Bữa trưa học đường: Bài học về sức khỏe dinh dưỡng Tại Phần Lan, Pháp hay Brazil, bữa trưa học đường đã gắn liền với chương trình giáo dục quốc gia, giúp học sinh nhận thức tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe. Học sinh được dạy về cách ăn uống lành mạnh thông qua chương trình bữa trưa học đường. Các em được khuyến khích ăn nhiều rau xanh, giảm hàm lượng natri, chất béo, đường trong bữa ăn. Mỹ Cô Juliana Cohen, Giáo sư dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard, Mỹ, cho biết: Thực phẩm lành mạnh tác động đến chức năng nhận thức của trẻ, giúp cải thiện khả năng học tập. Do đó, nếu bữa trưa học đường được chú trọng, cả học sinh và nhà trường đều được lợi. Theo GS Cohen, Mỹ là một trong số các quốc gia đưa ra những tiêu chuẩn dinh dưỡng về bữa ăn học đường tốt nhất thế giới. Các khu học chánh đều có chuyên gia dinh dưỡng – người lên thực đơn, kiểm định chất lượng thực phẩm chọn cho bữa ăn nhằm đảm bảo bổ sung nguồn dinh dưỡng lành mạnh, phong phú cho học sinh. Đối với mỗi bậc học, thực đơn ăn uống là khác nhau, phù hợp với quá trình và nhu cầu phát triển của học sinh. Nhiều trường hợp tác với đầu bếp chuyên nghiệp để xây dựng thực đơn hấp dẫn cho bữa trưa. Ví dụ, họ chế biến những món ăn ngon, lạ mắt từ rau củ, trái cây. Một số món ăn thường chỉ thấy ở nhà hàng có mặt trên bàn ăn tại trường cũng khiến học sinh hào hứng hơn. Ngoài ra, tại Mỹ, nhu cầu dinh dưỡng của học sinh được hỗ trợ bởi một số chương trình liên bang như Chương trình Bữa trưa học đường quốc gia, ra đời năm 1946. Học sinh trường công lập, tư thục phi lợi nhuận, trẻ em tại các cơ sở chăm sóc ban ngày được cung cấp bữa trưa miễn phí. Chương trình trên được chứng minh không chỉ cung cấp thực phẩm bổ dưỡng, mà còn dạy trẻ em thói quen ăn uống lành mạnh, giúp các em học cách chọn lựa thức ăn thông minh. Đơn cử, bữa trưa chứa nhiều trái cây, rau và ngũ cốc hơn, giảm hàm lượng natri khi tỷ lệ trẻ em béo phì tại Mỹ tăng cao. Bên cạnh bữa trưa, trường học Mỹ thường lồng ghép chương trình giáo dục dinh dưỡng trong chương trình học. Thông điệp về dinh dưỡng và ăn uống lành mạnh được gửi về cho phụ huynh, treo trong căng-tin, khuôn viên trường. Phần Lan Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh từ những năm 1940. Cho đến nay, quốc gia này vẫn duy trì bữa trưa miễn phí giàu dinh dưỡng, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa, giúp cải thiện sức khỏe và thể trạng của học sinh. Bữa trưa học đường được coi là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công cho hệ thống giáo dục nước này. Bữa trưa tiêu chuẩn trong trường học Phần Lan thường bao gồm một món chính (làm từ cá, thịt, rau...); một phần rau (salad, rau tươi); bánh mì và đồ ăn kèm; đồ uống (sữa gầy, sữa ít béo...) và nước tráng miệng. Ngoài ra, học sinh tham gia câu lạc bộ, hoạt động thể thao có thể thưởng thức bữa ăn nhẹ. Dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn phải bằng 1/3 lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể mỗi ngày của học sinh. Theo khuyến nghị của Ủy ban Giáo dục quốc gia Phần Lan, đồ ngọt, đồ uống có đường, có ga không nên được sử dụng thường xuyên trong cơ sở giáo dục. Các máy bán hàng tự động, căng-tin trường học chỉ bán sản phẩm lành mạnh, bổ dưỡng. Thực phẩm giàu chất béo, đường và muối không được khuyến khích sử dụng