ bị chấn thương Trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ không tránh khỏi những lúc vì quá tức giận mà la mắng trẻ. Tuy nhiên, không ít phụ huynh coi việc la mắng như một cách giáo dục nghiêm khắc để con biết nghe lời. Họ nghĩ rằng, việc mắng con là bình thường, cha mẹ nào cũng vì thương mà la mắng trẻ. Song, thực tế, có sự khác biệt rất lớn giữa đứa trẻ thường xuyên bị la mắng và không. Một nghiên cứu của Trường y khoa Harvard (Mỹ) từng phát hiện, trẻ em thường xuyên bị cha mẹ la mắng, xúc phạm có chỉ số IQ trung bình khi lớn lên là 112. Con số này thấp hơn 12 điểm so với những trẻ không bị bạo lực bằng lời nói. Theo các chuyên gia, trong tâm lý học, có một hiện tượng gọi là "hiệu ứng gợi ý". Khi cha mẹ quát mắng con, họ sẽ mang đến những gợi ý tâm lý tiêu cực tới trẻ. Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ dần nội tâm hóa những nhận định tiêu cực này thành đánh giá của bản thân, cho đến khi chúng trở thành "đứa trẻ hư", "ngốc nghếch" như nhận định của cha mẹ. Tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Dubai (DFWC) cũng từng tiến hành khảo sát về vấn đề này. Kết quả cho thấy, có 1/4 trẻ em phải đối mặt với tình trạng cha mẹ la mắng, quát nạt một cách bạo lực. Những đứa trẻ này luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi ở nhà. Trong số đó, có khoảng 8% trẻ chia sẻ rằng, điều này thường xuyên xảy ra với chúng. Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng, việc la hét, dọa nạt con là "vũ khí" lợi hại nhất để trẻ có thể sửa chữa sai lầm và không tiếp tục quậy phá nữa. Tuy nhiên, cách giáo dục này lại không mang lại hiệu quả tốt cho trẻ nhỏ.
Người đứng đầu các cuộc nghiên cứu của Quỹ DFWC - bà Aisha Al Midfa khuyên rằng, các phụ huynh không nên quá lạm dụng la mắng con. Bởi, hành vi này không gây ra hậu quả ngay trước mắt, nhưng những tác động tiêu cực về mặt tâm lý sẽ kéo dài và rất khó cải thiện. Chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh cho biết, phản ứng sinh lý của một đứa trẻ trước một sự kiện diễn ra quá nhanh, quá sớm hoặc quá nhiều (ví dụ khi bị cha mẹ quát và nạt nộ lớn tiếng) có thể chia ra làm 3 hướng. Trường hợp đầu tiên là trẻ sẽ hiếu động, hiếu chiến, không thể ngồi xuống, liên tục di chuyển. Trẻ cũng sẽ dò xét môi trường để tìm xem có nguy hiểm không, dễ bị giật mình, nhanh tức giận, không thể đứng yên..., hoặc chạy trốn khỏi các tình huống và quay trở lại "chiến đấu" với người lớn. Trong khi đó, những trẻ khác sẽ rơi vào tình trạng bất động, cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực. Thậm chí, khi thực hiện những công việc đơn giản hằng ngày, trẻ cũng cảm thấy quá khó khăn, chán nản. Trẻ luôn im lặng, không tự đứng lên, không hứng thú với bất cứ điều gì... Nhiều trẻ sẽ phản ứng bằng cách trở nên ngớ ngẩn, làm trò hề để mọi người cười, thể hiện bản thân mình tốt, cố gắng xoa dịu mâu thuẫn. Tuy nhiên, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tự phục hồi hoặc đặt ra ranh giới lành mạnh. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Cụ thể như từ đang thể hiện mình tốt đẹp sang phản ứng chiến đấu (la hét, tức giận) rồi đóng băng (thường là vì xấu hổ/cảm thấy tội lỗi) trong cùng một ngày. "Trẻ không tự chọn làm những việc đó mà nó tự xảy ra như một phản ứng tự vệ trong hệ thống thần kinh. Khi có những sự kiện/sự việc mang tới cảm giác nguy hiểm, đáng sợ thì hệ thần kinh không có thời gian xử lý các năng lượng sinh tồn được huy động trong thời điểm này. Điều này tạo ra sự điều tiết trong hệ thần kinh và bộ não/cơ thể sẽ luôn ở trạng thái tỉnh táo, rất lâu sau khi sự kiện kết thúc. Chúng ta thường nghĩ chấn thương là thứ gì đó nghiêm trọng đáng sợ. Thực ra, đó là do hệ thần kinh mất khả năng điều chỉnh khi những sự việc sự kiện lớn hoặc đáng sợ như vậy gây ra", chuyên gia Phan Linh lý giải.
