Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

3 gánh nặng về dinh dưỡng Việt Nam tập trung giải quyết đến năm 2025


 

Thiếu dinh dưỡng (thấp còi, gầy còm); thừa cân, béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng là ba gánh nặng về dinh dưỡng mà Việt Nam tập trung giải quyết.

Đây cũng là 3 gánh nặng mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đang đối mặt.

Thông tin được nhấn mạnh tại Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 do Bộ Y tế ban hành.

Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 tập trung vào 5 mục tiêu chính:

Thứ nhất là thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao, người bệnh.

Thứ hai là cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Thứ ba là kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Thứ tư là cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Thứ năm là tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.

Tương ứng với mỗi mục tiêu nói trên, trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể. 

Đó là tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hằng ngày tăng từ 33% năm 2020 lên 55% vào năm 2025; tỷ lệ hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm mức độ nặng và vừa từ 12,75% vào năm 2020 đến dưới 8% vào năm 2025;

Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ từ 45,5% vào năm 2020 lên 50% vào năm 2025;

Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ từ 45,5% vào năm 2020 lên 50% vào năm 2025. Ảnh minh họa

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ 5-18 tuổi từ 14,8% năm 2020 giảm còn dưới 12,5% vào năm 2025; tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 11,1% vào năm 2020 xuống dưới 10% vào năm 2025;

Giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của người dân từ 9g/ngày xuống dưới 8g/ngày; tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ từ 6-59 tháng tuổi từ 9,5% trong năm 2020 giảm dưới 8% vào năm 2025…

Ngoài ra, theo Bộ Y tế, trong giai đoạn từ năm 2022-2023 cần nghiên cứu xây dựng và triển khai các chương trình, đề án ưu tiên như: Đề án Dinh dưỡng hợp lý nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đề án Chăm sóc dinh dưỡng nữ vị thành niên; đề án Chăm sóc dinh dưỡng người cao tuổi... 

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phụ trách xây dựng đề án kiểm soát yếu tố nguy cơ và phòng chống thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng ở người trưởng thành…

Nguồn https://suckhoedoisong.vn