Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đề xuất hỗ trợ giáo viên tư thục 3,7 triệu đồng/người: 'Một đồng cũng quý'


Giáo viên mầm non ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng khi nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý, trong bối cảnh cuộc sống khó khăn.

Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – bà Ngô Thị Minh cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập được hưởng chính sách hỗ trợ. Dự kiến là mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/người.

Trước đó thì Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã ký quyết định về tín dụng cho các trường mầm non, tiểu học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn.

Giáo viên mầm non tư thục sẽ tiếp tục nhận được khoản hỗ trợ tiền sau đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa: P.L)

Mức cho vay tối đa là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục và tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.

Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, với lãi suất cho vay 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Nguồn vốn cho vay theo quyết định này tối đa 1.400 tỷ đồng, từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023, hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Theo quyết định trên, cả nước sẽ có trên 3.200 trường mầm non, tiểu học, và trên 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trong diện được thụ hưởng chính sách.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thiên Kim (giáo viên mầm non tư thục ở phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) sau khi nghe thông tin này đã bày tỏ cảm xúc: “Quá vui mừng!”.

Cô Thiên Kim chia sẻ, sau một thời gian rất dài phải tạm nghỉ ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô mới được đến trường dạy trở lại.

Khi phải nghỉ ở nhà để chống dịch, không có nguồn thu nhập, cô Kim cũng như rất nhiều giáo viên mầm non tư thục khác đã phải đi tìm kế sinh nhai tạm thời để sinh sống, có tiền nuôi sống bản thân mình và 2 con.

“Trước tết, tôi phải xin đi làm công nhân tạm thời ở một công ty may trong khu chế xuất vài tháng. Trong suốt đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, tôi đã nhận được một số nguồn tiền hỗ trợ giáo viên đến từ thành phố, quận, và nay là có thể thêm nguồn tiền này nữa. Tôi cảm thấy rất vui. Trong lúc cuộc sống của các thầy cô giáo mầm non còn nhiều khó khăn, thì một đồng hỗ trợ cũng là rất đáng quý”.

Cũng giống như vậy, cô Lê Thị Anh Đào, một giáo viên mầm non tư thục khác ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, dù cuộc sống ở thành phố đã trở về bình thường sau đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung đời sống thầy, cô giáo mầm non vẫn còn nhiều khó khăn.

“Có thêm tiền hỗ trợ, tôi sẽ dành để mua đồ, sữa cho các con, trang trải thêm phần nào chi phí sinh hoạt gia đình”, cô Anh Đào khẳng định.

Là hệ thống trường mầm non quốc tế, với các cơ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hưng Yên, nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến hệ thống trường mầm non Global Ecokids, nhất là về tài chính.

Ông Nguyễn Hữu Việt – Tổng Giám đốc Global Ecokids cho biết, do đặc trưng của lứa tuổi này không thể học trực tuyến, nên trường phải dừng mọi hoạt động trong thời điểm đó để chống dịch, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh.

Thế nhưng, cho đến nay, đã có khoảng 70% số trẻ là học sinh của trường quay trở lại học bình thường, còn các thầy cô giáo thì đã có 90% quay trở lại trường giảng dạy.

Theo ông Nguyễn Hữu Việt, nếu Nhà nước có những chính sách rất tốt như vậy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm về giáo dục, nhất là giáo dục mầm non thì sẽ góp một phần giảm tải áp lực về mặt tài chính cho các doanh nghiệp.

“Còn các thầy cô giáo mầm non tư thục mà được hỗ trợ như vậy thì chắc chắn là họ sẽ rất vui”, ông Nguyễn Hữu Việt cho biết.

Nguồn https://giaoduc.net.vn