Tuy nhiên, theo bà Phan Linh, cha mẹ cần biết rằng, chấn thương là điều chúng ta không thể tránh trong cuộc sống, nhưng không phải là "bản án chung thân". "Tất cả chúng ta đều trải qua một số loại chấn thương trong cuộc đời, nhưng điều quan trọng cần nhớ là cơ thể chúng ta cũng được tạo ra với khả năng tự chữa lành. Chúng ta có thể hỗ trợ hệ thần kinh của mình theo hướng điều tiết tốt hơn và tìm thấy sự thoải mái, tích cực hơn trong cuộc sống hằng ngày cũng như các mối quan hệ. Chúng ta có thể đã sai khi làm tổn thương con, nhưng chúng ta vẫn có thể quay trở lại để kết nối, giúp đỡ, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, thấu cảm và cùng con điều chỉnh", nữ chuyên gia nhấn mạnh. Vấn đề được cho là sẽ nghiêm trọng hơn khi cha mẹ bỏ mặc trẻ tự điều chỉnh, hoặc phụ huynh tiếp tục phạm sai lầm mà không nhận thức được lỗi để sửa. Giáo dục gia đình: Chuẩn mực phải bắt đầu từ lời nói - Ảnh 2. Không lấp liếm cái sai "Tất cả mọi người, kể cả trẻ em đều xứng đáng có phẩm giá và sự tôn trọng. Cần tạo ra trải nghiệm tích cực, khuyến khích giúp đỡ trẻ, thay vì một trải nghiệm tạo ra sự sỉ nhục, mất mát phẩm giá và sự tôn trọng. Những đứa trẻ có hành vi sai trái là những đứa trẻ không được khuyến khích đúng cách. Trẻ em cần được khuyến khích hướng dẫn để chúng không cảm thấy cần phải có hành vi sai trái. Không được khiến chúng xấu hổ hoặc sỉ nhục, khiến con cảm thấy chán nản, từ đó xuất hiện các hành vi sai trái", chuyên gia khuyến cáo. Theo bà Phan Linh, sự sỉ nhục và xấu hổ không phải là động lực tích cực. Bà Linh dẫn chứng, trong thập kỷ qua, một số chuyên gia liên quan đến trẻ em (như bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm thần và nhân viên xã hội) đã chính thức áp dụng các quan điểm phản đối việc đánh đòn, chèo kéo hoặc làm nhục trẻ em theo bất kỳ cách nào. Các chuyên gia này đã chú ý đến nghiên cứu chứng minh rằng, tổn thương lâu dài đối với trẻ em lớn hơn rất nhiều lợi ích tức thời của việc kiểm soát hành vi thông qua hình phạt. "Chúng ta từng có ý tưởng điên rồ rằng, để trẻ em làm tốt hơn, trước tiên chúng ta phải làm cho chúng cảm thấy tồi tệ hơn ở đó. Sự thật là trẻ em làm tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn chứ không phải khi chúng chán nản về bản thân", nữ chuyên gia chia sẻ. Theo bà Phan Linh, không phải lúc nào trẻ cũng dễ thương, ngoan, chăm chỉ, gọn gàng, sạch sẽ và biết nghe lời. Tuy nhiên, người lớn cần cố gắng kiên nhẫn nhìn vào điểm tích cực để khuyến khích. Khi đó, dần dần, trẻ sẽ có nhiều cơ hội để lớn lên với sự tích cực và tự tin. Đặc biệt, phụ huynh cần hiểu rằng, công nhận điểm tích cực của con không có nghĩa là phủ nhận, lấp liếm cái sai. Trẻ nhỏ cần học về giới hạn và kỷ luật theo độ tuổi, nhận thức. Từ đó, dần tự điều chỉnh hành vi, cư xử đúng mực và đảm bảo những nguyên tắc của gia đình, xã hội. Chuyên gia cho biết, khi một đứa trẻ không còn sợ mắc lỗi, chúng sẽ không trốn tránh, nói dối. Khi đó, trẻ dám đối mặt với vấn đề để tìm cách giải quyết, thay vì nản lòng hay chờ đợi trong hao mòn. "Có những người chỉ lăm le nhìn vào điểm yếu và sai lầm của người khác để hả hê. Còn chính ta nhìn thấy mình chỉ là người học sinh chậm tiến, người bạn tệ hại, người đồng nghiệp bất cẩn, người mẹ người cha tồi tệ. Xung quanh không có người cho phép chúng ta đúng. Bản thân mình cũng tự trách mình đã sai quá nhiều. Cuộc sống là một trò chơi. Nhưng nó rất thực và cũng đòi hỏi một sự trung thực công bằng. Ai mà không có sai lầm? Đâu thể cứ nghĩ và sống mãi cùng với những sai lầm đó?", bà Phan Linh chia sẻ. Các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên áp dụng nguyên tắc bút mực xanh với trẻ. Nguyên tắc được giới thiệu bởi nhà tâm lý học trẻ em Tatiana Ivanko. Trong quá trình dạy và sửa bài cho con, nữ chuyên gia này đã dùng mực xanh để khoanh những chữ trẻ viết tốt và đẹp, thay vì mực đỏ để gạch những chữ con viết sai hoặc chưa đạt. Vì vậy, các phụ huynh được khuyến khích hãy tập trung vào những điểm tích cực của trẻ và tìm cách phát triển, lặp lại nó. Nguồn Giáo dục và Thời đại
|