Khi nào bé gái ngừng phát ngực và chiều cao? Sau khi có kinh nguyệt, trẻ thường cao thêm 7 cm và dừng lại ở tuổi 14-15; vú sẽ phát triển trong lúc dậy thì và tiếp tục thay đổi suốt cuộc đời. Tuổi dậy thì là quá trình thay đổi thể chất từ thời thơ ấu sang giai đoạn trưởng thành, khi cơ thể tăng sản xuất một số hormone nhất định. Ở nữ, tuổi dậy thì có xu hướng bắt đầu khi trẻ 8-13 tuổi, kéo dài khoảng 4 năm. Độ tuổi trung bình mà các bé gái có thể nhận thấy những dấu hiệu dậy thì đầu tiên là 9-10. Bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi được coi là dậy thì sớm. Dậy thì muộn là khi trẻ chưa phát triển ngực ở tuổi 13, hoặc bắt đầu có kinh nguyệt ở tuổi 15. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm hoặc muộn. Sự bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt thường xảy ra khi bé gái 12 tuổi. Tuy nhiên, phạm vi có thể rộng hơn, từ 9-15 tuổi. Mụn trứng cá là một dấu hiệu phổ biến của tuổi dậy thì. Lông trên cơ thể có xu hướng dày lên, có thể trở nên đen hơn. Các hormone liên quan đến tuổi dậy thì cũng có thể khiến trẻ trở nên dễ xúc động hoặc thay đổi thất thường. Các bé gái có xu hướng dừng phát triển chiều cao ở độ tuổi 14-15. Ảnh: Freepik Thời điểm ngừng phát triển chiều cao Trẻ em gái thường trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất vào khoảng 11-12 tuổi. Sau khi bắt đầu có kinh nguyệt, trẻ thường cao thêm 7 cm và đạt đến chiều cao trưởng thành vào khoảng 14 hoặc 15 tuổi. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chiều cao của bé gái. Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc không đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu cơ thể thường có chiều cao thấp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Suy dinh dưỡng nghiêm trọng khi còn nhỏ có thể góp phần vào sự chậm phát triển, gây ra những ảnh hưởng liên tục như nhẹ cân, thấp còi nếu không được khắc phục. Mất cân bằng nội tiết tố như lượng tuyến giáp hoặc hormone tăng trưởng thấp có thể làm chậm tốc độ phát triển, khiến trẻ có chiều cao thấp khi trưởng thành. Các tình trạng sức khỏe mạn tính bao gồm xơ nang, bệnh thận, bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Bệnh nhi ung thư cũng có thể thấp hơn khi trưởng thành. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình phát triển. Chẳng hạn, một số tình trạng được điều trị bằng corticosteroid như hen suyễn, cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Ngoài ra, trẻ mắc hội chứng Noonan và Turner cũng sẽ thấp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, trong khi người mắc hội chứng Marfan có xu hướng cao hơn. Thời điểm ngừng phát triển ngực Ngực nở nang thường là biểu hiện đầu tiên của tuổi dậy thì ở nữ giới. Dấu hiệu sớm nhất cho thấy sự phát triển của ngực xảy ra khi các chồi vú bắt đầu lớn lên. Chúng sẽ hình thành bầu ngực được tạo thành từ các tuyến vú và mô mỡ. Vú có thể bắt đầu phát triển khi trẻ 9 hoặc 10 tuổi. Đối với một số trẻ, giai đoạn tăng trưởng sớm nhất có thể xảy ra ở độ tuổi 6-8. Trong hầu hết trường hợp, các dấu hiệu dậy thì sớm được xác định là lành tính và không cần điều trị. Các bé gái có thể gặp một số tình trạng như: một bên vú lớn hơn bên còn lại; đau hoặc sưng ngực trong kỳ kinh nguyệt; có lông quanh núm vú hoặc vết rạn da. Những điều này đều bình thường. Sự phát triển của ngực thường tiếp tục trong suốt tuổi dậy thì. Kích thước ngực có thể do di truyền, hoặc phụ thuộc vào cân nặng của mỗi người. Sau tuổi dậy thì, mô vú tiếp tục thay đổi và đáp ứng với các hormone trong suốt cuộc đời, kể cả trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, cho con bú hoặc mãn kinh. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bé gái Chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên sẽ hỗ trợ trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, quá trình dậy thì và tăng trưởng có thể bị trì hoãn vì nhiều lý do. Cha mẹ sinh con khi lớn tuổi có thể khiến trẻ chậm phát triển hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, nhưng chúng sẽ tăng trưởng đầy đủ. Trẻ em mắc các bệnh như tiểu đường, xơ nang hoặc bệnh thận cũng có thể bị dậy thì muộn. Điều này có thể ít xảy ra hơn nếu tình trạng bệnh được kiểm soát tốt với các biến chứng hạn chế. Các tình trạng ảnh hưởng đến tuyến yên hoặc tuyến giáp, nơi sản xuất các hormone tăng trưởng và phát triển, cũng có thể làm chậm quá trình dậy thì. Tương tự, một số điều kiện di truyền cũng có thể cản trở quá trình này. Tập luyện chuyên sâu và ăn uống hạn chế có thể làm chậm quá trình dậy thì ở các vận động viên nữ trẻ tuổi. Ngược lại, béo phì có thể khiến trẻ dậy thì sớm. Những điều này là do sự thay đổi nồng độ hormone liên quan đến mức độ hoạt động và thành phần cơ thể. Châu Vũ (Theo Medical News Today)
|