hàng ngày. Ở Phần Lan, một phần quan trọng của giáo dục là nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe. Giáo dục cơ bản ở đất nước này bao gồm các lớp học bắt buộc về sức khỏe và kinh tế gia đình. Học sinh được giảng dạy về giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, cách hành xử trên bàn ăn và thực hành trong giờ ăn trưa. Nhiều trường dạy học sinh về nguồn gốc thực phẩm, tổ chức thăm nông trại, thu hoạch hoa quả. Học sinh có cơ hội tham gia vào việc lên thực đơn hoặc học nấu ăn trong môn Nữ công gia chánh nhằm xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh. Bữa ăn chỉ được coi là cân bằng khi học sinh ăn hết thức ăn. Học sinh lớn có thể giúp em nhỏ chọn thức ăn tuỳ thuộc khẩu vị nhưng đảm bảo dinh dưỡng. Học sinh học cách xây dựng thực đơn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Pháp Từ 3 tuổi học mẫu giáo, trẻ em Pháp được cung cấp bữa trưa gồm 4 món: Món khai vị bằng rau (salad, củ cải); món chính, phomat và món tráng miệng. Trẻ em ăn thức ăn kiểu người lớn với khẩu phần nhỏ hơn. Bộ Giáo dục Pháp quy định học sinh phải ăn trưa tối thiểu 30 phút. Điều này cho phép các em ăn uống chậm rãi, điều độ, tiêu hóa thức ăn dễ dàng và không làm giảm năng lượng vào buổi chiều. Các em được dạy cách đánh giá thực phẩm, cách ăn uống lịch sự và văn minh. Trẻ nhỏ học cách dọn bàn ăn, rót nước, sử dụng dao và nĩa. Từ năm 2018, Pháp thông qua cuộc cải cách bữa trưa học đường với mục tiêu tăng cường sản phẩm hữu cơ và sản phẩm mang tính địa phương trong thức ăn dành cho học sinh. Đến năm 2022, 50% sản phẩm phục vụ trong trường học công là thực phẩm có tính bền vững và địa phương. Tối thiểu 20% thực phẩm là sản phẩm hữu cơ. Học sinh được tham quan nông trại, trang trại hữu cơ để tìm hiểu về nguồn thức ăn trong bữa trưa của mình và đánh giá mức độ dinh dưỡng, lành mạnh của thức ăn. Đặc biệt, học sinh Pháp được dạy không kén ăn. Rau là món ăn đầu tiên được phục vụ trong bữa trưa. Nếu học sinh không thích ăn rau, giáo viên sẽ khuyến khích em ăn thử, các bạn cùng cổ vũ. Do đó, hầu hết học sinh Pháp đều ăn rất nhiều rau và hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh. Brazil Sở hữu chương trình bữa trưa học đường lâu đời, Brazil hiện cung cấp bữa trưa hàng ngày cho hơn 43 triệu học sinh trên cả nước. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và béo phì tại Brazil thuộc nhóm cao trên thế giới nên chương trình bữa trưa học đường của nước này không chỉ giúp giảm thiểu các bệnh ở trẻ em, mà còn thay đổi cách các em tiếp cận thực phẩm. Hiến pháp Brazil quy định 30% nguyên liệu cho bữa ăn tại trường phải có nguồn gốc từ các trang trại gia đình, địa phương. Nhờ đó, nước này đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương. Thực đơn trong trường học được phát triển và giám sát bởi các chuyên gia dinh dưỡng làm việc cho chính quyền thành phố, chính quyền bang. Một số thực phẩm bị hạn chế gồm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có thành phần như đường, muối, chất béo bão hòa. Ngoài ra, các trường học đều có vườn cây cho phép trẻ tự trồng rau củ và quyết định sản phẩm nào sẽ có mặt trên bàn ăn của mình. Trong quá trình học cách làm vườn, trẻ được dạy các kiến thức cơ bản về thức ăn, thực phẩm, chất dinh dưỡng và ý nghĩa của việc ăn uống lành mạnh. Nguồn https://giaoducthoidai.vn |